Nước biển
Mục Lục
Nước biển
Có lẽ bạn chưa bao giờ có thể tưởng tượng rằng 97% lượng nước trên Trái đất chính là nước biển. Trong 3% lượng nước còn lại, đã có đến 2% là nước đóng băng ở các cực và trên các dãy núi. Chưa đến 1% lượng nước trên toàn thế giới thực sự là nước ngọt. Một phần nước ngọt rất nhỏ còn lại tồn tại dưới dạng hơi. [1]
Bí mật về nước biển
Trong nước biển có gì?
Ai cũng biết rằng nước biển rất mặn. Độ mặn trung bình của nước biển là khoảng 3.5%, nghĩa là trong 1 lít nước biển (1000 mL) có 35 gram muối hòa tan. Mặc dù nhìn chung nước biển có độ mặn như vậy, nước biển ở những nơi khác nhau trên thế giới có thể có độ măn khác nhau. Trong 5 đại dương trên Trái đất, nước biển Đại Tây Dương có độ mặn cao nhất. Trên thực tế, độ mặn của nước biển ở gần xích đạo và ở hai cực thường có giảm đi. Xích đạo là nơi có lượng mưa rất lớn, nước ngọt từ những cơn mưa mang đến vùng biển này giúp nước biển loãng hơn. Tương tự như vậy, ở hai cực, nước ngọt từ những tảng băng tan ra cũng làm giảm độ mặn của nước biển. Bên cạnh đó, độ mặn của nước biển còn phụ thuộc vào lượng nước sông đổ ra biển và tốc độ bay hơi.
Nước biển không chỉ có muối mà còn chứa rất nhiều chất khí hòa tan như Ni-tơ, Ôxy, Cacbon đioxit (CO2 ) và các chất dinh dưỡng như Ni-tơ (ở dạng nitrat NO3 -), phốt pho (ở dạng phốt phát PO3 – ), kali (K), silica (ở dạng SiO3 – ), sắt (Fe),.v.v.. Ni-tơ tuy là chất khí chiếm nồng độ cao nhất, nhưng rất ít sinh vật biển của thể sử dụng chất khí này. Ôxy được các động vật biển sử dụng cho quá trình trao đổi chất, tập trung chủ yếu ở bề mặt nước tiếp xúc với không khí. Lượng ôxy có trong nước biển phụ thuộc vào thực vật phát triển trong đó, chủ yếu là tảo, bao gồm thực vật phù du, cỏ biển. Hoạt động quang hợp ban ngày của các thực vật này sản sinh ra ôxy và hòa vào nước biển. Ở đới biển sâu, ánh sang mặt trời không thể xuyên đến cho thực vật phát triển, do đó có rất ít ôxy hòa tan. Ở độ sâu 100 mét, ôxy gần như không còn tồn tại. Khí Cácbon đioxit trong nước biển cao gấp nhiều lần trong khí quyển. Lượng khí Cácbon đioxit có ảnh hưởng trực tiếp đến độ pH (độ chua/kiềm) của nước biển.
Nước biển thật là quý!
Nước biển cung cấp môi trường sống và dinh dưỡng cho hàng tỉ sinh vật biển, từ những loài tảo nhỏ bé đến loài cá voi khổng lồ.
Nước biển hấp thu 80-90% sức nóng từ mặt trời và phân bố đều sức nóng này xung quanh Trái đất. Trên thực tế, các đại dương có khả năng hấp thu sức nóng hơn bầu khí quyển đến 1000 lần. [2]
Nước biển đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO 2 từ không khí. Nhờ gió và sóng, khí CO 2 chìm và hòa tan vào trong nước, sau đó được các thực vật sống dưới biển như tảo, vi tảo,… hấp thu.
Nước biển và hơi nước từ biển giúp điều hòa khí hậu ven biển, giúp các vùng này mát mẻ hơn vào mua hè và ấm áp hơn vào mùa đông.
Nếu tắm biển thường xuyên, nước biển có thể giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, chống được các bệnh như đau đầu, cảm cúm… Ngoài ra, tắm nước biển cũng thúc đấy quá trình vận chuyển máu đi khắp cơ thể, làm đẹp da, dưỡng da,… Hãy tắm biển khi bạn có cơ hội ra biển nhé!
Nước biển bị sao thế?
