Nộp 30 triệu đồng sau 2-3 tháng có bằng cao đẳng sư phạm chính quy
GDVN- Hãy tưởng tượng một thế hệ đang được dạy dỗ bởi những giáo viên mầm non không học lấy một chữ, không đi học một ngày, bỏ tiền mua bằng; sẽ nguy hại như thế nào?
Tại trụ sở chính của Trường Trung cấp Tổng Hợp Hà Nội (địa chỉ: kiot số 18, tòa nhà HH03E, quận Hà Đông, Hà Nội), phóng viên được chính những học viên đã, đang và sẽ tham gia các khóa học ghép lớp lấy bằng sớm chia sẻ những câu chuyện vừa bi vừa hài và cả những mánh khóe không cần học, chép tài liệu là qua môn, để lấy bằng sau thời gian chỉ vài tháng, thậm chí là vài tuần.
Điều đáng nói, những đối tượng học viên này lấy bằng phục vụ cho công việc (giáo viên mầm non) hoặc mở trường.
Như vậy đồng nghĩa, có một thế hệ học sinh đang được thụ hưởng tri thức từ những giáo viên mua bằng nhưng vẫn được gọi bằng thầy, bằng cô.
Nhân viên tên Q. tư vấn tuyển sinh cho người học vào trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội còn khẳng định chắc nịch: “Sinh viên của trường đã lên đến vài vạn”.
Không cần học, không cần ôn luyện, thi đã có “phao” chép mỏi tay
10 giờ sáng, ngày 16/08/2020, chị D. (Nghệ An) hoàn thành bài thi tốt nghiệp tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội.
Chị chia sẻ: “Mình thi tốt nghiệp khóa Trung cấp nấu ăn để lấy bằng Trung cấp nghề, hợp thức hóa hồ sơ để xin làm nhân viên nấu ăn trong trường mầm non.”
Theo lời chị D: Bản thân chị hoàn toàn không biết gì về thủ tục đăng ký vì có người “quen biết” với giáo viên ở trường này, chị chỉ làm hồ sơ và nộp cách đây mấy ngày và hôm nay đã dự thi dù không tham gia buổi học nào.
Phần thi tốt nghiệp trung cấp nấu ăn gồm 2 phần: Phần 1 là bài thi cơ sở ngành; phần 2 là bài thi thực hành.
Cả hai phần này chị D. không cần phải học, ôn thi vì đã có giáo viên của nhà trường chuẩn bị sẵn tài liệu, chỉ việc chép.
Thậm chí phần thi thực hành cũng đã có giáo viên làm sẵn cho từ trước.
Sau khoảng hơn 30 phút kể từ thời gian chị D. bước ra khỏi phòng thi, có 2 thí sinh cũng hoàn thành xong kỳ thi và chuẩn bị ra về.
Một trong hai cô gái cho biết: Hai chị em vừa thi liên thông Trung cấp lên Cao đẳng ngành Sư phạm Mầm non.
Khi được hỏi có gói thi chống trượt không và chi phí bao nhiêu? Người này khẳng định là có chống trượt; thời gian học liên thông chỉ gần một năm; đi thi mang phao vào chép; tổng chi phí đã bao gồm chống trượt vào khoảng 12 triệu đồng.
Hơn 11 giờ trưa, nhiều thí sinh vẫn chưa hoàn thành xong phần thi và người nhà vẫn đợi ở trước cửa lớp.
Chị gái của một thí sinh (từ Gia Lâm, Hà Nội) đang tham dự kỳ thi Trung cấp Sư phạm Mầm non tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội đã có những chia sẻ chi tiết về quá trình nộp hồ sơ và thi cử của em gái mình.
Người này tiết lộ: Thời gian từ lúc nộp hồ sơ đến lúc thi chỉ trong khoảng từ 3 đến 4 tháng.
Khi được hỏi: Người học đăng ký phải học, phải ôn tập những gì? Người này thản nhiên trả lời: “Có học gì đâu, đóng tiền rồi thi thôi”.
Người này cho biết thêm: “Em gái tớ nộp hồ sơ ở Gia Lâm nhưng phải sang tận Hà Đông để thi; tổng chi phí cho em gái thi và lấy bằng là khoảng 17 – 18 triệu đồng.
Vì em gái tớ đang đi dạy rồi nhưng cần bằng bổ sung nên cần phải thi gấp lấy bằng”.
Dường như đã tìm hiểu rất kỹ về chương trình đào tạo của trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội, người này còn “tư vấn” dịch vụ học liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng, từ Cao đẳng lên Đại học, ngành Sư phạm Mầm non.
Khi được hỏi về chất lượng của bằng Trung cấp trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội, người này chia sẻ: Bản thân không rõ về trường này nhưng thấy mọi người đều thi lấy bằng và đi làm không vấn đề gì hết.
11 giờ 30 phút, một thí sinh dự thi tốt nghiệp trong ngày 16/8 ung dung bước ra khỏi phòng thi.
Không ngần ngại, cô gái trẻ này này bắt đầu rút ra từ trong túi một tập giấy gồm nhiều câu hỏi đã có sẵn đáp án và giới thiệu đây là phao thi do chính nhân viên nhà trường cung cấp.
Theo lời kể của người này: Bài thi tốt nghiệp trung cấp có 5 môn và chép phao đến mỏi tay, thậm chí là thời gian cuối còn mở điện thoại tìm thông tin chép thêm vào bài; trong phòng thi mọi người đều đã “chống trượt” hết.
Hơn 12 giờ, những thí sinh cuối cùng mới bước ra khỏi phòng thi.
Chị H. (Hà Nội) trạc 40 tuổi cảm thán: “Chưa bao giờ chép mỏi tay như thế này!”.
Chị H. nói: “Bài và phao đã viết hết lên bảng, cứ thế mà chép. Bạn về mua tờ giấy thi bán ở cửa hàng văn phòng phẩm sau đó nhờ cô gửi cho đáp án về nhà mà chép rồi gửi lên nộp bổ sung, không sao đâu”.
Có học mấy đâu, giờ dùng tiền hết!
Ngày 23/08/2020, trong một buổi thi tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội phóng viên tiếp tục được những người trong cuộc chia sẻ nhiều câu chuyện xoay quanh hình thức ghép lớp thực chất là mua bán bằng cấp.
Ngồi thất thểu bên hành lang, anh Đ. đưa vợ từ Hải Phòng lên trụ sở chính của trường để thi tốt nghiệp lấy bằng Trung cấp Sư phạm Mầm non.
Theo như anh Đ. chia sẻ: Vợ anh mới nộp hồ sơ một tháng và bây giờ đã được thi. Vợ anh Đ. đã theo nghề giáo viên được 12 năm nhưng chỉ có bằng kế toán, đến nay nhà trường yêu cầu bằng cấp nên phải học để bổ sung.
Theo kế hoạch, vợ anh Đ. sau khi lấy bằng Trung cấp sẽ tiếp tục học liên thông lên Cao đẳng của Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội.
Anh Đ. nói: “Bây giờ nộp tiền nó hỗ trợ hết. Vợ anh học lên Cao đẳng chi phí trên dưới 30 triệu; hôm nay nộp 500.000 đồng để lấy tài liệu.
Cao đẳng anh thấy học cũng nhanh, anh thấy chị kia nộp 2 đến 3 tháng là đã xong Cao đẳng.
Vợ anh cũng bắt đầu từ con số 0, phải học qua bằng trung cấp, xong trung cấp thì thi cùng khóa dưới Hải Phòng”.
Theo anh Đ: Có không ít giáo viên (thậm chí là chủ trường nơi vợ anh Đ. đang công tác cũng bỏ tiền cho những khóa học ghép lớp để lấy bằng sớm.
Anh Đ. kể: “Chị đó (chủ trường nơi vợ anh Đ. công tác), tuần trước thuê xe 16 chỗ từ Hải Phòng lên thi là xong rồi. Cái bằng Cao đẳng thấy bảo là Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc.
Họ vẫn học ở đây, nhưng có học mấy đâu, giờ dùng tiền hết. Ngày thi có mặt ở đây gọi là có chữ của mình thôi.
