Nữ họa sĩ gốc Việt Ngô An Chi và câu chuyện về nghề vẽ hoạt hình – Comic Media Academy

Nữ họa sĩ gốc Việt Ngô An Chi và câu chuyện về nghề vẽ hoạt hình

28/10/2019

Ngô An Chi là nữ họa sĩ trẻ người Mỹ gốc Việt tài năng, tốt nghiệp trường Art Center College of Design với bằng cử nhân mỹ thuật (BFA), hiện đảm trách đủ mọi công việc từ thiết kế background đến phát triển hình ảnh (visual development) trong ngành công nghiệp giải trí.

Cartoon Network, Hello Design, Airbnb, Tapas Media đều là khách hàng của cô. Các tác phẩm của cô được trưng bày tại nhiều phòng tranh và cuộc triển lãm như Gallery Nucleus, Q-pop Shop, Neon Lotus, Studion Ghibli Tribute, Lightbox Expo, CTN Animation Expo,…

Nếu muốn chiêm ngưỡng những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của cô, bạn có thể truy cập vào Instagram hoặc website Stuart Ng Books. 

Trong bài phỏng vấn dưới đây, An Chi chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật, tiết lộ lý do vì sao cô dấn thân vào nghề vẽ phim hoạt hình, và đưa ra lời khuyên cho những ai muốn theo đuổi con đường nghệ thuật như cô.

Xin cô chia sẻ đôi điều về nơi mình sinh ra và lớn lên, cơ duyên nào đưa đẩy cô đến với nghệ thuật và gắn bó với nó?

Tôi yêu thích công việc liên quan đến sáng tạo. Hồi còn ở Việt Nam, tôi đinh ninh mình sẽ nối nghiệp kiến trúc sư của cha mẹ.

Tuy nhiên, lúc lớn lên, tôi đã trót “bén duyên” với nghệ thuật. Đối với người không giỏi văn chương chữ nghĩa như tôi, nghệ thuật là cách tôi diễn đạt câu chuyện mình muốn kể.

Nhờ tham gia các lớp dạy vẽ, tôi nhận ra nghệ thuật chính là con đường mình muốn đi, và đó là lý do tại sao tôi quyết định đăng ký học tại ArtCenter. 

Tôi thật may mắn được cha mẹ khuyến khích theo đuổi ước mơ của mình, và tôi hy vọng sẽ làm họ hãnh diện về thành quả tôi đạt được.

Có vẻ như ArtCenter là sự lựa chọn phổ biến của những ai muốn nghiên cứu nghệ thuật. Theo cô, lợi thế lớn nhất khi theo học tại đây là gì? Nó có đóng góp vào sự thành công của cô trên con đường sự nghiệp hay không?

ArtCenter có lợi thế là nằm gần nhiều hãng phim hoạt hình, nhiều công ty giải trí.

Điều này có nghĩa bạn có thể tiếp cận dễ dàng các hãng phim và giới họa sĩ trong ngành công nghiệp giải trí.

Ở trường, tôi đã học được giá trị của tính chuyên nghiệp và tận tâm trong công việc.

Việc xung quanh tôi đều là những chuyên gia trong ngành đã giúp tôi nâng trình độ làm portfolio lên tầm cao mới, tạo nền tảng vững chắc cho tôi bước chân vào ngành công nghiệp giải trí.

Theo học tại ArtCenter là quyết định sáng suốt nhất từ trước đến nay của tôi, và tôi may mắn có đủ tiền trang trải chi phí học tập. Đối với những ai có tài chính eo hẹp, tôi thiết nghĩ tham gia các khóa học online trên CDA, Scholism, Brainstorm,…cũng là cách hay để giúp nâng cao trình độ làm porfolio và kết nối với mọi người.

Khi niềm đam mê nghệ thuật thật sự đủ lớn, bạn ắt sẽ tìm ra cách.

Nhiều họa sĩ tự học, nhưng cô chọn đến trường, nơi cô luôn có những họa sĩ nhiệt tình vây quanh. Việc nhờ họa sĩ khác hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình học tập quan trọng như thế nào với cô?

Cộng đồng họa sĩ có ý nghĩa rất lớn với tôi.

Xung quanh tôi lúc nào cũng có nhiều họa sĩ tài năng, giàu nhiệt huyết, chung chí hướng, luôn vui vẻ động viên nhau làm việc hết sức mình để cùng tiến bộ.

