Ông Đinh La Thăng dùng lời “rất nặng” với Trịnh Xuân Thanh
(ĐTCK) “Tôi đã kết luận nếu PVB không thống nhất với PVC thì chọn phương án khác. Anh Thanh nói nếu Tập đoàn không chỉ đạo làm thì chúng tôi không làm. Anh nói lời tự tát vào mồm mình”, ông Thăng nói trong phần bào chữa.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.
Sáng 11/3, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của ông Đinh La Thăng và các luật sư. Ông Đinh La Thăng có 3 luật sư bào chữa.
Tham gia bảo vệ cho ông Thăng, luật sư Hoàng Văn Hướng dẫn lại Kết luận 41 ngày 19/1/2006 của Bộ Chính trị định hướng ngành dầu khí nhanh chóng phát triển nhiên liệu sinh học, các quyết định 336, 177… khẳng định thân chủ của mình có động cơ, mục đích đúng đắn.
Cũng theo luật sư, ông Thăng còn giữ vai trò ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, là bộ phận được thành lập tư vấn cho HĐQT, nguyên tắc là không làm thay cho chủ đầu tư.
Luật sư cho rằng, không có lời khai về việc bị cáo Thăng chỉ đạo trực tiếp chỉ định thầu. Ngoài ra, dự án này không bị điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Luật sư đề nghị tuyên thân chủ ông không phạm tội Vi phạm đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tại các buổi thẩm vấn, bị cáo Đinh La Thăng được chuyển sang phòng khác để cách ly.
Tự bào chữa tại tòa, ông Thăng nói:
“Tôi không được tham gia tố tụng suốt từ đầu nhưng đây là việc làm tự nguyện của PVC xin nhận thầu vì giá này (giá hợp đồng 59 triệu USD – PV) thuộc thẩm quyền quyết định của chủ đầu tư. Nếu đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi. Tôi đã kết luận nếu PVB không thống nhất với PVC thì chọn phương án khác. Anh Thanh nói nếu Tập đoàn không chỉ đạo làm thì chúng tôi không làm. Anh nói lời tự tát vào mồm mình”.
Bị cáo cũng cho rằng, chủ trương của Chính phủ cho phép thực hiện dự án nhiên liệu sinh học. Tập đoàn triển khai. Chủ trương chỉ đồng ý cho các đơn vị thành viên có vốn góp của Tập đoàn. Thực tế vốn nhà nước tại PVB là 39,7%.
Trong khi ông Thăng trình bày những lời trên, chủ tọa phiên tòa phải nhắc bị cáo Trịnh Xuân Thanh trật tự.
Tiếp tục phần bào chữa của mình, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản cáo trạng và luận tội “không có gì thay đổi”.
Bị cáo nói: “Cáo trạng nêu tôi là vai trò là Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, là chủ mưu, nhóm lợi ích… thì đề nghị phải nói rõ là lợi ích gì, bao nhiêu tiền, ai được hưởng bao nhiêu.
Nếu khuôn mẫu cáo trạng có phần đó thì thôi cũng được, còn nếu là cáo trạng riêng của vụ án này thì xin Viện kiểm sát đối đáp lại.
“Thưa các vị đại diện Viện kiểm sát, nếu không có lần đầu tiên làm gì có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, rồi hàng loạt dự án lớn nữa. Nếu không có chủ trương chỉ định thầu của Chính phủ thì làm sao tập đoàn có các dự án, các giải thưởng lớn. Đấy là may mà thành công, nếu không thành công lại ra tòa thôi”.
Nhắc về vai trò trách nhiệm người đứng đầu, bị cáo Thăng cho rằng, bản thân không có trách nhiệm phải biết những việc của cấp dưới hay các bên liên quan. Xin Viện kiểm sát đối đáp, quy định nào buộc người đứng đầu phải biết mọi việc của cấp dưới, người liên quan.
“Nếu không làm rõ vấn đề này thì những người đứng đầu ở các cơ quan, ban ngành, địa phương khác có các công trình liệu có bị ra tòa tiếp như tôi không”, bị cáo thắc mắc.
“Bản cáo trạng không phải bản nhạc, một bản nhạc cũng có nhiều nốt, không phải chỗ nào cũng nốt thăng. Cáo trạng chỗ nào cũng Thăng chỉ đạo từ việc lớn đến việc nhỏ”, bị cáo nói.
Cựu Chủ tịch HĐQT PVN cũng đề nghị Viện kiểm sát cung cấp văn bản nào nói ông chỉ đạo giao thầu cho liên danh tổ hợp PVC.
“Dự án này có quy mô không lớn, kỹ thuật không quá phức tạp như các dự án PVN, PVC đã làm nên không thể căn cứ vào ý kiến của 2 ông vô trách nhiệm là PVC và PVB để buộc tội tôi và những người khác. Lẽ nào càng không làm thì không việc gì”, ông Thăng bào chữa.