‘Nước Đức thế kỷ XIX’ đã vượt qua chính mình ra sao?
Nước Đức thế kỷ XIX tương đồng với tình hình xã hội Việt Nam hiện nay nên cuốn sách vẫn mang tính thời sự cho bạn đọc. Năm 1806, Đức bại trận trước Napoleon và chấp nhận mất toàn bộ đất ở phía tây sông Rhein, là cơ hội làm cho người dân Đức thức tỉnh.
Một dân tộc không thiếu tài năng nhưng do chế độ chính trị và kinh tế lạc hậu nên nền khoa học lạc hậu theo. Nước Đức bắt đầu xuất hiện hàng loạt nhà cải cách lớn như Stein, Hardenberg, Scharnhonrst, Gneisenau… thúc giục vua Friedreich Wilhelm 3 nhanh chóng cải tổ.
Nước Đức thế kỷ XIX vừa ra mắt tại TP.HCM. Buổi gặp gỡ còn có sự tham gia của viện trưởng Goethe tại TP.HCM, đông đảo các bạn trẻ và những tác giả dịch của tủ sách Nhất nghệ tinh (tủ sách giới thiệu về các ngành nghề làm hưng thịnh và phát triển công nghiệp của nước Đức).
Và mục đích của cuộc cải cách là sự đánh thức tinh thần cộng đồng và lòng tự hào công dân, sử dụng các năng lượng còn đang ngủ yên hay bị sử dụng sai, sử dụng các tri thức hữu dụng. Làm sống lại tinh thần ái quốc và niềm khao khát vinh dự quốc gia và độc lập.
Với mục tiêu đó, hàng loạt ngành công nghiệp được khởi động và cái mác “Made in Germany” để nhận diện hàng hóa chất lượng kém khi xuất khẩu vào thế kỷ XIX đã trở thành biểu tượng của hàng hóa chất lượng cao trên thế giới.
Năm 1810 chế độ nông nô được xóa bỏ, xác lập quyền tư hữu rộng rãi. Năm 1835-1845 bắt đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa lần thứ nhất. Năm 1870 hoàn thành công nghiệp hóa. Năm 1871 thực hiện xong việc thống nhất các tiểu vương quốc Phổ thành nước Đức. Năm 1879 phát triển kinh tế đuổi kịp Anh quốc. Năm 1913 vượt qua Anh quốc.
Bởi đâu nước Đức sau 100 năm là cường quốc Âu châu? Họ xem: Tài năng chứ không phải nguồn gốc mới quan trọng. Văn hóa đọc biến thành cuộc cách mạng đọc, xa hơn thành một bệnh nghiện đọc. Đọc sách đem lại sự tự tin cho họ. Văn hóa là linh hồn Đức, thay thế cho chính trị…
Về giáo dục, họ xây dựng đại học nghiên cứu mà nổi bật là ĐH Berlin (Humboldt) để “bù đắp lại những gì mất mát về vật chất”.
Những nhà cải cách giáo dục Đức xem nguồn gốc của tai họa vừa qua chính là sự không trưởng thành của dân tộc, sự lệ thuộc tuyệt đối của nó. Hệ quả là sự thờ ơ và xa lạ đối với nhà nước và tổ quốc, cả sức sáng tạo to lớn của nhân dân không được phát triển. Nên họ xem mục tiêu của giáo dục là giáo dục toàn diện con người thành nhân cách tự do, trưởng thành, tự lập về trí tuệ và đạo đức.
Và phương pháp giáo dục là đánh thức tinh thần, tăng cường sự tự hoạt động của tinh thần, đánh thức tinh thần cao quý, khuyến khích phát triển thế giới ý tưởng.
Cuốn sách Nước Đức thế kỷ XIX được tác giả Nguyễn Xuân Xanh viết và xuất bản năm 2004 nhưng sau đó rơi vào quên lãng. Năm 2016 nó được tái bản và được trao giải Sách hay 2017. Sách được tái bản vào tháng 5-2019.