Nước EU cuối cùng gia nhập khối quốc phòng Liên minh Châu Âu
–
Thứ năm, 02/06/2022 16:26 (GMT+7)
Binh sĩ Đan Mạch tham gia một cuộc tập trận của NATO ở biên giới Estonia-Latvia ngày 25.5.2022. Ảnh: AFP
Ngày 1.6, người dân Đan Mạch đã bỏ phiếu ủng hộ tham gia chính sách quốc phòng của Liên minh Châu Âu, theo CNN. Với cuộc trưng cầu dân ý có tỉ lệ ủng hộ 67%, Đan Mạch từ bỏ lựa chọn không tham gia khối quốc phòng của EU – chính thức được gọi là Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung (CSDP). Đây là thành viên cuối cùng trong số các thành viên của EU tham gia CSDP.
“Khi mối đe dọa tự do gõ cửa Châu Âu và một lần nữa xảy ra xung đột trên lục địa của chúng tôi, thì chúng tôi không thể giữ trung lập” – Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết trong bài phát biểu tối 1.6.
Đan Mạch là thành viên duy nhất của khối 27 quốc gia không nằm trong Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung. Quốc gia Scandinavia gần 6 triệu người đã được miễn trừ chính sách này trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1993 về Hiệp ước Maastricht, hiệp ước đặt nền móng cho EU hiện đại.
Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết, cuộc trưng cầu dân ý mới nhất hôm 1.6 là để đáp trả chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraina.
“Chúng tôi đã gửi một tín hiệu đến các đồng minh của chúng tôi trong NATO và Châu Âu. Và chúng tôi đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi hòa bình và ổn định bị đe doạ, chúng tôi xích lại gần nhau hơn” – Thủ tướng Frederiksen phát biểu sau khi có kết quả trưng cầu dân ý.
Cờ Đan Mạch trong một cuộc họp giữa các quan chức quân đội Đan Mạch và Mỹ ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Bất chấp việc Đan Mạch trước đó không muốn chính thức ký kết CSDP, quân đội nước này hợp tác sâu rộng với các quốc gia EU khác và Copenhagen là thành viên sáng lập của liên minh NATO, thường xuyên thực hiện các cuộc diễn tập và tập trận với các đối tác trên khắp Châu Âu. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu hôm 1.6 có nghĩa là Đan Mạch sẽ có thể tham gia vào các hoạt động quân sự chung của Liên minh Châu Âu, phát triển và mua các loại vũ khí mới.
Động thái gia nhập hiệp ước là một sự thay đổi mang tính biểu tượng quan trọng khác trong chính sách quốc phòng của các quốc gia Châu Âu, những nước đã đánh giá lại hoàn toàn an ninh của mình kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.
Sự thay đổi chính sách lịch sử diễn ra sau những động thái tương tự chưa từng có của Thụy Điển và Phần Lan trong những tuần gần đây, khi cả hai đều nộp đơn xin gia nhập NATO bất chấp truyền thống trung lập lâu đời.
Trong suốt cuộc xung đột Nga – Ukraina, Copenhagen đã đứng về phía Kiev, cung cấp nhiều loại khí tài quân sự bao gồm xe tăng, mìn và đạn cối, cũng như tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, yêu cầu gửi 20 xe bọc thép được sản xuất tại Thụy Sĩ gần đây đã bị các quan chức Thụy Sĩ phủ quyết, với lý do chính phủ nước này có chính sách không liên kết trong các cuộc xung đột nước ngoài.