Nữ ‘chiến binh’ đất Thủ

TP – Bà Nguyễn Thị Một nói rằng, cho đến khi “nhắm mắt xuôi tay” mới có thể quên được thời khắc trèo lên nóc nhà căn cứ của địch để thay Quốc kỳ khi mới 19 tuổi. Sau giải phóng, bà Một để lại ấn tượng thêm một lần nữa trong công tác đấu tranh chống tiêu cực.

Vào trụ sở địch treo cờ cách mạng

Bà Nguyễn Thị Một sinh năm 1956 ở tỉnh Bình Dương. Bà cho biết, nhà truyền thống thành phố Thủ Dầu Một trước đây có tên là Nhà việc Phú Cường vốn là khu hành chính của thực dân Pháp. Nơi đây vào 77 năm trước, đúng vào sáng 25/8/1945 đã diễn ra một cuộc biểu dương lực lượng rất lớn với hơn 5 vạn đồng bào tham gia giành chính quyền về tay cách mạng.

Thời điểm đó, Nhà việc Phú Cường trở thành “vườn hoa Ba Đình” của tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Tại Nhà việc Phú Cường, ông Văn Công Khai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh Thủ Dầu Một đã đọc diễn văn tuyên bố xóa bỏ chính quyền do thực dân dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công – nông.

Về sau, Nhà việc Phú Cường thành trụ sở làm việc của UBND tỉnh Thủ Dầu Một cũ. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Nhà việc Phú Cường bị xâm chiếm, trở thành cơ quan đầu não của địch. Bà Nguyễn Thị Một nhớ lại: Khoảng 9h30 sáng 30/4/1975, tôi cùng mọi người đi bộ tiến thẳng về Nhà việc Phú Cường. Lúc bấy giờ, tình hình phức tạp, tâm trạng rất lo lắng vì khi đến nơi nhìn thấy có sự xuất hiện của nhiều người. Tôi nhìn thấy trong Nhà việc Phú Cường có quân ta nên yên tâm.

“Mỗi người một việc. Tôi được giao nhiệm vụ trèo lên nóc nhà thay cờ. Do lần đầu tiên đến Nhà việc Phú Cường nên không ai biết đường lên nóc nhà. Tôi nhìn thấy cây sứ nên trèo lên cành cây để đu qua cánh cửa phụ căn nhà rồi trèo lên ban công. Sau khi vất vả trèo lên được nóc nhà, tôi hạ lá cờ “ba que” xuống rồi thượng lá cờ Mặt trận giải phóng dân tộc lên”, bà Một kể và bộc bạch rằng, khi ấy cảm xúc trong bà dâng trào vì hoàn thành nhiệm vụ quan trọng được giao.

Từ trên cao nhìn xuống, bà Một thấy người dân khu vực xung quanh đổ ra đường nhìn lên lá cờ của cách mạng với khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng. Bà nói, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà mới có thể quên được thời khắc lịch sử trọng đại đó.

Nữ 'chiến binh' đất Thủ ảnh 1

“Nữ chiến binh” thời bình

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Một được phân công làm việc ở nhiều vị trí, đơn vị khác nhau, trong đó bà có thời gian dài hoạt động trong công tác Đoàn, Hội. Bà kể, trong kháng chiến chống Mỹ, bà là chiến sĩ công an và sau giải phóng vẫn hoạt động trong ngành công an. Đến tháng 6 năm 1975, Thị Đoàn Thủ Dầu Một ra đời, do thời điểm đó không có cán bộ trẻ nên bà Một được tổ chức điều động về giữ chức Trưởng ban Thiếu nhi Nhi đồng Thủ Dầu Một, kiêm phụ trách Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Minh Tâm, Bí thư Thành Đoàn Thủ Dầu Một cho biết, hiện nay bà Nguyễn Thị Một vẫn luôn hăng hái tham gia các hoạt động liên quan đến Đoàn, Hội. Bà chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho đoàn viên thanh niên, cán bộ Đoàn trên địa bàn và là tấm gương để các thế hệ trẻ noi theo.

Năm 1982, bà Một được tổ chức cho đi học trường Tuyên huấn TPHCM. Đến năm 1984, sau khi học xong, bà được phân công về công tác tại Liên đoàn Lao động Thủ Dầu Một rồi được điều động giữ chức giám đốc xí nghiệp gốm, sau đó làm Phó giám đốc Công ty Lương thực Thủ Dầu Một. Sau khi nhận chức, phát hiện trong công ty có tiêu cực, bà Một tham mưu cấp trên cho… giải thể Công ty Lương thực.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2012, được cấp trên vận động, bà Một về điều hành Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Thủ Dầu Một. Trong thời gian giữ chức hội trưởng, bà đã trực tiếp đương đầu, đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhiều trường hợp nhưng ấn tượng nhất là giải quyết chế độ chính sách cho các tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nữ 'chiến binh' đất Thủ ảnh 2

Khoảng tháng 6/2021, một tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch, bị mắc COVID-19 và được hỗ trợ 2 triệu đồng. Sau khi nhận được phản ánh, bà Nguyễn Thị Một lập tức kiến nghị ngành chức năng phải đối chiếu các quy định để giải quyết chế độ chính sách, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tình nguyện viên nói trên.

“Sau khi đấu tranh, tình nguyện viên ấy đã được nhận 3 đợt hỗ trợ với tổng số tiền 9,5 triệu đồng”, bà Một nhớ lại.

HƯƠNG CHI