Tôi may mắn có bạn bè và giảng viên luôn sát cánh bên cạnh trong suốt thời gian đi học. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ họ.

Ngành công nghiệp hoạt hình là nơi hội tụ của những con người tuy nhỏ bé, nhưng dễ mến, luôn sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau.

Phong cách sáng tác từ nhỏ tới nay của cô chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đâu? (Họa sĩ, phim ảnh,…)

Phim hoạt hình của Hayao Miyazaki có sức ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Ông có lối kể chuyện rất hay. Tôi yêu thích mọi chủ đề được ông khai thác trong từng bộ phim.

Ông truyền cảm hứng cho tôi, dạy tôi kỹ năng quan sát những khoảnh khắc đời thường, những biểu hiện cảm xúc tinh tế của con người, và không ngại đào sâu vào những góc khuất bên trong.

Tôi không chỉ lấy nguồn cảm hứng từ phim hoạt hình/concept art, mà còn từ tranh minh họa, ảnh chụp, mẫu thiết kế đồ họa, và phong cách vẽ của họa sĩ khác.

Tôi hay xem phim hoạt hình. Phim hoạt hình nào thấy có phần lồng tiếng đa dạng, phong phú là tôi mê tít ngay từ giây phút đầu tiên.

Thuở mới dấn thân vào ngành công nghiệp giải trí, công việc đầu tiên của cô là vẽ background. Công việc đó như thế nào? Và cô học hỏi được gì từ nó?

Đầu tiên, tôi làm việc cho studio Glow in the Dark với vai trò họa sĩ vẽ concept nhân vật và môi trường.

Thời gian làm việc ở đây giúp tôi biết cách vận dụng kiến thức đã học ở trường vào thực tế sản xuất.

Tôi tham gia vẽ background và nhân vật cho show truyền hình Victor and Valention trên Cartoon Network. Tôi vui mừng phấn khích khi thấy tên mình xuất hiện trên màn ảnh.

Hiện tại tôi là họa sĩ thiết kế background cho series phim Transformers do Hasbro, Inc. sản xuất.

Môi trường làm việc ở công ty danh tiếng hàng đầu thế giới cực kỳ đáng sợ, khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Tôi nỗ lực hết sức mình trong suốt thời gian thử việc, và vẫn phải tiếp tục làm việc chăm chỉ ngay cả khi đã thành danh.

Tôi rút ra từ kinh nghiệm của bản thân rằng họa sĩ background cần có khả năng thích ứng cao với mọi yêu cầu công việc.

Tôi học cách phối hợp chặt chẽ với giám đốc nghệ thuật để bảo đảm sản xuất diễn ra suôn sẻ từ đầu đến cuối.

Vẽ từ cuộc sống và vẽ theo trí tưởng tượng quan trọng như thế nào với cô, cụ thể là trong vẽ phim hoạt hình? Vẽ từ cuộc sống có hữu ích với họa sĩ hoạt hình hay không? Hay nó chỉ gây lãng phí thời gian?

Điều quan trọng là cần có nền tảng vững chắc!

Đó là lợi thế của bạn. Tôi biết nhiều họa sĩ trẻ muốn làm portfolio, nhưng họ sẽ bộc lộ thiếu sót trong tác phẩm nếu không nắm vững phối cảnh, giải phẫu học.

Nghiên cứu, vẽ ngoài trời, hoặc thử nghiệm những điều mới mẻ là cách tuyệt vời để bạn thử thách bản thân và nâng cao trình độ.

Vẽ từ cuộc sống sẽ cung cấp cho bạn kiến thức mới không được dạy ở trường, đồng thời làm giàu trí tưởng tượng của bạn. Nhiều phim hoạt hình lấy cảm hứng từ cuộc sống đời thường, nên tôi không nghĩ nó gây lãng phí thời gian.

Cô có cảm nghĩ như thế nào về hình thức làm việc tự do (freelance) với làm việc trong studio? Theo cá nhân cô, hình thức làm việc nào phù hợp cho người mới bước chân vào ngành công nghiệp giải trí?

Tôi từng trải qua hai hình thức làm việc trên, nên hiểu rõ lợi ích của chúng.

Làm việc trong studio giúp bạn rèn luyện kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm. Làm việc tự do cho bạn tự chủ giờ giấc, nhưng bạn cần lưu ý khi nào thực hiện phần việc tiếp theo.

