Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất: Để giữ mãi vị trí độc tôn

Giữ vai trò “cầm trịch” một chính thể trong suốt 45 năm, đến nay, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất vẫn được các sử gia đánh giá là một trong những vị Nữ hoàng sáng giá nhất trong lịch sử nước Anh. Là người có bản lĩnh và học vấn cao, bà đã biến triều đình thành một trung tâm tri thức. Không dưng mà thời bà trị vì, người ta gọi là “thời đại Elizabeth”…

Trong khoảng thời gian ngắn trước khi Elizabeth được đưa lên ngai báu, chính trường nước Anh ở trong tình trạng hết sức rối ren, phức tạp. Năm 1547, cha của Elizabeth – Vua Henry VIII qua đời, truyền ngôi cho người em cùng cha khác mẹ với Elizabeth là Hoàng tử Edward. Khi lên ngôi, Hoàng tử Edward mới chưa đầy 10 tuổi, đã vậy, sức khỏe của cậu lại rất hạn chế, thành thử, chỉ sau 6 năm “trị vì”, Edward đã không trụ được với đời. Sau khi Edward mất đi, lợi dụng di chúc của nhà vua, các triều thần đã đưa Lady Jane Graey, người được ông cậu của Edward là Thomas Seymou bảo trợ, lên kế vị. Nhưng Lady Jane ngồi chưa ấm chỗ thì đã bị phế truất (chỉ sau đó 2 tuần).

Theo Đạo luật Kế vị được thông qua năm 1544 (khi Vua Henry còn sống), một người chị gái cùng cha khác mẹ với Elizabeth là Mary được đăng quang ngôi vị Nữ hoàng. Nhưng bà này cũng không yên vị được lâu. Chỉ sau 5 năm ngồi trên ngai báu, Mary đã theo người em trai Edward về nơi chín suối. Vậy là, không còn phương án nào khác, Elizabeth được tôn lên làm Nữ hoàng Anh quốc. Truyền thuyết kể lại rằng: Khi nhận được tin vui nói trên, Elizabeth đang ngồi dưới gốc cây sồi ở Hatfield đọc Kinh Thánh. Khi người của triều đình đến gần chỗ bà ngồi, lắp bắp mấy từ: “Hoàng thượng…”, không hẹn mà gặp, Elizabeth đã vô tình thốt lên một câu trong Kinh Thánh: “ấy là công việc của Chúa, một sự kỳ diệu trong mắt chúng ta…”.

Ngày 17/11/1558, Elizabeth chính thức lên ngôi trị vì nước Anh.

Từ đây, lịch sử nước Anh bắt đầu sang trang…

Có thể nói, 45 năm Elizabeth cầm quyền cũng đồng thời là 45 năm nước Anh gặt hái được những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử trong lĩnh vực văn học, chỉ nội việc xuất hiện một người khổng lồ như kịch tác gia William Shakespeare cũng đủ làm nên ý nghĩa thời kỳ này. Không dưng mà các nhà viết sử đã gọi quãng thời gian Elizabeth trị vì là “thời đại Elizabeth”.

Những ngày đầu kế vị, Elizabeth đã gặp phải chồng chất những khó khăn: Nước Anh đang lâm vào tình trạng kiệt quệ, suy thoái nghiêm trọng, quân đội bạc nhược. Chiến tranh liên miên làm cho kho tàng trống rỗng. Đất nước thường xuyên bị chia rẽ bởi các phe phái (phái “bảo thủ” ở vùng nông thôn phía Tây, phía Bắc, phái “cấp tiến” ở các thành phố, hải cảng). Quyền lực của Giáo hoàng gây nhiều ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành triều chính. Cạnh đó, Pháp, Tây Ban Nha đều muốn tranh giành quyền bá chủ châu Âu.

Ở tuổi 25 (cái tuổi còn quá trẻ so với cương vị Nữ hoàng nhưng lại là có “dư” để tính đến việc lập gia đình), Elizabeth nhanh nhạy hiểu rằng: Việc hôn nhân của mình hoàn toàn không còn là chuyện lợi ích cá nhân. Nếu không thực sự suy tính thấu đáo thì nó có thể đẩy đất nước của bà vào một cuộc chiến tranh mới (đơn giản vì một lẽ: Nếu bà nhận lời cầu hôn của hoàng tộc một nước nào thì có nghĩa là bà đã liên minh với nước đó và ngược lại).

