Nước mắt sơn nữ học trò
Không chỉ riêng Bùi Minh Hảo có gương mặt buồn như vậy mà nhiều em nữ sinh dân tộc Mường khác của trường Phổ thông Dân tộc nội trú Kim Bôi (Hoà Bình) cũng thế. Mỗi lần hỏi chuyện gia đình của các em, cả cô cả trò đều khóc. Các em đều là những học trò điển hình về vượt khó học giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, giáo viên dạy Văn của em Hảo, vừa ngồi bắt chấy cho cô trò nhỏ, vừa rơm rớm kể chuyện gia đình em. Nhà có 7 miệng ăn nhưng không có mảnh ruộng nào, bố mẹ cùng đi đóng gạch thuê, vào những ngày nắng còn được mươi lăm nghìn, những ngày mưa thì cả nhà chỉ còn biết ăn cháo. Đóng gạch thuê, suốt ngày hít phải khỏi lò gạch, cả nhà em, ai cũng gầy gò, hốc hác như em.
Cô giáo Hoa kể, Hảo có một tâm hồn rất nhạy cảm, em viết những bài cảm thụ văn học rất hay và rất xúc động. Một bài văn của em viết hồi lớp 6 kể về người mẹ của mình đã khiến cô rất nhớ trong suốt 2 năm qua. Người mẹ được em tả bằng những lời văn dung dị, trong sáng và dường như được viết ra bằng chính những giọt nước mắt vẫn nhỏ ra ướt gối em đêm đêm.
Hảo rất rụt rè và ít nói, hỏi câu nào em cũng khóc. Buồn nhiều, nhưng Hảo học vẫn giỏi và em luôn là niềm tự hào cho các cô giáo của em.
Còn Bùi Thị Nhiên, cô nữ sinh học lớp 9 rồi mà chẳng khác gì đứa trẻ mới lên 10. Em gần như lọt thỏm trong bộ trang phục truyền thống của người Mường và cũng là bộ đồng phục mà các nữ sinh của Trường Nội trú Kim Bôi mặc vào mỗi thứ hai đầu tuần.
Em Nhiên và “người mẹ” thứ hai của mình, cô giáo Lê Thị Mai.
Bố Nhiên mất cách đây đã 3 năm vì bệnh ung thư, mẹ em mất 2 năm về trước vì bị giết khi đi làm nương. Em cũng như các cô giáo của em đều không biết nguyên nhân cái chết của mẹ em. Căn nhà vách đất của bố mẹ em ở giữa đồi vắng giờ bỏ không, chị em Nhiên về sống với ông bà nội năm nay đều đã ngoài 70 tuổi. Cô giáo Lê Thị Mai, chủ nhiệm lớp của em kể, những ngày đầu ở trường, đêm nào cô cũng phải đến ôm em ngủ và dỗ dành Nhiên vì em rất hay giật mình và khóc thảng thốt giữa đêm.
Cũng như Hảo, Nhiên rụt rè lắm. Hỏi gì cũng chỉ khóc. Em khóc làm cô giáo Mai của em cũng khóc theo. Cả cô và trò đều sụt sịt lưng tròng giữa sân trường đầy nắng…
Mẹ của Bạch Thị Mai thì đang làm thuê ở Hà Nội, bố Mai mất đã 3 năm nay. Khi hỏi em có nhớ mẹ không, cô học trò ấy ngước đôi mắt buồn rượi: “Mẹ em làm ôsin, em nhớ mẹ em lắm nhưng biết phải làm sao”.
Học trò Mai và cô giáo Dung cùng sụt sùi giữa sân trường đầy nắng…
Cô giáo chủ nhiệm lớp của Mai, cô Bùi Phương Dung vừa vuốt nhẹ mái tóc của học trò, vừa rủ rỉ kể chuyện: “Tôi về làm giáo viên ở trường này đã 14 năm rồi. Học trò của các trường phổ thông dân tộc nội trú hầu hết đều là các em có hoàn cảnh rất khó khăn và những cô giáo ở đây, ngoài giờ lên lớp, họ thực sự trở thành những người mẹ thứ hai lo từng li từng tí cho các em. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng em nào cũng khổ lắm”.
Nói đến đây, những giọt nước mắt long lanh đã chực trào trên gương mặt của cô giáo Dung…
Mai Minh