Nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao nước ngọt

Tại tỉnh Thái Bình, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực trong ngành thủy sản vì giá trị kinh tế cao cùng với thời gian nuôi tương đối ngắn. Nhờ vậy, các mô hình nuôi tôm thẻ ngày càng phát triển về chuyên môn và quy mô. Thời gian gần đây xuất hiện một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt tự phát cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, anh Trần Ngọc Trà, thôn Hải Long, xã Đông Xuyên (Tiền Hải) đã thuần hóa thành công con tôm thẻ chân trắng nuôi ở nước mặn, nước lợ sang nuôi nước ngọt. Với 4.000m2 mặt nước được chuyển đổi từ ruộng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả, mỗi năm anh Trà thu lãi trên 200 triệu đồng nhờ nuôi tôm. 

Anh chia sẻ: Thời gian đầu khi mới nuôi tôi gặp nhiều khó khăn bởi kiến thức hạn hẹp, kỹ thuật chăm sóc chưa nhiều nên tôm thường xuyên chết. Lứa đầu tiên thả nuôi được 39 ngày thì tôm bị bệnh hồng thân, chết hết. Tính riêng 2 năm đầu nuôi tôm, tôi thả 19 lượt giống, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, tôi đã thuần hóa thành công con tôm nước mặn sang nuôi nước ngọt, mở ra hướng đi mới nên tôi tiếp tục đầu tư.

Theo chia sẻ của anh Trà, nuôi tôm thẻ chân trắng ở ao nước ngọt quan trọng nhất là khâu thuần hóa tôm giống và xử lý nguồn nước. Anh Trà tự học hỏi, xây dựng 3 bể xi măng, tôm giống nước mặn mua ở các cơ sở uy tín được thuần hóa qua 3 bể trước khi thả xuống ao nước ngọt. Thời gian thuần hóa khoảng 7 ngày.  Ngoài ra, quá trình nuôi anh Trà nói không với kháng sinh, xử lý ao nuôi, môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh; thức ăn cho tôm cũng được bổ sung chế phẩm vi sinh, tỏi để tăng sức đề kháng, tạo cho tôm hệ tiêu hóa khỏe mạnh. 

Anh Trà chia sẻ thêm: Với hình thức nuôi bán thâm canh, mật độ tôi thả chỉ từ 50 – 70 con/m2. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh nên thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt dài hơn so với nước lợ, khoảng 4 tháng/lứa, thu hoạch tôm trọng lượng đạt 40 – 50 con/kg. Một năm tôi chỉ thả 2 vụ đầu năm và cuối năm, 4 tháng giữa năm để cải tạo ao. Năm 2021, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi 230 triệu đồng từ nuôi tôm, gấp 10 lần so với nuôi cá truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành tự phát một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là hình thức nuôi mới, chưa được ngành nông nghiệp khuyến cáo bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình nuôi.

Theo chia sẻ của anh Trà, vùng nuôi tôm nằm giữa vùng cấy lúa nên hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nước cao. Mỗi năm anh chỉ thay nước trong ao nuôi tôm từ 1 – 2 lần vào dịp đổ ải. Ngoài ra, nước trong ao nuôi chỉ được bổ sung khi có mưa nên tôm chậm lớn hơn nuôi nước lợ.

Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng e ngại việc người dân tự ý khoan giếng để lấy nước phục vụ ao nuôi sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Do quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát nên việc người dân tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt có nguy cơ gây ô nhiễm hệ sinh thái khu vực do chưa có hệ thống xử lý nước thải hợp lý mà hầu hết là thải trực tiếp ra sông ngòi. Có trường hợp người dân bổ sung độ mặn cho ao nuôi tôm bằng cách rải thêm muối hạt vào ao, điều này làm cho nước ở khu vực nước ngọt này bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa cũng như nuôi thủy sản ở vùng lân cận…