Nuôi cua biển theo “bí kíp” này, nông dân Cà Mau tha hồ khấm khá

Thay đổi thói quen sản xuất

Lớp dạy kỹ thuật nuôi cua biển thương phẩm có 34 học viên, thời gian học trong 3 tháng (mỗi tuần học 3 ngày). Các học viên được dạy cách nuôi của thương phẩm ở 2 hình thức: Nuôi khép kín trong ao (diện tích từ 500-1.000m2), với mật độ từ 3-5 con/m2 và thả lan nuôi kết hợp trong vuông tôm, với mật độ từ 1-2 con/m2.

 Ông Sơn kiểm tra cua tại mô hình trình diễn củ lớp học. Ảnh: Chúc Ly

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước, từ đầu năm đến nay, đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và truyền nghề là 104 lớp có 5.476 học viên. Trong đó, có các nghề đào tạo như may dân dụng, kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến, nữ công gia chánh, chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng hoa kiểng, trồng rau mầm…

Ông Nguyễn Trường Sơn – Bí thư ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, cũng là một thành viên của lớp học, cho biết: Qua lớp học này nông dân đã có thêm kiến thức về cách nuôi cua biển theo hướng cải tiến và áp dụng thành công vào mô hình của nhà mình. Trước đây, bà con thường mua giống về rồi thả đại xuống vuông nên hiệu quả không cao. Đến nay, nông dân đã biết cách cải tạo đất, nguồn nước và quan tâm hơn đến con giống, từ đó hiệu quả cao hơn rất nhiều.

“Riêng nhà tôi có hơn 2ha đất vuông, sau khi tham gia khóa học tôi đã thả 1.500 con cua giống (trong đó có 500 con giống do lớp học hỗ trợ), tỷ lệ đạt lúc gièo hơn 80%. Nhờ áp dụng các bước được học, nay cua đã đạt trọng lượng từ 250-300g sau hơn 3 tháng nuôi, hiện đã bắt đầu thu hoạch tỉa. Chỉ  hơn 1 tháng nữa tôi sẽ thu hoạch đồng loạt số cua này, tin chắc sẽ trúng lớn” – ông Sơn cho hay.

Theo các học viên, cua giống mua về sẽ được bà con ương gièo trong bao lưới hoặc ao nhỏ trong 15-20 ngày, lúc này sẽ cho cua ăn ruốc nhỏ. Ao dùng để gièo cua phải được xử lý nguồn nước cho đạt, mới thả cua. Khi cua giống lớn cỡ hạt dưa thì cho ăn cá băm nhuyễn. Tới lúc cua có thể tự bắt mồi được thì thả ra ao nuôi hoặc thả ra vuông tôm, nuôi từ 3,5-4 tháng. Khi cua đạt trọng lượng từ 200-350g/con là có thể thu hoạch dần.

Anh Võ Văn Lil, học viên lớp nuôi cua biển thương phẩm, chia sẻ: Các kiến thức trong lớp học rất bổ ích cho tôi. Cái được nhất là tỷ lệ hao hụt thấp do quản lý được nguồn cua giống. Ngoài ra, nhờ có nguồn thức ăn có sẵn là cá phi trong vuông tôm rất dồi dào, nên giảm được chi phí. Cộng với biết cách xử lý nguồn nước tốt, nên năng suất cua cũng cao hơn.

“Với mô hình nuôi cua kết hợp trong vuông tôm, mỗi vụ cua tôi thu trung bình 40-50 triệu đồng, mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ” – anh Lil chia sẻ.

Lao động thiết tha được học hỏi

Tham gia lớp học, ngoài phần lý thuyết được giáo viên giảng dạy trên lớp, các học viên sẽ được thực hiện tại mô hình điểm chung của lớp. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ về con giống, thức ăn và trang thiết bị để áp dụng vào mô hình.

Anh Duy Văn Quý – giảng viên (chuyên ngành nuôi trồng thủy sản) thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước, cho biết: Thuận lợi của các lớp đào tạo nghề nông nghiệp là các học viên đã có nền tảng kinh nghiệm trong sản xuất, do đó kiến thức được học sẽáp dụng ngay vào mô hình tại nhà. Khó khăn là điều kiện ở nông thôn, một số nơi xa xôi hẻo lánh khiến việc liên kết thiết bị giảng dạy còn hạn chế. Ngoài ra, giờ học đôi khi không ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất của bà con.

“Qua giảng dạy, tôi nhận thấy lao động ở nông thôn đa số đến với các lớp học là do có nhu cầu thật sự, các học viên rất chú tâm học. Các kiến thức được học viên áp dụng tốt vào mô hình hoặc ngành nghề mình làm” – anh Quý cho hay.

Ông Hồ Thanh Liêm – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước, nhận xét: “Lớp dạy kỹ thuật nuôi cua thương phẩm tại ấp Bàu Vũng tuy mới được triển khai lần đầu, nhưng qua đánh giá cho thấy hiệu quả rất cao. Các học viên đã áp dụng thành công vào mô hình của gia đình, giúp tăng năng suất so với cách nuôi truyền thống. Cách làm này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới”.