Nước vào tai có nguy hiểm không? Cách xử trí như thế nào?

Khi tắm, đi bơi hay khi đi mưa, bạn có thể bị nước vào tai. Tình trạng này có thể gây ngứa, khó chịu và gây ra ù tai. Một số trường hợp nặng, nước vào sâu và đọng lại trong tai có thể dẫn tới viêm tai. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn xử trí hiệu quả tình trạng này. 

1. Nước vào tai có nguy hiểm không?

Vấn đề nước chảy vào tai thường không gây nguy hiểm và dễ gặp phải khi chúng ta tắm gội, bơi lội hoặc tham gia những hoạt động vui chơi, tiếp xúc nhiều với nước. 

Tham gia các hoạt động bơi lội dễ khiến nước vào tai

Tham gia các hoạt động bơi lội dễ khiến nước vào tai

Nếu nước chảy vào tai là nước sạch, bạn không cần lo lắng vì nó chỉ gây khó chịu và ù tai. Lúc này, bạn chỉ cần nghiêng đầu sang một bên để nước thoát hết ra ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp, nước chảy vào tai là nước bẩn thì vấn đề sẽ không hề đơn giản và bạn tuyệt đối không được chủ quan. Lúc này, nước bẩn đọng lại trong tai không chỉ gây khó chịu mà còn có thể gây ra hiện tượng đau rát, viêm tai ngoài và một số tổn thương không đáng có. Thậm chí, nếu không xử trí kịp thời còn có thể ảnh hưởng đến thính lực của bạn. 

2. Một số cách xử trí khi bị nước vào tai

Khi bị nước vào tai, bạn có thể xử trí theo một số cách dưới đây: 

– Nghiêng đầu: Đây là cách dễ thực hiện và nên thực hiện ngay lập tức. Cụ thể như sau: 

 Bạn nghiêng hẳn đầu sang một bên, thậm chí có thể nghiêng cả người sang một bên. Hãy giữ tư thế nghiêng này trong ít nhất vài phút để nước trong tai có thể từ từ chảy hết ra ngoài. 

Dùng máy sấy tóc để hạn chế tình trạng nước đọng trong tai

Dùng máy sấy tóc để hạn chế tình trạng nước đọng trong tai

-Sử dụng những chiếc khăn khô và mềm: Bạn có thể dùng khăn khô có chất liệu mềm mại để thấm nhẹ vào trong tai. Hãy thấm nhẹ nhàng bên ngoài mà không nên đưa khăn quá sâu vào trong tai. 

– Sử dụng máy sấy tóc: Không chỉ có công dụng làm khô tóc, loại máy này cũng có thể giúp ích cho bạn nếu không may bị nước vào tai. Cách thực hiện như sau: Bạn bật máy sấy và lựa chọn ở chế độ sấy nhẹ nhất. Để máy sấy hướng vào phần tai đang bị đọng nước bên trong. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần lưu ý để máy sấy xa tai để tránh trường hợp máy sấy quá nóng dẫn đến bỏng tai. 

– Pha loãng dung dịch oxy già với nước. Mỗi lần sử dụng từ 3-4 giọt dung dịch. Sau 2-3 phút, nghiêng đầu về bên tai bị ảnh hưởng để chất lỏng thoát ra. 

– Sử dụng thao tác Valsalva: Dùng ngón tay để bịt miệng và mũi. Sau đó, bạn hít một hơi thật sâu và từ từ thở ra. Tác dụng của phương pháp này là điều chỉnh áp suất của không khí giúp loại bỏ sạch nước từ tai bạn. Bạn sẽ không còn cảm giác bị ù tai.

– Xoay nhẹ dái tai: Đây cũng là một trong những phương pháp giúp nước nhanh chóng thoát ra ngoài. Đầu tiên, hãy nghiêng người sang một bên, sau đó để ống tai có chứa nước hướng xuống dưới vai và đồng thời kéo nhẹ nhàng dái tai, để nước thoát ra khỏi tai. Có thể kết hợp kéo dái tai và lắc đầu để tống nước ra ngoài nhanh hơn. 

– Ngáp hoặc nhai: Cử động miệng cũng là một mẹo nhỏ giúp hạn chế tình trạng nước bị đọng trong ống tai. Do đó, khi bị nước vào tai, bạn có thể thử ngáp hoặc nhai (có thể nhai kẹo cao su) để đẩy nước từ tai ra ngoài một cách dễ dàng hơn. 

– Chườm ấm: Một mẹo nhỏ để đẩy nước ra khỏi tai đó là chườm ấm. Cách thực hiện cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần nhúng khăn vào nước ấm, sau đó vắt bớt nước. Sau đó nghiêng đầu, gấp khăn và để khăn ở ngoài ống tai. Nên thực hiện khoảng vài phút. Tác dụng của phương pháp này là giúp tai thư giãn và khắc phục tình trạng mắc kẹt nước ở vùng này. Lưu ý không nên để khăn quá nóng. 

– Lưu ý khi bị nước vào tai: Không nên dùng những vật sắc nhọn cho vào trong tai để tránh đẩy nước vào sâu hơn hoặc gây tổn thương ống tai. 

3. Những biện pháp phòng ngừa nước vào tai

Để phòng ngừa tình trạng nước chảy vào tai, bạn hãy áp dụng những phương pháp dưới đây: 

– Nếu phải tiếp xúc với nước như khi đi bơi, khi tắm hoặc tham gia các hoạt động dưới nước, bạn hãy dùng nút tai. Lưu ý cần làm khô tai trước khi sử dụng nút. Nếu dùng nút khi tai đang ướt sẽ dẫn tới nước đọng trong tai và gây ra một số tổn thương ở tai. 

Nếu có dấu hiệu bất thường trong tai cần đi khám sớm

Nếu có dấu hiệu bất thường trong tai cần đi khám sớm

– Nên chú ý đến vấn đề vệ sinh tai, lau khô tai sau khi bơi lội.

– Không đeo tai nghe nếu bạn đi dưới mưa hoặc đang đổ mồ hôi. 

– Nên bịt tai khi bạn nhuộm hoặc xịt tóc để phòng tránh những loại hóa chất này vào tai. 

– Hạn chế dùng tăm bông để tránh làm tổn thương tai khi tai đang dính nước. 

Lưu ý, nếu xuất hiện những tình trạng dưới đây, bạn nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn khắc phục, hạn chế tối đa những biến chứng, tổn thương ở tai: 

+ Cảm thấy đau nhức tai, rất khó chịu. 

+ Tai có hiện tượng bị đỏ ngứa hoặc bong da. 

+ Xảy ra tình trạng mất thính lực đột ngột hay kéo dài. 

+ Dẫn lưu từ tai màu vàng, xanh lá cây, trắng đục, hoặc có máu kèm theo mùi hôi khó chịu. 

+ Hoặc xảy ra bất cứ triệu chứng bất thường nào khác bạn cũng nên kịp thời đi khám. 

Như vậy, với những thông tin trên bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng nước vào tai và cách đẩy nước ra ngoài hiệu quả. Đây là vấn đề khá phổ biến trong đời sống hàng ngày nhưng nếu không được khắc phục kịp thời có thể gây viêm tai hay một số biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, bạn không nên chủ quan. Để được giải đáp mọi thắc mắc về sức khỏe hoặc có nhu cầu đặt lịch khám Tai mũi họng, mời bạn liên hệ với tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.