Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

NNCNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

NNCNC có các đặc trưng: (1) Vốn đầu tư rất lớn so với nông nghiệp truyền thống; (2) Ứng dụng những công nghệ mới, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành; (3) Xây dựng các xí nghiệp nông nghiệp kiểu mới; (4) Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ; (5) Tối ưu hóa nguồn nhân lực; (6) Phát triển các nguồn năng lượng mới và các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, an toàn cho sử dụng.

Ứng dụng CNC trong nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích, làm tăng sản lượng nông nghiệp, tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương, hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương; Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mặt khác, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH toàn cầu. Năm 2020, thiên tai đã làm thiệt hại ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng[1]. Từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra gần chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các trận động đất, mưa lũ. Ước tính thiệt hại khoảng 264,4 tỷ đồng[2].

leftcenterrightdel

 Sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, thị trấn Phổ Yên.
Ảnh: TTXVN

Dự báo trong những năm tới, BĐKH sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn so với trước đây. BÐKH có thể làm năng suất lúa vụ xuân giảm 0,41 tấn/hécta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất ngô giảm 0,44 tấn/hécta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050[3]. Thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP vào năm 2030[4]. Do đó, phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển NNCNC và có nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Một số công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu phát triển phục vụ sản xuất. CNC đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp[5]. Cơ cấu nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các giải pháp gắn phát triển nông nghiệp với BĐKH cũng đã được triển khai và đạt hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, nhận thức về phát triển NNCNC, về BĐKH còn chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH còn thấp. Phát triển các khu, vùng NNCNC chưa tương xứng với dư địa hiện có; Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; Nhân lực ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các thành tựu KHCN mới; Năng lực thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp chưa có bước cải thiện rõ rệt…

Định hướng giải pháp cơ bản

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020 tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, NNCNC, thông minh, thích ứng với BĐKH”[6].

Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” [7]. 

Điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố KHCN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với BĐKH.

Điều này do, thứ nhất, trong bối cảnh CMCN4.0, việc tận dụng cơ hội là hết sức quan trọng để áp dụng những công nghệ mới nhất có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thứ hai, nền kinh tế nước ta phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, cần đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu; thứ ba, BĐKH vừa là vấn đề cấp bách toàn cầu, vừa là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia.

Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số định hướng giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển CNC trong nông nghiệp, thích ứng với BĐKH. Xem xét thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo…

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Kết hợp giữa cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm chủ lực với cơ cấu lại theo lĩnh vực và cơ cấu lại theo vùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích ứng với BĐKH.

Ba là, thúc đẩy ứng dụng CNC trong nông nghiệp; ưu tiên phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái. Đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị; Nghiên cứu và ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến, triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Thực hiện chuyển giao công nghệ, lựa chọn nhập khẩu CNC thuộc danh mục ưu tiên, nghiên cứu, thử nghiệm, làm chủ và thích ứng với điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC; Nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp NNCNC. Khuyến khích nông hộ làm NNCNC. Đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, thực hiện chuỗi liên kết – tiêu thụ. Khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại; Nâng cao năng lực phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường.

Năm là, xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và BĐKH; dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

Sáu là, đổi mới phương pháp đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Gắn đào tạo với thị trường, đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%[8]. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp.

Như vậy, phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH là một chủ trương hoàn toán đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại CMCN4.0./.

———————————

[1] https://thanhphohaiphong.gov.vn: Nhìn lại năm 2020: Một năm thiên tai khốc liệt và dị thường. 19/12/2020

[2] http://phongchongthientai.mard.gov.vn:  Tình hình thiên tai tháng 8 và từ đầu năm 2021

[3] https://laodong.vn: Biến đổi khí hậu: Nông nghiệp phải thích nghi và biến thành lợi thế. 26/10/2020

[4] Dara: “Climate vulnerability monitor. A guide to the cold calculus of a hot planet, 2nd Edition”, Climate vulnerable forum, Spain, 2012

[5] https://dangcongsan.vn: Khoa học công nghệ góp phần phát triển nông nghiệp. 13/7/2021

[6] Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nxb CTQG-ST, 2021.

[7] Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Nxb CTQG-ST, 2021.

[8] https://www.mard.gov.vn: Phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. 26/2/2021