PHÂN BIỆT KIỂM TRA VÀ THANH TRA –
PHÂN BIỆT KIỂM TRA VÀ THANH TRA
trong công tác quản lý nhà nước, ngoài hoạt động quản lý còn có chức năng thanh tra, kiểm tra các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật
Page Content
trong công tác quản lý nhà nước, ngoài hoạt động quản lý còn có chức năng thanh tra, kiểm tra các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật
Lâu nay, trong công tác quản lý nhà nước, ngoài hoạt động quản lý còn có chức năng thanh tra, kiểm tra các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật; đồng thời ghi nhận những quy định còn bất cập khi áp dụng vào thực tiễn để có cơ sở kiến nghị bổ sung; Tuy nhiên, do một số tổ chức, cá nhân chưa hiểu được mục đích của cuộc thanh tra, kiểm tra nên có sự không đồng tình, cho rằng có sự chồng chéo, trùng lập đối với hoạt động thanh tra và kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thông qua bản tin của Sở Công thương, Thanh tra Sở phân tích một số điểm giống và khác nhau của hoạt động thanh tra, kiểm tra để các tổ chức, cá nhân, phòng ban của Sở tham khảo và phối hợp thực hiện.
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”. Có thể nói giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi và có nhiều điểm giao thoa nhau. Bởi vì kiểm tra và thanh tra đều là những công cụ quan trọng, một chức năng chung của quản lý nhà nước, là hoạt động mang tính chất phản hồi của “chu trình quản lý”. Qua kiểm tra, thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích đánh theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý đề ra. Đây là mối quan hệ đan chéo nhau. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì thanh tra là một loại hình đặc biệt của kiểm tra, ngược lại nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thanh tra lại bao hàm cả kiểm tra. Các hoạt động thao tác nghiệp vụ trong một cuộc thanh tra như việc kiểm tra sổ sách, tài liệu của đối tượng thanh tra; so sánh đối chiếu, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra…đó là kiểm tra. Chính vì vậy trong thực tiễn, nhiều người trong đó có cả một số doanh nghiệp thường hay nhầm lẫn, đồng nhất kiểm tra với thanh tra. Tuy nhiên với tư cách là một hoạt động độc lập, kiểm tra có nhiều điểm khác biệt với thanh tra:
Một là về chủ thể tiến hành: Giữa kiểm tra và thanh tra có một mảng giao thoa về chủ thể, đó là Nhà nước. Nhà nước tiến hành cả hoạt động thanh tra và kiểm tra. Tuy nhiên, chủ thể của kiểm tra rộng hơn của thanh tra rất nhiều. Trong khi chủ thể tiến hành thanh tra phải là Nhà nước, thì chủ thể tiến hành kiểm tra có thể là Nhà nước hoặc có thể là chủ thể phi nhà nước, chẳng hạn như hoạt động kiểm tra của một tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội (Đảng, Công đoàn, Mặt trận, Đoàn thanh niên…), hay như hoạt động kiểm tra trong nội bộ một doanh nghiệp.
Hai là về mục đích thực hiện: Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều, bởi: thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa.
Ba là về phương pháp tiến hành: Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra cũng áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như: xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định…
Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra để tác động lên đối tượng bị quản lý.
Bốn là về trình độ nghiệp vụ: Hoạt động thanh tra đòi hỏi thanh tra viên phải có nghiệp vụ giỏi, am hiểu về kinh tế – xã hội, có khả năng chuyên sâu vào lĩnh vực thanh tra hướng đến. Do nội dung hoạt động kiểm tra ít phức tạp hơn thanh tra và chủ thể của kiểm tra bao gồm lực lượng rộng lớn có tính quần chúng phổ biến nên nói chung, trình độ nghiệp vụ kiểm tra không nhất thiết đòi hỏi như nghiệp vụ thanh tra.
Năm là về phạm vi hoạt động: Phạm vi hoạt động kiểm tra thường theo bề rộng, diễn ra liên tục, ở khắp nơi với nhiều hình thức phong phú. Phạm vi hoạt động thanh tra thường hẹp hơn hoạt động kiểm tra.
Sáu là về thời gian tiến hành: Trong hoạt động thanh tra thường có nhiều vấn đề phải xác minh, đối chiếu rất công phu, nhiều mối quan hệ cần được làm rõ, cho nên phải sử dụng thời gian nhiều hơn so với kiểm tra.
Thanh tra và kiểm tra tuy có sự phân biệt nhưng chỉ là tương đối. Khi tiến hành cuộc thanh tra, thường phải tiến hành nhiều thao tác nghiệp vụ đó thực chất là kiểm tra. Ngược lại, đôi khi tiến hành kiểm tra để làm rõ vụ việc, lại lựa chọn được nội dung thanh tra. Kiểm tra và thanh tra là hai khái niệm khác nhau nhưng có liên hệ qua lại, gắn bó. Do vậy, khi nói đến một khái niệm người ta thường nhắc đến cả cặp với tên gọi là thanh tra, kiểm tra hay kiểm tra, thanh tra./.
Chơn Thành
]
Tin liên quan
Tin mới nhất
10 điểm mới nổi bật của Luật Thanh tra 2022
Kiểm tra bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão
THANH TRA LIÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO NĂM 2023
Một số điểm mới củaThông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy…
Một số điểm mới của Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Chính phủ quy định quy trình…