Nuôi cua biển theo hướng cải tiến, nông dân lãi lớn – Trung tâm khuyến nông Ninh Bình
Nuôi cua biển theo hướng cải tiến, nông dân lãi lớn
Những năm gần đây, cua biển trở thành đối tượng nuôi khá phổ biến ở các xã ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, đa phần bà con nuôi theo hình thức quảng canh, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, vì vậy năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Xuất phát từ thực tế trên, năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xây dựng mô hình “Nuôi cua biển thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học” tại xã Kim Đông làm tiền đề cho việc chỉ đạo, tuyên truyền ứng dụng khoa học vào sản xuất.
Mô hình nuôi cua tại xã Kim Đông (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn
Ngay từ sáng sớm, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiểu (xóm 5, xã Kim Đông) đã tất bật chuẩn bị chè nước, bàn ghế. Sau 4 tháng chăm bẵm, ao cua của gia đình bắt đầu được thu hoạch. Tiếng lành đồn xa, có rất đông nông dân trong vùng đến tham quan học hỏi. Anh Hiểu vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi nuôi cua nhiều năm rồi nhưng chưa năm nào “thắng” như năm nay, có con nặng tới 500 – 600g. Trước đây, cứ đến đầu mùa mưa là cua chết nhiều lắm, tỷ lệ hao hụt lên tới 40-50%. Riêng đợt này, được cán bộ Chi cục Thủy sản chuyển giao kỹ thuật nên cua lớn nhanh và tỷ lệ hao hụt giảm hẳn. Bí quyết là trước khi thả phải chuẩn bị ao thật kỹ, bờ cần được nén chặt để chống mối, rò rỉ và sạt lở. Về chăm sóc, hàng ngày phải quan sát khả năng bắt mồi và sử dụng thức ăn của cua để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp nhất, sử dụng thức ăn tươi sống (cá tạp, dắt), cho ăn 1 lần/ngày vào 4-5 giờ chiều; không được để cho cua đói, vì đói chúng dễ sát hại nhau, nhất là khi nuôi với mật độ cao. Định kỳ thay nước ao 2 lần/tháng và từ tháng thứ 2 cần quạt nước hoặc sục khí để tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan trong nước. Nước mới trong sạch, kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt”. Đầm nuôi cua của gia đình anh Hiểu có diện tích 6.000 m2, thả 6.000 con cua giống, qua kiểm tra, sản lượng dự kiến sẽ đạt gần 1,4 tấn. Như vậy, trừ chi phí gia đình anh sẽ có lãi khoảng 80 – 90 triệu đồng.
Một trong ba nông dân được chọn tham gia thực hiện mô hình “nuôi cua biển thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học”, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Riêng gia đình tôi có hơn 7.000 m2, tham gia thực hiện mô hình tôi đã thả 7.000 con cua giống. Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học mà môi trường ao nuôi được kiểm soát tốt hơn, cua lớn nhanh hơn, sau 4 tháng đã đạt trọng lượng từ 250-350g/con, bắt đầu cho thu hoạch tỉa. Chỉ nửa tháng nữa, tôi sẽ thu hoạch đồng loạt số cua này, tin chắc sẽ trúng lớn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đa phần người dân ven biển huyện Kim Sơn đang nuôi cua với tính chất tận dụng, phụ thêm thu nhập chứ con tôm vẫn là đối tượng nuôi chủ lực. Tuy nhiên, bà con cũng chia sẻ, sau khi tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cua chuyên canh, có áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của gia đình anh Hiểu, anh Tuấn, họ đã có những nhìn nhận khác. Rất có thể con cua sẽ là hướng đi mới trong tương lai, nhất là ở những vùng nuôi tôm kém hiệu quả, hoặc thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Về phía ngành chuyên môn, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Con cua xanh rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Đây là đối tượng nuôi khá dễ tính, khả năng thích ứng tốt, ít bệnh. Phổ thức ăn của chúng tương đối rộng và có thể tận dụng được các nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên như ốc, don, dắt…, có thể nuôi ghép với các đối tượng nuôi khác. Hơn nữa, nuôi cua biển không cần đầu tư lớn, những hộ không có điều kiện cũng có thể nuôi được. Do vậy, để khuyến khích người dân mở rộng phát triển sản xuất cua biển, Chi cục sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cua cho bà con; hướng dẫn các hộ nuôi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh, mật độ thấp sang nuôi thâm canh, ứng dụng các quy trình nuôi cua cải tiến để nâng sản lượng cua thương phẩm. Xây dựng các mô hình điểm để bà con tham quan, học tập; khuyến khích các hộ cung ứng giống, sau khi lấy giống cua về thì ương lên cỡ lớn hơn rồi mới cung cấp cho các hộ nuôi để tăng khả năng thích ứng của con cua với điều kiện tự nhiên trong vùng, tăng tỷ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng của cua.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn