Nữ hoàng Nga Ekaterina II – lắm tài nhiều tật

(Cadn.com.vn) – Nữ hoàng Nga Ekaterina II hay Catherine vĩ đại là một nhà lãnh đạo “lắm tài nhiều tật” khi vừa  là hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng vừa có công đưa nước Nga trở thành một cường quốc hùng mạnh ở Châu Âu thế kỷ XVIII.

Đa tài nhưng mưu mô

Nữ hoàng Ekaterina II sinh ngày 2-5-1729, tên thật là Sophie Friederike Auguste von Anhalt- Zerbst Dornburg, xuất thân từ gia đình quý tộc Phổ.

Bởi những toan tính ngoại giao chiến lược, năm 14 tuổi, bà được sắp đặt cưới Thái tử nước Nga, Pyotr III. Ông này nguyên là Hoàng tử Karl Peter Ulrich, con trai của Công tước người Đức Charles Frederick và Anna Petrovna (con gái đầu của Pyotr Đại đế và Nữ hoàng Ekaterina I). Sau khi kết hôn, bà chuyển hẳn sang đạo Chính thống giáo Nga nên mới có tên là Ekaterina. Năm 1761, Nữ hoàng Elizaveta qua đời, con trai Pyotr III kế vị. Ekaterina II đã trở thành hoàng hậu nước Nga.

Theo sử sách còn lưu, Ekaterina II là người phụ nữ thông minh, quyết đoán nhưng cũng rất mưu mô và độc ác, chỉ chăm lo vun vén quyền lợi cho giới quý tộc. Còn Nga hoàng Pyotr III, từ nhỏ đến năm 14 tuổi sống trong Hoàng cung nước Phổ nên khi được đưa trở về Nga, không thích cuộc sống nước Nga và chỉ tôn thờ nhà vua nước Phổ. Vì vậy, ngay khi lên ngôi, Nga hoàng Pyotr III tiến hành đàm phán với nước Phổ hoàn trả hết đất đai đã bị quân đội Nga chiếm đóng cho vua Phổ Friedrich II Đại đế… Những hoạt động bài Nga và chính sách đối ngoại của Pyotr III đã gây công phẫn trong hàng ngũ sĩ quan, giới quý tộc và giới tăng lữ. Một âm mưu lật đổ vị Hoàng đế mới lên ngôi được hình thành do chính Hoàng hậu Ekaterina II đứng đầu.

Bước ngoặt cuộc đời đến với bà vào ngày 28-6-1796, Ekaterina II mang quân phục sĩ quan, cưỡi ngựa đến doanh trại trung đoàn cận vệ, đọc cáo trạng về âm mưu chống nước Nga của chồng. Ngay lập tức, Nga hoàng Pyotr III đã bị bắt giam và sau đó bị giết trong cuộc ẩu đả ngày 17-7-1762 vì say rượu!? Ông ra đi khi chỉ mới cầm quyền được 6 tháng. Ngay sau khi lên ngôi, Ekaterina II đã rút quân Nga giúp Phổ về nước.

 Vợ chồng Nga hoàng Peter III (trái), Nữ hoàng Ekaterina II.

Các sĩ quan tham gia “đảo chính”, đã được Ekaterina II ban phát hơn 80.000 nông dân, miễn thuế, nghĩa vụ quân dịch và nhiều bổng lộc khác. Tuy nhiên, bà lại ra tay đàn áp giới nông dân, bắt lính và đưa họ đi đày ở Siberia. Với chính sách này Ekaterina II đã tạo điều kiện cho giới quý tộc, địa chủ gian ác lộng hành, ức hiếp nông dân. Sự tàn ác của Ekaterina II đã dấy lên lòng căm phẫn của nông dân, xuất hiện nhiều phong trào nổi dậy. Lo sợ trước phong trào nổi dậy của nông dân, Ekaterina II đã ngừng giao chiến với đế quốc Ottman để quay về trấn an trong nước, đưa ra nhiều biện pháp nhằm củng cố chế độ chuyên chế, nông nô mà bà đang điều hành.

Nước Nga dưới thời Ekaterina II được chia ra 50 tỉnh. Tỉnh nào cũng có quân đội, cảnh sát để ngăn chặn các cuộc nổi loạn của nông dân. Về chính sách đối nội, Ekaterina II đã được tôn vinh là “Nữ hoàng khai sáng”, lấy chính sách ngu dân để trị nhưng bề ngoài lại muốn nâng cao dân trí, công khai thi hành chính sách củng cố trật tự nhà nước phong kiến. Về đối ngoại, Ekaterina II cũng gặt hái được khá nhiều thành công nhờ tập hợp được nhiều cận thần xuất sắc. Vì vậy, đế chế Nga dưới thời Ekaterina II đã thực hiện được nhiều cuộc chinh phạt, thôn tính, làm chủ  nhiều vùng đất rộng ở khu vực phía Bắc, Biển Đen, vùng phía tây Ukraine…

Với hơn 30 năm trị vì, Ekaterina II đã đưa nước Nga trở thành cường quốc sánh vai cùng các nước Châu Âu cuối thế kỷ XIX. Chính vì vậy, bà đã được ví là một trong những vị vương quân vĩ đại và thành công nhất của Châu Âu vào thế kỷ XVIII, nhưng mặt khác bà cũng bị phê phán kịch liệt bởi lợi dụng trí tuệ và nền văn minh của thể kỷ “Khai sáng ở Châu Âu” cho mục đích trấn áp nông dân, kìm hãm sự phát triển trí thức. Chính điều này, chế độ quân chủ chuyên chính của bà tồn tại không bền vững.

Cái chết bí ẩn

Đến nay, đã hơn hai thế kỷ trôi qua nhưng hậu thế vẫn chưa giải mã được cái chết của người phụ nữ này.

Đã có nhiều giả thiết đưa ra. Trong số đó có ý kiến cho rằng, bà bị giết hại trong nhà vệ sinh và chết vì bệnh tật. Giả thiết Ekaterina II chết trong nhà vệ sinh mới xuất hiện trong những năm gần đây. Theo giả thiết này thì bà đã bị kẻ xấu giết hại trong khi đi vệ sinh, tuy nhiên vẫn chưa thuyết phục bởi xung quanh bà lúc nào cũng có các cận thần hộ tống. Ngoài giả thiết trên, trong cuốn sách của tác giả, nhà sử học người Nga, Alexander thì vào cuối đời Nữ hoàng Ekaterina II mắc bệnh thần kinh, bị ngã nhiều lần, nhưng được bác sĩ chăm sóc rất tận tình và được các linh mục làm lễ cầu may trong suốt 12 giờ liền trước khi qua đời vào lúc 9 giờ 45 phút tối 6-11-1796. Đặc biệt, trong khoảng thời gian 45 phút trước khi qua đời, bà còn được bác sĩ người Scotland tên là John Rogerson chăm sóc rất chu đáo nhưng do chứng đột qụy quá nặng nên bà đã ra đi.

Thể theo nguyện vọng, Nữ hoàng Ekaterina II được mai táng theo đúng di chúc viết năm 1792 nhưng không ghi ngày tháng cụ thể.

Duy Hùng (Theo WP/AC)