ÔN TẬP KIẾN THỨC KHÁI QUÁT VỀ THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN – 123docz.net

Trong chương trình học bộ môn Ngữ Văn ở bậc THPT, phần kiến thức về thể
loại truyện ngắn không có bài học riêng và không được sắp xếp theo hệ thống khoa
học. Đó là một bất cập khiến học sinh lúng túng, gặp khó khăn trong quá trình làm
bài nghị luận văn học cần huy động kiến thức về thể loại văn bản. Để khắc phục
điều này, đòi hỏi giáo viên khi ôn tập cần trang bị kiến thức khái quát về thể loại văn
bản. Khi nắm chắc đặc điểm thể loại thì học sinh sẽ tự tin, làm bài thi sẽ tốt hơn.

1. Khái niệm: Truyện ngắn

Trong nghiên cứu, lí luận văn học, truyện ngắn là một khái niệm phức tạp,
chưa có sự thống nhất trong nhận diện và định nghĩa. Mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu
đều có lí lẽ riêng khi đưa ra định nghĩa về truyện ngắn, nhưng về cơ bản đều thống
nhất dựa vào hai tiêu chí dung lượng và thi pháp để nhận diện, khu biệt truyện ngắn
với các thể loại văn xuôi khác

– Về dung lượng: truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ: nhân vật không nhiều,
tình tiết không nhiều, số trang không nhiều, thậm chí ít, cực ngắn (truyện mini)…

– Về thi pháp: sử dụng các yếu tố mang đặc trưng như tình huống, cốt truyện,
nhân vật, lối trần thuật, giọng điệu, ngôn ngữ…

Như vậy, về cơ bản có thể định nghĩa: Truyện ngắn là một tác phẩm tự sự
cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào
đó.

Tên gọi truyện ngắn đã bao hàm trong đó đặc trưng bao trùm của thể loại.
Truyện ngắn phải ngắn gọn, cô đúc, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn. Đặc trưng
này bao quát và chi phối các đặc điểm cụ thể của thể loại truyện ngắn như nhân vật,
cốt truyện, tình huống, sự việc, chi tiết, ngôn ngữ…

a. Cốt truyện: truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một vài biến cố trong
một không gian, thời gian nhất định. Truyện ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh
khắc, một mẩu nhỏ nào đó của cuộc sống (Nguyễn Kiên). Cốt truyện đóng vai trò
quan trọng. Gơt đã từng đề cao Một truyện ngắn hay phải có một cốt truyện kì lạ,
hay nói cách khác nghệ thuật truyện ngắn đồng nghĩa với nghệ thuật sáng tạo cốt
truyện.

Trong cốt truyện cần chú ý đến các yếu tố quan trọng khác như chi tiết, sự
việc tiêu biểu, cách mở truyện và cách kết thúc truyện

b. Tình huống truyện: Hê ghen định nghĩa Tình huống là một trạng thái có
tính chất riêng biệt. Còn Nguyễn Minh Châu thì cho rằng: Tình huống là một
khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc…, khoảnh khắc chứa đựng
cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại… Như vậy, tình huống truyện là
một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng nhiều ý nghĩa tư tưởng. Nó đóng vai trò
quyết định sự sống còn của truyện ngắn và giúp khu biệt thể loại này với các thể loại
khác. Nếu trong một tác phẩm có hơn một sự kiện đặc biệt chen chân thì tác phẩm
đó có thể vươn lên thành truyện dài, tiểu thuyết. Nếu mất sự kiện đặc biệt, tác phẩm
đó có thể là tản văn, tùy bút, kí, thơ… chứ nhất định không còn lại truyện ngắn. Nhà
văn tài năng sẽ là người sáng tạo ra những tình huống đắt cho tác phẩm. Nhà văn là
người có biệt tài chọn ra được một sự kiện trong một khoảnh khắc thời gian mà chất
sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất. Từ đó, gắn kết được các nhân vật,
bộc lộ được quan hệ và tính cách của nhân vật, thể hiệ chủ đề tư tưởng của tác
phẩm.

Về cơ bản, tình huống truyện được chia thành ba loại:

– Tình huống hành động: là một sự kiện đặc biệt nào đó trong đời sống mà ở
đó nhân vật bị đẩy vào tình thế chỉ có hành động mới thoát ra được. Kiểu tình huống
này tạo nên kiểu nhân vật hành động, tạo nên những truyện ngắn giàu kịch tính. Ví
dụ: Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

– Tình huống tâm trạng: là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật
có biến động trong thế giới nội tâm. Kiểu tình huống này tạo nên kiểu nhân vật tình
cảm, tạo nên những truyện ngắn trữ tình. Ví dụ: Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

– Tình huống nhận thức: là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân
vật phải đối mặt với vấn đề nhận thức, phải khám phá, vỡ lẽ về nhân sinh. Kiểu tình
huống này tạo ra kiểu nhân vật tư tưởng, tạo nên những truyện ngắn giàu chất triết
luận. Ví dụ: Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Tuy nhiên, sự phân chia chỉ là tương đối, vì trong thực tế có thể một tác phẩm
không chỉ tồn tại một tình huống. Khi đó, điều cần thiết là phải xác định tình huống
nổi trội nhất, từ đó có những đánh giá xác đáng về ý nghĩa tư tưởng của truyện ngắn.

c. Nhân vật: Truyện ngắn thường ít nhân vật, nhân vật không được khắc họa
tỉ mỉ và toàn diện mà thường chỉ là những lát cắt đậm đặc, đòi hỏi nhà văn phải chọn
lọc và sáng tạo nhân vật thật “đắt”. Nhân vật trong truyện ngắn được nhà văn sáng
tạo trong sự chi phối của tình huống truyện. Đặc biệt, nhân vật trong truyện ngắn
hiện đại còn đảm nhiệm vai trò thể hiện tư tưởng, truyền tải thông điệp mà nhà văn
muốn gửi gắm tới độc giả. Vì vậy, nhân vật trong truyện ngắn bắt buộc phải có nét
riêng không trộn lẫn nhưng vẫn mang giá trị điển hình trong hiện thực cuộc sống.

d. Ngôn ngữ: Truyện ngắn là thể loại yêu cầu rất cao về việc tổ chức ngôn
ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ trong truyện ngắn là ngôn ngữ cô đọng, chính xác, trong
sáng và vang lên theo cách của mình. Chính ngôn ngữ này truyền đạt tư tưởng, xây
dựng tính cách, khiến cho truyện ngắn tràn đầy nhạc điệu (Vôrônin). Từ đó đòi hỏi
nhà văn phải tìm tòi, sáng tạo, lựa chọn ngôn ngữ đạt tính chính xác, tính hàm súc,
tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm. Chính vì vậy ngôn ngữ là một trong những
yếu tố thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của tác giả. Mỗi nhà văn lớn
bao giờ cũng là những tấm gương sáng về mặt hiểu biết và vận dụng sáng tạo ngôn
ngữ.