Ôtô vượt đèn đỏ bị phạt thế nào?

Anh Tuấn

  –  

Chủ nhật, 28/11/2021 18:10 (GMT+7)

Mức phạt ôtô vượt đèn đỏ hiện nay được pháp luật quy định rõ ràng và chi tiết tại Nghị định 100. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông chưa thực sự nắm rõ những thông tin này.

Quy định về mức phạt ôtô vượt đèn đỏ theo Nghị định 100

Mức phạt ôtô vượt đèn đỏ được quy định theo điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Theo đó, người điều khiển xe mắc lỗi vượt đèn đỏ cũng như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, người lái còn phải chịu thêm các hình phạt bổ sung. Theo điểm b, c khoản 11 Điều 5, xe ôtô vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. Trong trường hợp không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông và gây tai nạn, người lái sẽ bị tước giấy phép từ 2 – 4 tháng.

Theo khoản 1 và 2 Điều 6 của Thông tư số 153/2011/TT-BTC​​, quy định về thủ tục thu và nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt, cá nhân hoặc tổ chức bị xử lý vi phạm có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với cơ quan xử lý vi phạm.

Cùng với đó, người bị xử lý cũng có quyền tố cáo các hành vi vi phạm trong việc xử lý hành chính. Trong trường hợp khiếu nại được thông qua, thời gian hoàn trả số tiền phạt là 15 ngày.

Ôtô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh hoạ, nguồn V.TÔtô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh hoạ, nguồn V.T 

Thông tin thêm về mức phạt lỗi vượt đèn đỏ ở các phương tiện khác

Ngoài mức phạt ôtô vượt đèn đỏ theo quy định tại Nghị định 100, các phương tiện khác nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu khi tham gia giao thông đều bị xử lý.

Cụ thể: Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 600.000 đến 1.000.000 đồng (theo điểm e khoản 4 Điều 6).

Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng (theo điểm b khoản 10 Điều 6);

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng (theo điểm đ khoản 5 Điều 7).

Cùng với đó là hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1 – 3 tháng. Đặc biệt, nếu vượt đèn đỏ và gây ra tai nạn, tước quyền từ 2 – 4 tháng (theo điểm a, b khoản 10 Điều 7);

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) và các loại xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 8). 

Những câu hỏi liên quan đến lỗi ôtô vượt đèn đỏ

Lỗi ôtô vượt đèn đỏ rẽ phải có bị phạt không?

Nhiều người điều khiển phương tiện nhận thấy biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải” và vô tình cho rằng tại tất cả các ngã tư đều có thể áp dụng. Thực tế, nhận định này là sai, nếu tự ý rẽ phải tại nơi không có biển báo sẽ được coi là vi phạm luật giao thông.

Theo khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2018 quy định, tín hiệu đèn giao thông màu xanh là cho phép đi, màu đỏ là cấm đi, màu vàng là dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp có biển phụ cho phép rẽ phải thì người điều khiển được rẽ phải.

Ngược lại nếu không có biển báo, người lái phải chấp hành theo đúng tín hiệu của đèn giao thông. Trong trường hợp vi phạm, tự ý rẽ phải thì sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 – 2.000.000 đồng đối với ô tô và 300.000 – 400.000 đồng đối với xe máy. Bên cạnh đó, người điều khiển còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo Nghị định 100.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người tham gia giao thông được phép di chuyển khi vượt đèn đỏ. Cụ thể: Khi có hiệu lệnh được rẽ phải của cảnh sát giao thông;

Khi đèn xanh ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo; khi có biển cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo; khi đi trên vạch kẻ mắt võng bắt buộc rẽ, không được đi thẳng hoặc dừng lại.

Vượt đèn vàng có bị xem là lỗi và xử phạt không?

Theo khoản 3 Điều 10 cũng trong văn bản trên thì quy định khi thấy tín hiệu đèn vàng (trừ tín hiệu nhấp nháy) người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng (trừ trường hợp đã đi quá vạch).

Đèn vàng báo hiệu sự thay đổi tín hiệu từ xanh sang đỏ, yêu cầu người lái đi chậm và sẵn sàng dừng lại khi đèn chuyển sang đỏ. Vì vậy, người điều khiển nên giảm tốc độ, chú ý và nhường đường cho người đi bộ qua đường.