Nước ta có bao nhiêu dân tộc?

Nước ta là một trong các quốc gia đa dân tộc trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước các dân tộc luôn kề vai sát cánh gắn bó bên nhau trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ và dựng xây đất nước. Nước ta có bao nhiêu dân tộc?

Dân tộc là gì?

Dân tộc là một cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa đặc thù.

Hay nói cách khác dân tộc là một cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ, quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung và có ý thức về sự thống nhất quốc gia của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung trong suốt quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và dữ nước.

Đặc điểm các dân tộc ở Việt Nam

Trước khi tìm hiểu về đặc điểm của các dân tộc ở Việt Nam thì cần nắm được Nước ta có bao nhiêu dân tộc?

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam với 78,32 triệu người. 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước.

Dân tộc thường được nhận biết thông qua các đặc điểm chủ yếu sau:

– Có chung một phương thức sinh hoạt kinh tế, đây là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của dân tộc.

Các mối quan hệ kinh tế là cơ sở để liên kết các bộ phận, các thành viên của dân tộc với nhau từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho cộng đồng dân tộc.

– Thường tập trung cư trú trên một vùng lãnh thổ của một quốc gia hoặc hoặc cư trú đan xen với nhiều dân tộc anh em. Vận mệnh dân tộc một phần rất quan trọng gắn với việc xác lập và bảo vệ lãnh thổ đất nước.

– Có ngôn ngữ riêng hoặc có thể có chữ viết riêng trên cơ sở ngôn ngữ chung của quốc gia làm công cụ giao tiếp trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, tình cảm…

– Có nét tâm lí riêng (nét tâm lí dân tộc) biểu hiện ở việc kết tinh trong nền văn hóa dân tộc và tạo nên bản sắc riêng của nền văn hóa dân tộc, gắn bó với nền văn hóa của cả cộng đồng các dân tộc.

Các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc

Công tác dân tộc là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 05/2011/NĐ-CP Về công tác dân tộc thì các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc gồm:

– Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

– Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

– Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

– Các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chính sách về dân tộc ở nước ta hiện nay

– Vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Các dân tộc nước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng; bản sắc văn hoá từng dân tộc tạo nên sự phong phú của văn hiến Việt Nam.

– Đoàn kết các dân tộc là đường lối của Đảng ta xác định ngay từ những ngày đầu mới thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

– Định hướng của việc hoạch định chính sách dân tộc là tập trung chủ yếu ưu tiên đầu tư hỗ trợ theo vùng đã mang lại nhiều kết quả to lớn, nhất là về kết cấu hạ tầng với phương châm mọi người dân thuộc mọi dân tộc, sinh sống tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách trong vùng của chương trình đó.

– Bình đẳng dân tộc chỉ có thể thực hiện khi dân tộc ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, đất nước ta được thống nhất.

Bình đẳng dân tộc luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp giải phóng và giữ vững nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

– Đoàn kết các dân tộc phải trên cơ sở bình đẳng dân tộc gắn liền với sự nghiệp giải phóng con người đi tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Suy cho cùng, thực chất là quyền bình đẳng của con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong thực tế.

– Vấn đề dân tộc không thể giải quyết một sớm, một chiều mà phải có thời gian, trải qua quá trình bằng nhiều giai đoạn với những bước đi thích hợp để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc.

Đây là những định hướng hết sức quan trọng cho việc hoạch định chính sách dân tộc và thực hiện công tác dân tộc.

Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc ở nước ta không có gì khác là quá trình đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, từ đó xây dựng các chính sách dân tộc phù hợp và đưa các chính sách đó vào thực tế.

Từ đó nhằm khai thác mọi tiềm năng đất nước để phục vụ nhân dân, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, giải phóng đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. Thực hiện cho được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.