Họa sĩ mới “chân ướt chân ráo” bước vào ngành công nghiệp giải trí đã hành nghề tự do không phải là chuyện hiếm gặp; tuy nhiên, bước khởi đầu tốt nhất vẫn là xin vào làm việc cho studio.

Bất kể khởi đầu từ đâu, bạn hãy kiên trì làm tốt công việc của mình, và nó sẽ rất có ích cho bạn trên chặng đường tiếp theo.

Mới đây, cô phát hành cuốn sách minh họa mang tên Cheese! Xin cô cho biết cuốn sách đó được sáng tác và phát hành như thế nào?

Lần đầu tiên ra mắt cuốn sách tại Creative Talent Network Expo, tôi ngạc nhiên trước sự đón nhận nhiệt tình của độc giả.

Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi cuốn sách của mình có tên trên Galley Nucleus và nhà sách online danh tiếng Stuart Ng Books.

Tôi cũng vui mừng khi thấy tác phẩm được đông đảo độc giả yêu thích. Cầm cuốn sách trên tay, lòng tôi tràn ngập thỏa mãn vì biết nó đã đến tay nhiều người, mang lại niềm vui, tiếng cười cho họ.

Khi tiếp nhận dự án mới, cô thường làm gì trước tiên? Cô chú trọng vào câu chuyện, nhân vật, môi trường, hay cả ba?

Đầu tiên, tôi luôn tự hỏi mình muốn kể câu chuyện gì qua hình ảnh này?

Câu chuyện là quan trọng nhất. Những thứ khác như nhân vật, môi trường, đạo cụ,… chỉ đóng vai trò hỗ trợ câu chuyện mà thôi.

Cảm xúc ẩn chứa bên trong hình ảnh cũng là yếu tố cần xem xét, và tôi mong muốn độc giả cảm nhận được nó.

Đây là nơi ánh sáng, màu sắc, và góc nhìn giúp xác định bầu không khí – yếu tố hỗ trợ câu chuyện.

Tôi lưu tâm đến kịch bản và storyboard để bảo đảm background mình vẽ ra ăn nhập với cảnh truyện.

Điều quan trọng khi thiết kế background là cân nhắc vị trí nhân vật.

Bạn phải bảo đảm nhân vật vẫn là điểm nhấn khi tương tác với background, và background phải luôn hướng sự chú ý của khán giả vào action trên màn ảnh.

Cô có cảm nghĩ gì về các hội chợ phim hoạt hình lớn như CTN Animation Expo? Chúng có đáng tham dự ngay cả với họa sĩ mới vào nghề hay không? Và mọi người sẽ nhận được gì từ sự kiện này?

Đúng như tên gọi, đây là sự kiện dành cho giới họa sĩ, nơi lý tưởng để gặp gỡ, trò chuyện với các nhà làm phim và họa sĩ mà bạn ngưỡng mộ.

Tôi thích gặp gỡ và chia sẻ chuyện nghề với họa sĩ khác. Tôi nghĩ bạn không nên kỳ vọng tìm được việc làm qua tham gia sự kiện, mục đích chính đến đây là lấy ý kiến phản hồi về portfolio, và kết nối với mọi người.

Tôi sẽ tham dự hội chợ nghệ thuật giải trí Lightbox Expo. Tôi muốn gặp gỡ, giúp đỡ các học viên và họa sĩ khác.

Sau cùng, cô có lời khuyên nào dành cho những ai mới bước chân vào ngành công nghiệp giải trí hay không?

Bạn cần hiểu rõ mình muốn gì, và làm portfolio theo đúng định hướng nghề nghiệp.

Khi xin việc, hãy làm portfolio phù hợp với yêu cầu  công việc của studio bạn muốn ứng tuyển.

Nghiên cứu càng nhiều càng tốt. Đừng ngại đặt câu hỏi với chuyên gia trong ngành.

Hãy cứ là chính mình. Đừng cố bắt chước một ai đó. Tác phẩm cần mang đậm dấu ấn cá nhân để ai nhìn vào cũng dễ dàng nhận ra và nghĩ ngay đến bạn.

Tạo dấu ấn cá nhân không phải là chuyện dễ, nhưng bạn đừng vì thế mà ngại chia sẻ. Miễn là vẫn còn sáng tạo, bạn sẽ vẫn luôn duy trì và phát triển dấu ấn cá nhân. Hãy tiếp tục tiến bước, đừng bao giờ bỏ cuộc!

*Nguồn: conceptartempire 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy