Nông thôn mới thông minh – bước tiến và những thách thức ban đầu

Nông thôn mới thông minh – bước tiến và những thách thức ban đầu

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được xác định là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như hiện đại hóa nông thôn Việt Nam. Đích đến của chương trình ở cấp cơ sở là những nấc thang: “NTM” – “NTM nâng cao” – “NTM kiểu mẫu”, đã được thực hiện thành công ở nhiều nơi. Khái niệm “NTM thông minh” mới được đưa ra gần đây được coi là bước tiến tiếp theo trong XDNTM. Tuy nhiên, với những tiêu chí đang được xới xáo và chưa có tiền lệ đã trở thành thách thức, cần sự chủ động, sáng tạo và nỗ lực từ nhiều phía để thực hiện.

Nông thôn mới thông minh - bước tiến và những thách thức ban đầuHội trường xã Đông Văn (Đông Sơn) – nơi có thể tổ chức họp trực tuyến với các thôn trong xã.

Tâm thế sẵn sàng

Để tìm hiểu về những bước triển khai đầu tiên ở Thanh Hóa về XDNTM thông minh, chúng tôi đã tìm đến Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là VPNTM tỉnh). Thật trùng hợp là đúng lúc ông Dương Văn Giang, Phó chánh VPNTM tỉnh đang thảo luận cùng các cán bộ đồng nghiệp để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, phân tích từng câu từ trong dự thảo các tiêu chí để trình cấp tỉnh ban hành bộ tiêu chí NTM riêng của tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo ông, hiện Trung ương cũng mới có các văn bản định hướng, ban hành các kế hoạch và một số tiêu chí NTM thông minh. Vẫn còn một số tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể phải chờ hướng dẫn chi tiết do các bộ, ngành Trung ương liên quan ban hành và hướng dẫn thực hiện.

Thôn NTM thông minh phải có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến từng hộ; cán bộ thôn phải có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn. Trong thôn, phải có một trong các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, giáo dục, sản xuất – kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông nghiệp, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế – xã hội…

Tại Thanh Hóa, từ đầu năm 2022, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan đã vào cuộc và có những bước đi đầu tiên về XDNTM thông minh. Giữa tháng 4 vừa qua, VPNTM tỉnh đã có các công văn và đính kèm các hướng dẫn để xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan cấp tỉnh về các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, trong đó có các chỉ tiêu liên quan đến yếu tố NTM thông minh. Nhiều sở, ngành, đơn vị đã có những góp ý về các tiêu chí liên quan, trong đó đáng chú ý nhất là Văn bản góp ý số 851, ngày 27-4 của Sở Thông tin và Truyền thông vì các chỉ tiêu liên quan đến yếu tố “thông minh” trong XDNTM giai đoạn tới phần lớn đều liên quan đến chuyển đổi số, các lĩnh vực liên quan đến sở chủ quản này.

Ngày 12-10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã có Quyết định 06 để ban hành kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong XDNTM, hướng tới NTM thông minh. Chỉ 8 ngày sau, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành soạn thảo và ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND để triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ mục tiêu: Chuyển đổi số trong XDNTM để từng bước hình thành NTM thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Để thực hiện, UBND tỉnh đã đưa ra từng nhóm chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, yêu cầu các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương cùng vào cuộc thực hiện.

Nhiều tiêu chí mới

Theo các tiêu chí “thông minh” được Sở Thông tin và Truyền thông góp ý vào kế hoạch triển khai của tỉnh, giai đoạn 2022-2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao của Thanh Hóa phải lắp đặt mạng wifi miễn phí tại hội trường và khu vực quanh UBND xã để Nhân dân truy cập các thông tin, tương tác với cơ quan, đơn vị khác khi cần thiết. Nếu là xã có các điểm du lịch cộng đồng, cũng phải được phủ sóng wifi miễn phí tại khu vực này mới đủ điều kiện xét đạt chuẩn NTM nâng cao.

Với các xã NTM kiểu mẫu giai đoạn tới, phải có một thôn NTM thông minh được công nhận đạt chuẩn. Thôn NTM thông minh phải có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến từng hộ; cán bộ thôn phải có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn. Trong thôn, phải có một trong các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, giáo dục, sản xuất – kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông nghiệp, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế – xã hội…

Thôn NTM thông minh cũng được đề xuất phải có hơn 70% số người trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giao thông, ngân hàng, du lịch…, cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu. Mặt khác, trong thôn phải bảo đảm hơn 50% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán được các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông, học phí…

Muốn xây dựng xã NTM thông minh thì đầu tiên là phải xây dựng các thôn/làng NTM thông minh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm thôn làng được lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát. Đa phần các cán bộ cấp thôn đã sử dụng điện thoại thông minh, thiết lập nhóm zalo trong các cán bộ thôn để trao đổi điều hành, kết nối với các nhóm của cán bộ xã. Đây là những việc làm có thể triển khai trên diện rộng nên càng có cơ sở để triển khai những việc làm khác theo các chỉ tiêu của NTM thông minh trên địa bàn tỉnh.

