Ông Đinh La Thăng lãnh 10 năm tù, Út ‘Trọc’ bị chung thân – BBC News Tiếng Việt

Ông Đinh La Thăng lãnh 10 năm tù, Út ‘Trọc’ bị chung thân

22 tháng 12 2020

Getty Images

Sáng ngày 22/12, TAND TP HCM đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”) và 18 người khác về cáo buộc sai phạm trong bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Theo bản án sơ thẩm, ông Thăng nhận mức án 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tổng hợp hình phạt với hai bản án trước đó, ông Thăng phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).

Cùng tội danh này, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị phạt 4 năm 6 tháng tù.

Tòa tuyên phạt ông Đinh Ngọc Hệ mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 13 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt với các bản án trước là tù chung thân.

Các đồng phạm tội lừa đảo bị tuyên phạt từ hai năm án treo đến 10 năm tù.

Hội đồng xét xử nói gì?

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX nhận định việc viện kiểm sát truy tố các bị cáo trong vụ án là có căn cứ, đúng tội, đúng pháp luật. Dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT được Thủ tướng giao xây dựng đề án bán quyền thu phí để thu lại tài sản cho Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng với cương vị là Bộ trưởng Bộ GTVT đã được giao tổ chức xây dựng đề án bán quyền thu phí. Tuy nhiên, do mối quan hệ từ trước, ông Thăng đã giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận dự án, tham gia đấu giá và trúng đấu giá trái pháp luật.

“Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại Bộ GTVT đã tạo điều kiện để Hệ chiếm đoạt trót lọt 725 tỷ đồng của Nhà nước. Vì vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án”, bản án nêu.

Từ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu lời khai của các bị cáo tại tòa và tại cơ quan điều tra, HĐXX cho rằng có cơ sở khẳng định ông Thăng và các cán bộ ở Bộ GTVT đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí.

Đối với ông Hệ, HĐXX cho rằng dù không đủ điều kiện tham gia đấu giá, không có năng lực tài chính nhưng ông Hệ đã lợi dụng mối quan hệ với ông Thăng, nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản Nhà nước và tòa nhận định đây là “hành vi xảo quyệt, tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng”. Khi vào thu phí, Hệ đã chỉ đạo nhân viên sử dụng phần mềm, sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Do đó, HĐXX buộc Đinh Ngọc Hệ giao nộp 725 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; tiếp tục duy trì lệnh kê biên và phong tỏa tài sản của hệ thống công ty của Hệ để đảm bảo việc thi hành án.

Lời sau cùng của ông Thăng là gì?

Tại phiên tòa chiều ngày 21/12, khi được nói lời sau cùng, ông Thăng đã nêu quan điểm cảm ơn HĐXX, các luật sư của mình cũng như các luật sư khác trong việc làm rõ hơn vụ án.

Báo Pháp luật dẫn lời ông Thăng, về bản thân, ông nhận trách nhiệm người đứng đầu nhưng chịu trách nhiệm về chính trị, hành chính, công vụ trong vụ án, còn hình sự thì không. Một lần nữa ông mong HĐXX đánh giá khách quan, công minh.

Đối với thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và cấp dưới, ông Thăng mong HĐXX không truy cứu trách nhiệm hình sự với họ.

Trong sáng 21/12, trong phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng liên tục phủ nhận cáo trạng: “Tôi bác bỏ cáo trạng vì đó là những suy đoán không có căn cứ, không dựa trên cơ sở hồ sơ vụ án và diễn biến phiên toà và ý kiến của các luật sư tại phiên toà này”.

Ông nói: “Bị cáo nhận thấy đại diện VKSND TP đưa ra quan điểm mang nặng tính chất “gắp lửa quá lớn”, ném vào bản thân bị cáo cũng như những bị cáo khác từng làm việc ở Bộ GTVT. Từ đó, bị cáo yêu cầu người thừa hành quyền công tố giải thích rõ hơn nữa cáo buộc bị cáo đóng vai trò chính trong vụ án.”

Ông Đinh La Thăng nói VKS 'gắp lửa quá lớn' (ảnh minh họa)

Nguồn hình ảnh, VIETNAM NEWS AGENCY

Chụp lại hình ảnh,

Ông Đinh La Thăng nói VKS ‘gắp lửa quá lớn’ (ảnh minh họa)

Ngoài ra, ông Thăng cho rằng VKS có nhầm lẫn khi lập luận về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương). Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước đã chuyển nhượng quyền thu phí trong 5 năm cho Công ty Yên Khánh (do Đinh Ngọc Hệ nắm quyền).

Ông Thăng cho rằng đây là chuyển nhượng quyền khai thác tài sản, không phải chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản. Theo đó, Công ty Yên Khánh có quyền tổ chức thu phí và quản lý số tiền thu về từ hoạt động thu phí.

Đối với số tiền trúng đấu giá, ông Thăng cho rằng đây là tiền thu hợp pháp của người trúng đấu giá: “Đề nghị trưng cầu giám định số tiền hơn 725 tỷ đồng là của ai? Việc nào sai thì phải xử lý theo đúng pháp luật. Đề nghị đại diện VKS chứng minh cho bị cáo biết Công ty Yên Khánh làm ăn thua lỗ như VKS đã kết luận. Cần xác định rõ số tiền này thực sự thuộc về ai, từ đó xử lý cho đúng” – ông Thăng nói.

