Óc hài hước của Thiên Chúa – Phanxicô

Óc hài hước của Thiên Chúa

Ronald Rolheiser, 2022-06-06

Nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào Kinh thánh, có kinh nghiệm bản thân và tỉnh táo thì chúng ta chỉ có thể kết luận, Thiên Chúa có óc hài hước, một bộ óc hài hước mạnh bạo nhưng kín đáo. Bằng chứng nào?

Một thế hệ trước, thần học gia tin lành Peter Berger đã viết một quyển sách nhỏ đáng chú ý với tựa đề, Tin đồn về các thiên thần (A Rumor of Angels). Không như Aquinô, Anselm, Descartes và vô số triết gia lừng danh khác, ông không cố chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa bằng lý luận và tranh luận. Thay vào đó, ông nhìn vào một số kinh nghiệm rất bình thường của con người và đưa ra những gì ẩn giấu bên trong và đằng sau những trải nghiệm đó. Ví dụ như, khi một người mẹ dỗ đứa con bị hoảng sợ ban đêm, đảm bảo với con không có gì phải sợ, bà làm thế với niềm tin tốt đẹp vì ở một mức độ thâm sâu, bà trực cảm thấy, cuối cùng mọi sự đều tốt đẹp. Một cách vô thức, bà đang đọc kinh Tin kính.

Một trong những trải nghiệm mà Berger nêu bật, chính là trải nghiệm về hài hước. Luận điểm của ông: Dù cho hoàn cảnh có ngột ngạt và thảm khốc đến đâu đi nữa, con người luôn có năng lực làm nhẹ nó, nhìn nó qua lăng kính châm biếm và hài hước. Ví dụ như, các thánh tử đạo đã nói đùa với đao phủ, và chắc chắn trong những trại diệt chủng, vẫn có những lúc đùa cợt, châm biếm, và hài hước sâu cay. Sự thật rằng con người có thể và thực sự làm được việc này, cho thấy trong chúng ta luôn có gì đó siêu việt, có gì đó mạnh hơn áp bức của con người, có gì đó làm chúng ta vượt lên mọi hoàn cảnh mình gặp phải. Ý thức châm biếm và hài hước của chúng ta thể hiện trong linh hồn có gì đó làm chúng ta vượt lên bất kỳ điều gì có thể bủa vây chúng ta.

Và điều này có thể bắt nguồn từ một nơi duy nhất, là nơi Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng chúng ta. Vì thế không hẳn Thiên Chúa có ý thức hài hước, mà còn hơn thế nữa, hài hước hẳn là cố hữu trong bản tính Thiên Chúa, vì hài hước là tốt và Thiên Chúa là đấng tạo nên mọi sự tốt lành.

Trường phái triết học kinh điển tin rằng, Thiên Chúa có bốn đặc tính siêu việt, là Duy nhất, Chân thật, Tốt lành và Tuyệt mỹ – và bây giờ chúng ta có thể thêm một điều: Hài hước. Hơn nữa, có thể kết luận như thế từ việc thỉnh thoảng chúng ta cảm nhận, hài hước thể hiện sự siêu việt của chúng ta trong một tình huống nào đó. Và quan trọng hơn nữa, chúng ta có thể suy ra hài hước có tính thần thiêng khi xem xét những phần tử cấu trúc tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, và hài hước là một phần quan trọng không thể chối cãi của tình yêu.

Khi các triết gia Hy Lạp kinh điển định nghĩa tình yêu, họ nêu bật một số thành phần bên trong của nó, cụ thể là sức hấp dẫn tình ái, sự ám ảnh, tình bạn, sự sắp xếp thực dụng và lòng vị tha. Tuy nhiên, họ còn nêu bật một thành phần khác, đó là vui vẻ/bông đùa/ hài hước.  Thật thấu suốt làm sao. Hài hước cùng với bông đùa lành mạnh và trêu chọc vui vẻ là một phần dầu mỡ giúp chúng ta duy trì mối quan hệ lâu dài, bất chấp sự quen thuộc quá mức, tổn thương, thất vọng, và nhàm chán không thể tránh khỏi thế nào cũng xuất hiện trong hầu hết mối tình. Hài hước giúp tình yêu ổn định. Vì thế hài hước là một phần bẩm sinh của tình yêu, nó cũng là một phần bẩm tại của Thiên Chúa.

Đáng buồn là, chúng ta thường không hình dung Thiên Chúa như thế. Đây lại là điểm chung của kitô giáo, do thái giáo và hồi giáo. Chúng ta đều hình dung Thiên Chúa là nam giới, độc thân, uy nghi – và không hài hước. Làm sao để chúng ta hình dung Thiên Chúa một cách khác?

Nếu chúng ta phải vẽ lên một khuôn mặt tổng hợp thể hiện Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ đưa khuôn mặt của ai vào chân dung này? Hình ảnh sốt mến của Chúa Giêsu tóc vàng hiền lành cõng chiên trên vai mà chúng ta thường thấy trong các ảnh tượng? Hình ảnh Đức Mẹ lặng lẽ điềm thản chúng ta thấy nơi nhiều bức tượng? Gương mặt Mẹ Têrêxa Calcutta? Têrêxa Hài Đồng Giêsu? Gương mặt của Dorothy Day? Của Martin Luther King? Của Oscar Romero? Billy Graham? Henri Nouwen? Rachel Held Evans? Gương mặt của cha mẹ chúng ta? Hay chúng ta hình dung gương mặt của danh hài hay một người hóm hỉnh mình yêu thích? Jerry Seinfeld? Bette Midler? Rowan Atkinson? Gương mặt tinh nghịch của một ông bác hay kể chuyện đùa?

Bất kỳ hình ảnh nào về dung mạo Thiên Chúa đều cần thể hiện một nội tại Độc nhất, Chân, Thiện, Mỹ, nhưng còn cả Hài hước và Tinh nghịch. Thât buồn cười, dù tôi tin Thiên Chúa là đấng tạo nên hài hước, tôi lại không bao giờ thích những bức họa vẽ Chúa Giêsu cười sảng khoái. Ý niệm thì tốt, ý định thì tốt, thần học cũng tốt, nhưng theo thị hiếu của tôi thì nó thiếu cái gì đó đúng đắn. Khuôn mặt cười ấy có tính chất phù du sẽ quá dễ tan biến, nhường chỗ cho một cái gì khác xuất hiện sau đó. Tôi cho rằng, gương mặt của Thiên Chúa có một sự tinh nghịch lâu dài, lặng lẽ hơn, ẩn giấu hơn.

Nếu đúng thế, nếu Thiên Chúa không chỉ có óc hài hước, mà còn là người tạo ra hài hước, thì hài hước là một phẩm chất quan trọng trong sự toàn vẹn và thánh thiện. Điều gì khiến chúng ta toàn vẹn, trưởng thành, thánh thiện, yêu thương và nên người mà chúng ta muốn được ngồi cạnh ở bàn ăn đời này và ở cả đời sau? Chắc chắn, bạn muốn ai đó thể hiện những phẩm chất mà Chúa Giêsu yêu cầu trong Bài giảng trên núi cùng với một óc hài hước tinh nghịch, ấm áp và vui tươi.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Đừng làm cho Thiên Chúa thành xấu đi