Ô lời phê của giáo viên trên bài kiểm tra

Tin giáo dục

Chẳng phải ngẫu nhiên mà tờ giấy kiểm tra luôn in sẵn ô “lời phê của giáo viên”.

Trông đợi gì ở giờ trả bài?

Hà Uyên (16 tuổi, Hà Nam) cho biết, mỗi khi đến giờ trả bài kiểm tra các môn, cả lớp đều nhao nhao lên, tranh cướp bài làm để so điểm với nhau. “Cũng còn gì nữa đâu. Điểm là tất cả và cũng là quan trọng nhất. Đứa cao rồi không lo, đứa thấp thì… kiếm bài đứa điểm cao để so sánh xem thầy cô có chấm sai, chấm thiếu chỗ nào không rồi để lên “kiện”. Còn lời phê hả? Thầy cô tớ chẳng bao giờ thừa hơi phê thêm gì đâu, sai là gạch, đúng là tích, dễ hiểu lắm!”

Dù sung sướng vì tính “dễ hiểu” ấy, nhưng Hà Uyên cũng như nhiều bạn khác đều ao ước và trông đợi nhiều hơn một con số nhận được trong bài kiểm tra.

“Điểm rõ ràng rất quan trọng, nhưng chúng tớ luôn hi vọng thầy cô có thể chỉ rõ lỗi sai, góp ý cụ thể thay vì gạch chéo thẳng thừng như thế!” – Nam Phương, 17 tuổi, Chương Mỹ tâm sự.

bai kiem tra, diem thi, giao vien, kenh 14
Những lời phê như thế này luôn là động lực để học sinh phấn đấu hơn.

Những bài kiểm tra… trong mơ

Thùy Chi (Hà Nội) luôn ấn tượng với bài kiểm tra môn tập làm văn của mình từ hồi học lớp 4. Đề bài là miêu tả đàn gà con để làm toát lên tình mẫu tử. Ở nhà, mẹ Chi giao cho cô bạn chăm sóc một đàn gà tí xíu, nên chuyện đó không khó khăn đối với Chi.

Chi viết rất thật, rất xúc động và cô giáo cho Chi 9 điểm kèm lời phê “Cô nghĩ mẹ Chi đã có một cô con gái thực sự tuyệt vời đấy! Cô không chỉ thấy được đàn gà con mà thấy được cả tình cảm em dành cho mẹ. Viết tốt lắm!” Bài kiểm tra không được điểm cao nhất (vì một bạn khác được 9,5) nhưng những chia sẻ của cô giáo đã khiến Chi hiểu ra nhiều thứ. Chi đã theo đuổi môn Văn và biến nó trở thành đam mê. Tới tận bây giờ, khi đã thành công với rất nhiều giải thưởng viết lách, Chi vẫn không quên bài kiểm tra và lời phê đáng nhớ của cô năm nào.

Hoài Nam (15 tuổi, THCS M. Đ) từ một cậu bé thông minh nhưng lười biếng, giờ đã trở thành học sinh chăm ngoan và tìm đúng thế mạnh của mình nhờ vào lời phê trong bài kiểm tra toán. “Kết quả sai nhưng ý tưởng rất tốt. Sau giờ học ở lại gặp thầy, chúng ta sẽ trao đổi thêm. Thầy nghĩ em vừa phát hiện ra một cách giải toán rất mới đấy!” Bao nhiêu hứng khỏi trong Nam tìm đến, những bối rối và “lăn tăn” không còn, thay vào đó là thẳng thắn bộc lộ. Thầy đã khám phá ra một Nam rất khác, đằng sau vẻ ngoài biếng nhác thường ngày của cậu. Cũng chính thầy đã đưa Nam vào “khuôn khổ” và cho cậu bước đệm đầu tiên để trở thành học sinh giỏi như hiện nay.

Trong ô lời phê, xin thầy hãy để… lời phê

Đó dường như là mong ước và nguyện vọng của không ít bạn học sinh chúng ta, muốn gửi gắm tới thầy cô của mình. Chúng ta đến trường không chỉ vì điểm số. Thay vào đó là lời phê, góp ý chân thành từ thầy cô, những người có kinh nghiệm và thực sự tâm huyết.

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kenhtuyensinh

Theo: Kênh 14