Để tạo cho nước Anh một thế thuận lợi, tồn tại một cách tương đối “thảnh thơi” giữa các cường quốc, Elizabeth đã quyết định chọn lựa con đường: Có thể có nhiều người tình nhưng không “dứt điểm” (tức kết hôn) với một ai.

Thật khó kể hết các tên tuổi bậc vương tôn công tử đã ngỏ lời với người phụ nữ đặc biệt này. Đầu tiên là Quốc vương Tây Ban Nha Felipe II. Khi ấy, Felipe đang “căng thẳng” với nước Pháp. Qua quan hệ với Elizabeth, ông ta muốn có một liên minh giữa Tây Ban Nha và Anh để cùng chống Pháp.

Với tài ngoại giao xuất chúng, Elizabeth đã khéo léo khước từ lời cầu hôn của Quốc vương Felipe. Hơn ai hết, vị Nữ hoàng anh minh đã nhận thức được rằng “nước Anh cần phải để mắt tới con người này”. Khi đó, Tây Ban Nha được xem là nước có lực lượng hải quân hùng mạnh, giữ vai trò bá chủ mặt biển, thực sự là mối đe dọa thường trực đối với nước Anh.

Hay tin Nữ hoàng Elizabeth đã thoái thác lời cầu hôn của Quốc vương Tây Ban Nha, Quốc vương Pháp là Charles IX đã lập tức tận dụng cơ hội để bày tỏ với bà ý định về mối “duyên trăm năm” của mình. Và lần này, cũng tương tự như với trường hợp Felipe II, Elizabeth đã từ chối lời cầu hôn của Quốc vương Pháp một cách… đầy nghệ thuật. Để tránh cho bầu không khí khỏi vẩn lên những áng mây u ám, thường thì sau mỗi bận thoái thác như vậy, Elizabeth lại tổ chức trong cung đình của mình những buổi vũ hội. ở đó, với cách trang điểm nổi trội, bà luôn trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Và, như thể bất kỳ người phụ nữ trẻ trung nào, bà dí dỏm nói về cuộc hôn nhân tương lai của mình cũng như thể hiện một số quan niệm mới mẻ của mình về tình yêu.

Một trong những đỉnh cao về “nghệ thuật khước từ” của Elizabeth là việc bà nhẹ nhàng rút ra khỏi bàn tay đeo bám của công tử Pháp Arunson. Về tuổi tác, vị công tử này chỉ đáng tuổi em út của Nữ hoàng. Đã thế, trông anh ta thật xấu tướng: Người lùn, mũi to, mặt đầy tàn nhang (vốn dĩ anh ta còn có biệt danh là “Công tử ếch”). Lần đầu tiên đến thăm nước Anh, được Nữ hoàng tiếp đãi thân tình, tự nhiên, đôi khi được bà dắt tay đi tản bộ trong vườn ngự uyển, vị công tử Pháp đang tuổi mới lớn đã tỏ ra choáng váng, mê mẩn. “Cợt đùa” một cách kín đáo với Arunson tới… 12 năm, vị Nữ hoàng tài trí của nước Anh dường như đã lập được một kỳ tích lớn lao: Ngăn trở một khả năng nước Pháp liên minh với Tây Ban Nha.

Vậy là, vì sự nghiệp chấn hưng đất nước, Elizabeth đã sẵn sàng hy sinh niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với cuộc đời một người đàn bà là được làm vợ và làm mẹ. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bà không từng yêu ai và chưa bao giờ được hưởng khoái cảm của tình yêu (cách đây hai năm, trong phần II của bộ phim về Nữ hoàng Elizabeth – có tên gọi “Elizabeth, thời hoàng kim”, đạo diễn Shekhar Kapur đã xây dựng nên hình ảnh một Nữ hoàng trẻ trung, yêu đời và khao khát tình dục).