“Tôi mong VKS thay đổi lại cáo buộc của mình để những người bị cáo buộc tâm phục khẩu phục”, ông Thăng nêu quan điểm trước tòa.

Cáo trạng nói gì?

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP HCM – Trung Lương có vốn ngân sách nhà nước nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản của nhà nước và số tiền thu được từ việc này là tài sản nhà nước.

Cụ thể, khi ông Đinh La Thăng còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, với vai trò này, ông Thăng đã ký văn bản gửi Thủ tướng đề nghị tiếp nhận lại đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc này và tiếp tục tìm kiếm đối tác bán quyền thu phí để thu hồi vốn.

Tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý giao cho Bộ GTVT thực hiện việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, ‘xuất phát từ động cơ cá nhân’, đã gọi điện cho ông Dương Tuấn Minh – tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long – để giới thiệu ông Đinh Ngọc Hệ và tạo điều kiện cho công ty của ông Hệ trúng thầu.

Do Công ty Yên Khánh của mình không có năng lực tài chính, đang kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia đấu giá, Hệ chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ giả và mua được quyền thu phí cao tốc Trung Lương với giá 2.004 tỷ đồng.

Sau khi trúng thầu, ông Hệ bị cáo buộc gian dối về doanh thu, can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ GTVT để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Chụp lại video,

Ngày đầu xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm

Cáo trạng cho rằng, nhờ sự giúp đỡ của ông Thăng, Trường và nhiều người khác, Hệ và đồng phạm có cơ hội sử dụng phần mềm giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng của Nhà nước.

Hôm 18/12, đại diện VKS đề nghị ông Đinh La Thăng mức án 10-11 năm tù, ông Đinh Ngọc Hệ tù chung thân.

Cụ thể, cơ quan công tố đề nghị HĐXX phạt cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và miễn hình phạt bổ sung.

Còn ông Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”), VKS đề nghị tòa sơ thẩm tuyên chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 13-14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt là chung thân.

VKS khẳng định truy tố các bị cáo đúng pháp luật. Hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Thăng biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí; có 11 văn bản mà nơi nhận là bộ trưởng và có mối quan hệ giữa hành vi cố ý làm trái của các bị cáo thuộc Bộ GTVT với hành vi chiếm đoạt tài sản của Hệ. Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Hệ mới có cơ hội chiếm đoạt được tài sản của Nhà nước.

Luật sư của ông Thăng nói gì?

Hôm 21/12, báo Tuổi Trẻ trích dẫn quan điểm của luật sư Hoàng Văn Hướng – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng – cho rằng VKS đang áp dụng quan điểm suy đoán buộc tội.

Luật sư Hướng cho rằng lời khai của bị cáo Dương Thị Trâm Anh (phó tổng giám đốc Công ty Cửu Long) “biết ông Hệ là con rể của một vị lãnh đạo cấp cao nên bị cáo Đinh La Thăng đã tác động để Hệ được tham gia dự án” là có tính chất buộc tội.

Luật sư khẳng định vị lãnh đạo này không có con gái nên ông Hệ không phải là con rể, do đó lời khai của bị cáo Dương Thị Trâm Anh là bịa đặt.

Luật sư cũng cho rằng các cuộc gọi điện thoại giữa ông Thăng và ông Hệ, hoặc giữa ông Thăng và bị cáo Dương Tuấn Minh (tổng giám đốc Công ty Cửu Long) nếu có cũng không chứng minh được nội dung của các cuộc gọi này là ông Thăng tác động để ông Hệ tham gia dự án. Như vậy, mọi cáo buộc này là quy chụp và suy diễn.

Một luật sư khác bào chữa cho ông Thăng cho rằng, về số tiền 725 tỉ đồng, nếu đây là tài sản của Yên Khánh thì toàn bộ cáo buộc trong cáo trạng này là không có căn cứ.

Luật sư này viện dẫn văn bản 4688 của Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT về đề án quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trích điều 18 pháp lệnh phí và lệ phí nêu rõ:

“Phí thu được từ các dịch vụ không do nhà nước đầu tư hoặc do nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí thu được theo quy định của pháp luật”.

Theo luật sư, nội dung trên trong văn bản của Bộ Tài chính cho thấy hoàn toàn có cơ sở pháp lý chứng minh rõ quyền thu phí đã chuyển giao cho doanh nghiệp, không còn là tiền của nhà nước. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX bác bỏ toàn bộ quan điểm buộc tội của VKS.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư giữ quan điểm VKS không chứng minh được ông Thăng có những hành vi như điều luật truy tố. VKS không chứng minh được vai trò ông Thăng trong các vai trò đồng phạm: chủ mưu, thực hành, xúi giục, giúp sức theo Điều 17 BLHS.

Đồng thời, luật sư nhấn mạnh không thể coi thân chủ ngoan cố và là tình tiết tăng nặng lượng hình khi mà bị cáo chứng minh mình không phạm tội.