Nuôi cua biển trên cạn cho lợi nhuận tăng hơn 50%

Cách nuôi cua biển của ThS Hạnh không thải nước ra môi trường, cua lớn nhanh, có thể nuôi tới 60 con trong khi bình thường chỉ được 2-3 con/m2.

Năm 2014, ThS Lê Ngọc Hạnh (34 tuổi), Viện Nghiên cứu Thủy sản II có dịp đến Hà Lan để tìm hiểu về những mô hình chăn nuôi nông nghiệp mới. Đến những trang trại của các hộ dân nơi đây, anh ấn tượng với hệ thống nuôi cua tuần hoàn, không xả nước thải ra môi trường.

Anh nghĩ, nếu có thể áp dụng mô hình này tại Việt Nam, hộ dân ở khu đô thị, thành phố không gần vùng biển cũng có thể nuôi cua với số lượng lớn, mà không cần nhiều không gian. Anh ấp ủ dự định mang hệ thống này về nước.

Cách nuôi này chỉ cần dùng các hộp nhựa được xếp thành giàn để tiết kiệm không gian nuôi, Trong đó, bộ phận chính là hệ thống ống nước và các thiết bị đo môi trường.

Ưu điểm nổi bật của mô hình này là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn. Cụ thể, chất cặn bẩn thải ra trong quá trình nuôi cua đưa vào trong môi trường yếm khí để phân hủy. Chất thải sau đó đi qua màng lọc, được bổ sung thêm chất khoáng cần thiết và tiếp tục đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng tới 99,5%.

Dành 2 năm nghiên cứu cách làm, đến 2016 anh qua Nhật Bản để nghiên tìm hiểu thêm về vi sinh và phương pháp xử lý môi trường nước.

Mang công nghệ và kiến thức tích lũy để trở về Việt Nam, năm 2018 ThS Hạnh “nội địa hóa” mô hình.

Giàn nuôi cua biển theo mô hình tuần hoàn của hộ dân. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Giàn nuôi cua biển theo mô hình tuần hoàn của hộ dân. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Áp dụng mô hình tuần hoàn, ThS Hạnh nhận ra, việc kiểm soát chất lượng nguồn nước mặn là yếu tố quan trọng nhất. Để đảm bảo yếu tố này, anh lắp đặt các cảm biến giúp cung cấp các thông số trong mức cho phép về nhiệt độ (khoảng 28 độ C), nồng độ mặn (15 ‰) và độ pH (7,8-8,3).

Anh gắn các bộ kit để kiểm tra nồng độ khoáng và hàm lượng khí độc trong hệ thống, kịp thời bổ sung khoáng chất nano gốc ion trong trường hợp vượt ngưỡng, giúp cua dễ hấp thụ các dinh dưỡng trong nước.

Tùy vào đặc điểm nguồn nước đầu vào, mô hình tuần hoàn tại một số nước trang bị thêm máy khử khí CO2 hoặc hệ thống UV diệt khuẩn, nhưng những thiết bị này giá thành cao và khó nhập khẩu.

Vì vậy, trong quá trình thiết kế, anh đã chế tạo lưới lọc sinh học bằng polymer dễ kiếm, lắp vào đầu xả nước và sử dụng vi sinh để xử lý khuẩn gây bệnh cho cua. Anh cho biết, chi phí chế tạo hai loại này chưa bằng 1/2 giá máy nhập khẩu.

Nguồn nước mặn xả vào mỗi hộp nuôi cua đều được kiểm soát chất lượng. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nguồn nước mặn xả vào mỗi hộp nuôi cua đều được kiểm soát chất lượng. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nhờ kiểm soát chặt chất lượng môi trường nên thời gian nuôi trong mô hình được rút ngắn và tăng năng suất hơn. ThS Hạnh cho biết, giai đoạn nuôi cua bé đến khi đạt khối lượng thương phẩm (400 g) chỉ mất khoảng 3 tháng, trong khi phương pháp truyền thống cần tới 4-5 tháng. Mỗi m2 có thể nuôi tới 60 con, thay vì 2-3 con/m2 như truyền thống. Cuối năm 2019, anh hoàn thiện mô hình và thử áp dụng cho một số hộ dân.

Với quy mô 1.000 hộp cua, cần diện tích là khoảng 50-60 m2. Mô hình có thể vận hành tốt với công suất điện 1,5 kW/h, như những thiết bị gia dụng khác.
Chi phí đầu tư ban đầu, bao gồm thức ăn (tép, động vật nhuyễn thể) cho 1.000 hộp cua khoảng 250-300 triệu đồng.

Theo tác giả, do đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ nên dù vận động nhiều hay ít cũng không thể tăng độ săn chắc của nó. Chất lượng của thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng, mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn.

Với những hộ dân không gần khu vực biển, chỉ cần dùng nước biển mồi, thể tích khoảng 10 m3, kết hợp với nước ngọt pha muối cho giai đoạn đầu, là có thể áp dụng được.

Từng đi theo phương pháp truyền thống, anh Lâm Vũ Nguyên (Cà Mau) quyết định chuyển đổi mô hình nuôi cho một nghìn con cua cốm trong trang trại.

Anh Nguyên chia sẻ, sau 5 tháng lắp đặt, mô hình tuần hoàn cho năng suất và lợi nhuận cao hơn 50% . “Đặc biệt, công đoạn xử lý nước thải không tốn nhiều công sức nhưng lại hiệu quả hơn so với nuôi quảng canh ngoài biển, nên có thể tối giản nguồn nhân lực”, anh Nguyên nói.

Được nhiều hộ dân đón nhận và phản hồi tích cực, ThS Hạnh không ngừng cải tiến mô hình. Mới đây, anh đã tích thêm tấm pin mặt trời trên mỗi giàn nuôi để giảm chi phí chi tiền điện. Mô hình này hiện được nhiều hộ dân Hải Phòng, TP HCM và Cà Mau áp dụng. Ngoài cua biển, ThS Hạnh cũng đang nghiên cứu để áp dụng mô hình này trong nuôi lươn.

Nguyễn Xuân