Nuôi loài đặc sản ghê rợn, ăn lãi gấp 10 lần chỉ chưa đầy 1 tháng
(VTC News) –
Xưa nay, tằm được biết đến là một loại côn trùng nuôi để lấy tơ, dệt lụa nhưng ít ai biết rằng, ở một số địa phương có một loại tằm nuôi chỉ để lấy thịt. Trong số đó là tằm lá sắn ở Phú Thọ. Gọi là tằm lá sắn vì loại tằm này được nuôi bằng lá sắn chứ không phải bằng lá dâu như tằm lấy tơ.
Tằm có hình dáng của một con sâu lớn, trên thân cũng có nhiều gai nhọn hơn so với tằm lá dâu, vì thế không phải ai cũng đủ “can đảm” để thưởng thức món đặc sản này. Do đó mà trước đây, tằm lá sắn chủ yếu phục vụ tại chỗ dù giá trị kinh tế không hề nhỏ.
Tằm lá sắn lớn hơn, trên thân có nhiều gai nhọn hơn so với tằm dâu. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Hoàng Văn Đảm, 37 tuổi (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: “Từ khi tôi còn bé xíu đã thấy bố mẹ nuôi tằm lấy thịt rồi. Lúc bấy giờ nhà tôi nuôi tằm theo vụ, một vụ tằm chỉ kéo dài khoản 2 tháng. Đến lúc tằm chín rộ, ăn không hết thì đem rang với muối rồi phơi khô, cất vào hũ ăn dần”.
Những người nuôi tằm tin rằng thịt tằm tốt cho thận, dạ dày, ruột và thần kinh, chữa được chứng suy nhược, khó ngủ; bổ sung dưỡng chất cho người gầy yếu, trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng; tăng cường sinh lực cho đàn ông…
Chị Hoàng Hạnh (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết trước đây tằm lá sắn chỉ phục vụ tại chỗ, những người đã biết và quen ăn món này thì mới mua về ăn chứ không được bán rộng rãi vì tằm là món kén khách do vẻ ngoài khá ghê rợn.
Sau khoảng hơn 20 ngày nuôi tính từ giai đoạn trứng, toàn bộ cơ thể con tằm sẽ ngả sang màu vàng, chất thải trong cơ thể được đào thải sạch sẽ để chuẩn bị bước vào giai đoạn nhả tơ. Đây cũng chính là thời điểm tằm “chín” và người ta bắt đầu thu hoạch tằm.
“Với 1 lạng trứng tằm giá khoảng 1 triệu đồng, sau hơn 20 ngày nuôi nấng có thể thu về hơn 100kg tằm thịt. Giá tằm thịt dao động trong khoảng 110.000 – 120.000 đồng/kg. Nghĩa là nếu nuôi tằm từ 2 lạng trứng thì có thể thu về hơn 20 triệu đồng sau mỗi lứa” chị Hạnh nói.
Theo chị Hạnh, dù có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao nhưng nghề nuôi tằm ở quê chị hầu hết là tự phát, chưa hình thành trang trại nuôi chuyên nghiệp bởi tằm không phải là mặt hàng có thể bán rộng rãi như thịt lợn.
Nuôi tằm lấy thịt là nghề có từ rất lâu ở Phú Thọ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hơn nữa, nuôi tằm cũng không dễ. Dù chỉ cần cho tằm ăn lá sắn cho đến lúc chín là thu hoạch. Nhưng trong suốt quãng thời gian 20 ngày nuôi nấng phải liên tục bổ sung lá sắn bất kể ngày đêm bởi tốc độ ăn của loài sâu này rất nhanh. Nếu để thiếu lá sắn chỉ vài tiếng thôi thì tằm có thể sẽ chết.
Lá sắn nếu như đi xin ở nhà khác, chẳng may dính hơi thuốc sâu tằm cũng sẽ lăn ra chết hàng loạt không thể cứu chữa. Thời tiết lạnh quá thì tằm chậm ăn, chậm lớn, lạnh hơn nữa thì cũng chết. Mà trời nóng quá thì tằm cũng chết. Nếu không may dính kiến tấn công thì cũng không có cách nào cứu chữa.
“Người ta bảo “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý chỉ sự vất vả, bận bịu trong nghề nuôi tằm. Thế nhưng bù lại cũng có câu “nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa” ý chỉ lời lãi khi nuôi tằm. Nếu thành công, chỉ một lạng trứng là thu về 100kg tằm chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Bỏ một triệu mà thu về hơn 10 triệu đồng trong ngần ấy thời gian thì ngoài nuôi tằm ra làm gì có nuôi con gì lãi như thế nữa”, chị Hạnh nói.
Trước đây, tằm thịt chủ yếu phục vụ người dân địa phương thì đến nay, với sự phát triển của công nghệ số, ngày càng có nhiều người thành phố biết đến và đặt mua tằm thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Món tằm rang lá chanh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Trước đây tôi cũng khá sợ tằm, nhưng sau vài lần ăn thì nghiện nên hay đặt mua lắm. Tôi vừa đặt mua 1kg tằm với giá 150.000 đồng, cộng thêm 30.000 đồng tiền ship, tổng là 180.000 đồng. Cũng may là con tôi thích ăn món này. Thịt tằm thơm, béo, ngậy bùi, ai chưa ăn bao giờ nhìn thì “khiếp” nhưng ăn rồi dễ nghiện lắm”, chị Thanh Thủy (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Công Hiếu
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