Nếu học em phải học mấy năm cơ, có học nhanh cũng năm rưỡi, 2 năm, học chính quy Cao đẳng là 3 năm. Giờ có tiền là xong!
Vợ anh đăng ký ở đây nhưng phải qua một người, nó có ngạch riêng. Chị (người tư vấn) bảo là ăn tết xong sẽ có bằng Cao đẳng. Bằng này anh cũng yên tâm vì nhiều người tìm hiểu rồi.
Khi học trên trường sẽ gửi bài về email và vợ anh chỉ cần chép lại, giấy thi trường cũng gửi về qua bưu điện. Sau khi chép xong, anh lại nộp bài qua đường bưu điện về trường”.
Nộp hồ sơ 3 tuần, thi 1 buổi có ngay bằng Trung cấp Sư phạm Mầm non siêu tốc.
Ngày 30/08/2020, phóng viên tiếp tục đến trụ sở chính của Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội để mục sở thị một buổi phát bằng và nhận bằng cho học viên.
Theo những gì quan sát được, nhà trường không yêu cầu thí sinh phải có mặt để nhận bằng mà có thể nhờ người nhận bằng hộ.
T. (21 tuổi) đi nhận bằng hộ chị dâu chia sẻ: “Chị em học ở đây có hơn 1 tháng, gần 2 tháng gì đấy. Về tiền thì em không biết là bao nhiêu nhưng về thời gian thì khá là nhanh.
Anh em đã liên hệ với thầy giáo tên T. và thầy giáo này cho biết thứ 7, chủ nhật là ngày phát bằng. Tuy nhiên, khi đến đây thì em không liên lạc được với thầy T.”.
Một học viên khác tên Tr. (đến từ Hà Nam) cùng chồng từ quê lên Hà Nội để nhận bằng.
Trong thông báo nhận bằng được đăng trong nhóm học viên có nội dung:
“Thông báo: Lịch phát bằng lớp HN09: Đúng 8 giờ 30 ngày 30/8/2020, các bạn lớp NH09 mang chứng minh nhân dân gốc đi nhận bằng tốt nghiệp và 100k (100.000 đồng) lệ phí in cấp phát bằng, tại phòng B11, tầng 2, nhà B Học viện Múa Việt Nam. Các bạn lớp NH2e lấy bằng sau 2 tuần. Chi tiết liên hệ cô N. quản lý lớp 097218xxxx. Các bạn lớp HN10 qua nghỉ lễ ngày 6/9/2020 đi học trở lại, cụ thể cô sẽ báo sau”.
Sau khi đọc thông báo, chị Tr. nhận ra mình đã bị nhầm địa chỉ và thời gian phát bằng.
Chị Tr. học lớp HN09 do cô N. phụ trách sẽ được nhận bằng vào ngày 30/08/2020 tại phòng B11, tầng 2, nhà B, Học viện Múa Việt Nam.
Chia sẻ về khóa học ghép lớp chị Tr. cho biết: “Tổng chi phí mà tôi phải nộp là hơn 10 triệu đồng. Vì tôi đăng ký sau nên được ghép vào lớp sắp ra trường, chỉ cần hôm thi thì đến thôi. Thi tốt nghiệp sau gần 1 tháng sẽ có bằng”.
Một người học khác chia sẻ: “Tôi nộp hồ sơ ngày mùng 8 (tức 8/8/2020) đến ngày 30 (tức 30/8/2020) thì lấy được bằng, không cần phải học, đến ngày thi tốt nghiệp thì mình đến thi thôi.
Để đảm bảo đủ số lượng bài kiểm tra mà mình không tham gia học, những người học diện này chỉ cần chép lại bài thi được trường cung cấp, sau đó nộp về cho nhà trường”.
Như vậy, qua những lời chia sẻ của chính người học đã và đang tham gia các lớp học ghép, lấy bằng sớm của trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội, đến đây độc giả đã có thể hình dung rõ thủ đoạn của ngôi trường này.
Nếu không có những chấn chỉnh nghiêm về mặt quản lý, không biết sẽ có bao nhiêu giáo viên mầm non được đào tạo theo kiểu này?
Nhóm Phóng viên