Nước biển ấm lên: Trong một thế kỉ qua, hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên 0.6 độ C. Cùng với đó, nhiệt độ trung bình của nước biển cũng tăng lên khoảng 0.1 độ C. Sự nóng lên này diễn ra từ tầng mặt nước cho đến độ sâu khoảng 700 mét dưới đại dương. [3] Đây là khu vực mà hầu hết các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển. Loài sinh vật bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất hiện nay chính là san hô. Sự thay đổi nhiệt độ, dù chỉ một chút thôi, cũng có thể khiến cho san hộ dễ dàng nhiễm bệnh và chết. Khi nước bị ấm lên, các loài nhuyễn thể – vốn là điểm khởi đầu trong chuỗi thức ăn dưới đại dương – cũng rất khó sinh trưởng và phát triển.
Nước biển bị chua: Biển có khả năng giúp chúng ta hấp thụ khí CO 2 . Thế nhưng, khi hấp thụ quá nhiều khí CO 2 , nước biển bị axit hóa. Điều này có nghĩa là gì nhỉ? Hầu hết các chất lỏng đều có tính kiềm hoặc axit, được đo bằng độ pH. Nước biển có tính kiềm nhẹ và độ pH thời kỳ tiền công nghiệp vào khoảng 8.2. Tính kiềm trong nước biển rất quan trọng trong việc cân bằng môi trường sống cho sinh vật biển, chẳng hạn như việc hình thành lớp vỏ của ốc sên, trai,… Kể từ sau thời kỳ cách mạng công nghiệp (đầu thế kỷ 20), các hoạt động nhân sinh của con người đã làm tăng lượng CO 2. Khoảng 30-40% CO 2 gia tăng đã được hấp thu vào các đại dương, tạo thành axit cacbonic và làm giảm độ pH của nước biển xuống còn 8.1. Khi nước biển có tính axit cao, nhiều động vật biển khó có thể hình thành lớp vỏ; san hô cũng có thể bị ảnh hưởng do chúng cũng được cấu tạo từ những thành phần giống như những động vật này. [4]
Nước biển dâng lên: Trong suốt hơn một thế kỷ qua, nước biển đã dâng lên với tốc độ ngày càng tăng, đặc biệt ở những năm gần đây. Vào năm 2014, mực nước biển trung bình của thế giới đã tăng lên khoảng 6.6 cm so với mực nước biển năm 1993.[5] Mực nước biển đang tiếp tục dâng lên với tốc độ 0.3 cm mỗi năm. Ở Việt Nam, mực nước khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Tây Nam Bộ có xu hướng tăng khoảng 0.29 cm/năm.[6] Nước biển dâng đồng nghĩa với những trận bão lớn có thể tiến vào sâu hơn trong đất liền, cũng như lũ lụt và xâm nhập mặn ngày càng tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven biển.
Nước biển bị bẩn: Nước biển tại rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang bị ô nhiễm. Nước có hàm lượng hợp chất kim loại cao, đặc biệt ở những khu vực ven biển nơi tập trung các khu công nghiệp, đô thị,… đều trở thành chất độc, có thể bốc mùi hôi thối và làm chết nhiều sinh vật biển. Năm 2016, một lượng chất thải lớn từ tổ hợp nhà máy của công ty Formosa đã làm chết hàng trăm tấn cá ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và lan ra một số vùng biển khác ở Việt Nam, đồng thời hủy hoại một lượng lớn san hô và gần như phá hủy hoàn toàn sinh kế của người dân ven biển.
Tại sao vậy nhỉ?
Bạn có biết có đến 70% ô nhiễm trên biển xuất phát từ đất liền, cụ thể là từ các hoạt động sản xuất, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi,… và 10% ô nhiễm xuất phát từ vận tải hàng hải?[7]
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến cho nước biển ấm lên, mực nước biển dâng và axit hóa đại dương. Tuy nhiên trên thực tế, biến đổi khí hậu diễn ra là do những hoạt động ảnh hưởng tới tự nhiên của con người, cụ thể hơn là sự gia tăng không ngừng khí thải CO 2 kể từ thời Cách mạng công nghiệp.
Cùng hành động
- Trước hết, bạn có thể chia sẻ với mọi người xung quanh về tầm quan trọng của nước biển đối với cuộc sống trên hành tinh chúng ta.
- Tích cực tham gia các chương trình bảo vệ môi trường biển.
- Hạn chế lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là rác thải nhựa, cũng giúp làm giảm lượng rác ô nhiễm thải ra biển đấy!
- Sử dụng các phương tiện công cộng và tiết kiệm năng lượng (điện) cũng là một cách giảm lương khí CO 2 mà nước biển phải hấp thu.
- Và đừng quên, hãy vận động những người xung quanh cùng làm như bạn nhé!