Để về đích NTM kiểu mẫu, ngoài có một thôn NTM thông minh, xã đó phải có nhiều tiêu chí và chỉ tiêu khác, như: 100% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập, kể cả điện thoại di động. Cùng với đó, xã phải có phòng họp trực tuyến; sử dụng nền tảng số để chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy, chính quyền xã đến 100% cán bộ thôn/bản. Tại xã, phải có 100% nhà ở cá nhân, hộ gia đình, trụ sở cơ quan, tổ chức, các cơ sở dân sinh, cơ sở kinh tế – xã hội được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số. Xã NTM thông minh cũng phải đáp ứng từ 50% người trưởng thành trở lên có tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán các dịch vụ thiết yếu; có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông…

Ở nhiều tiêu chí khác, các cơ quan Trung ương cũng như cấp tỉnh cũng đề cập và đưa ra nhiều chỉ tiêu mới cho xã NTM thông minh. Đơn cử như trong tiêu chí “Giao thông”, xã NTM thông minh phải có đèn tín hiệu giao thông ở nút giao trung tâm xã.

Những tín hiệu khả quan

Muốn xây dựng xã NTM thông minh thì đầu tiên là phải xây dựng các thôn/làng NTM thông minh. Phía Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã đưa ra định hướng thực hiện cho các tỉnh và khái niệm: Thôn/làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn ở các xã vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Các hợp phần chính của “làng thông minh” là thiết chế thông minh, hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, nguồn lực thông minh, dịch vụ thông minh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm thôn làng được lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát. Đa phần các cán bộ cấp thôn đã sử dụng điện thoại thông minh, thiết lập nhóm zalo trong các cán bộ thôn để trao đổi điều hành, kết nối với các nhóm của cán bộ xã. Đây là những việc làm có thể triển khai trên diện rộng nên càng có cơ sở để triển khai những việc làm khác theo các chỉ tiêu của NTM thông minh trên địa bàn tỉnh.

Tại xã Đông Văn (Đông Sơn), hình thức họp không giấy tờ hay trực tuyến đến các nhà văn hóa thôn đã được triển khai đúng như nhiều văn bản đang hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Tại một hội nghị trực tuyến về triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM toàn quốc vào giữa tháng 10-2022, Đông Văn được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá là một trong những điển hình của cả nước đi đầu trong XDNTM thông minh.

Nông thôn mới thông minh - bước tiến và những thách thức ban đầuHệ thống cảm biến tưới tự động tại nông trại Vạn Hoa của anh Nguyễn Văn Nam ở xã Nga Thạch (Nga Sơn).

Rõ nét nhất là tiêu chí phát triển sản xuất theo đúng định hướng của NTM thông minh đang nở rộ khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Phải kể đến hàng nghìn chủ nhà lưới, chủ trang trại tổng hợp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các yếu tố nông nghiệp thông minh, hiện đại. Tại một khu vực chân núi của xã bán sơn địa Thọ Bình (Triệu Sơn), thanh niên Nguyễn Văn Lâm đã thành công với trang trại gà lông trắng hiện đại bậc nhất tỉnh. Mỗi lứa gà tới 10.000 con, nhưng chủ trang trại sinh năm 1992 này chỉ cần 3 – 4 lao động bởi các khâu chăm sóc hằng ngày gần như được tự động hóa. Các công nhân chỉ cần đổ các bao thức ăn vào một máng lớn phía ngoài khu trại nuôi, hệ thống máy móc tự động sẽ chuyền thức ăn đến từng khu vực chuồng. Đây cũng là cách để cách ly đàn vật nuôi, tránh tiếp xúc với những mầm bệnh do con người mang đến. Khâu điều chỉnh nhiệt độ làm mát chuồng nuôi đã có hệ thống cảm biến, khi cần bật hệ thống quạt gió làm mát chuồng nuôi cũng chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh.

Tại xã Nga Thạch (Nga Sơn), nông trại Vạn Hoa của anh Nguyễn Văn Nam chuyên trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà màng và các loại hoa. Anh đã lắp hệ thống tưới tự động, có thể ngồi tại Hà Nội hay nước ngoài điều khiển qua điện thoại. Trong trồng trọt, trang trại chuyên canh bưởi 2.000 gốc của anh Lê Xuân Hoằng ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) còn đạt đến trình độ “số hóa” trong canh tác. Thời điểm từng đợt bón phân, dùng loại phân gì, hay thu hái quả đều được cập nhập vào phần mềm quản lý, tra trên mạng internet có thể biết đến từng cây được chăm sóc như thế nào. Còn rất nhiều ví dụ điển hình trong sản xuất thông minh đáp ứng tiêu chí NTM thông minh, trong đó có camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu, tự động hóa trong canh tác, chăm sóc đàn vật nuôi, phát triển thị trường sản phẩm trên không gian mạng…

Với những tiêu chí mới, cần sự vào cuộc của các ngành, đơn vị liên quan bởi chỉ riêng cấp xã không thể thực hiện được. Ví như đèn tín hiệu giao thông phải do ngành giao thông hỗ trợ; hệ thống internet, mạng điện thoại phải do hệ thống viễn thông và Sở Thông tin và Truyền thông đồng hành… Để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong XDNTM thông minh, các cấp chính quyền và đơn vị liên quan của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong XDNTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong XDNTM, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.

Bài và ảnh: Lê Đồng