Tổng giám ngự mã của Nữ hoàng là bá tước Robert Dudley. Đó là người đàn ông có sức lôi cuốn kỳ lạ. Tóc rậm và đen, ông có gương mặt rất khôi ngô. Thêm vào đó là cách nói năng điềm đạm, phong thái lịch thiệp, có thể nói, Robert đã làm cho vị Nữ hoàng nổi tiếng là “sống bằng lý trí” này bị chinh phục hoàn toàn. Sự si mê của Nữ hoàng đối với Robert đã khiến người đàn ông này dường như trở thành một cận thần thường xuyên có mặt bên Nữ hoàng, trở thành một thứ “thị tì” của bà, là người có thể tự tiện hôn tay bà, có thể ra vào cung điện của bà bất kỳ lúc nào cũng được.

Những lúc – vì lý do này khác Robert không có mặt, Nữ hoàng thường tỏ vẻ không vui. Trường hợp nghe tin ông ốm đau, đích thân Nữ hoàng tới tận nơi thăm nom, thậm chí còn muốn được tự tay săn sóc ông. Tuy nhiên, tình cảm thì mãnh liệt vậy nhưng bao giờ Nữ hoàng cũng định ra một giới hạn và không bao giờ bà để cho sự việc vượt ra ngoài những điều mà bà đã trù tính. Nói một cách cụ thể: Với Robert, Elizabeth chỉ muốn quan hệ như thể một người tình chứ không bao giờ có ý định nâng ông ta lên vị thế chồng mình.

Với Robert Dudley, Elizabeth là bạn thân thiết từ thuở thiếu thời. Khi hai người có quan hệ khăng khít “trên mức bình thường” với nhau thì Dudley đã có vợ. Năm 1560, vợ của Dudley bỗng dưng qua đời đột ngột, để lại trong công luận nhiều lời đồn thổi. Cuối cùng, có lẽ vì quá mệt mỏi với mối quan hệ này, và để bứt mình ra khỏi mọi điều tiếng khó tránh, Elizabeth đã phong Dudley làm Bá tước xứ Leicester và bổ nhiệm ông vào Hội đồng Cơ mật. Như vậy là hợp pháp hóa được mối quan hệ nửa kín nửa hở của họ.

Bản thân Robert cũng không phải loại… vừa. Nhận thấy khả năng với tới chiếc vương miện trên đầu Elizabeth ngày một trở nên diệu vợi, ông ta bèn quay ra quan hệ với một cung nữ. Thoạt đầu, họ lén lút đi lại với nhau, sau rồi, vì quá thất vọng bởi mục đích cao xa không đạt được, Robert công khai cuộc tình này. Kết cục là sau đó, hai người (Robeth và cung nữ nọ) đã kết hôn với nhau.

Theo các sử gia, Elizabeth là một người quyết đoán. Bà biết cách vượt qua mọi trở ngại. Đặc biệt, với những trường hợp ngáng trở cho các quyết sách của mình cũng như với những mầm mống ảnh hưởng tới sự trụ vững của vương triều, bà sẵn sàng ra tay trấn áp. Bà đã cho tống giam Nữ hoàng Mary của Scotland – người có khả năng sẽ kế vị ngai vàng của Elizabeth, năm 1568. Năm 1586, khi xảy ra vụ mưu phản Babington thì để trừ hậu họa, Elizabeth đã lệnh cho xử tử Mary vào ngày 8/2/1587. So với vua cha, Elizabeth bị xem là bảo thủ hơn, tuy nhiên, giống như cha mình, bà là người phụ nữ lãng mạn, yêu nghệ thuật và có sức quyến rũ. Trong thời gian bà trị vì cũng như sau ngày qua đời, Nữ hoàng Elizabeth đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tác nên nhiều tác phẩm có chất lượng. Hiện hình ảnh của vị Nữ hoàng còn lưu lại trong nhiều vần thơ, cuốn sách, trong tranh, tượng. Bà thực sự là một nhân vật nhuốm màu huyền thoại.

Tuy nhiên, các sử gia cũng có người cho rằng, thành công mà Nữ hoàng Elizabeth đạt được phần nhiều là do may mắn. Để chứng thực điều này, họ đưa ra những chỉ số khó khăn những năm cuối đời của bà (về cả lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự) và cho hay, khi bà qua đời (ngày 24/3/1603, hưởng thọ 70 tuổi), đã không ít người dân Anh quốc thở phào nhẹ nhõm