Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đặt mục tiêu lãi năm 2022 cao kỷ lục

Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đề ra kế hoạch năm 2022 với chỉ tiêu lãi 600 tỷ đồng, gần gấp 6 lần mục tiêu năm 2021 và cũng là mức cao kỷ lục của công ty.

Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An mới thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch đề ra cho năm 2021, mục tiêu doanh thu 2022 ngang bằng nhưng chỉ tiêu lãi cao gần gấp 6 lần năm 2021 (105 tỷ đồng). Nếu đạt được kết quả này trong năm 2022 thì đây cũng sẽ là con số lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Động thái quan trọng gần đây nhất, ngày 13/1, Chủ tịch HĐQT của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, bà Lê Thị Tuyết, đã thông báo bán toàn bộ hơn 4,6 triệu cổ phiếu TAR (tỷ lệ 9,99%) đang nắm giữ. Sau ngày này, bà Tuyết không còn là cổ đông công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT nữa.

Số cổ phiếu nói trên được giao dịch thỏa thuận với trị giá 175,2 tỷ đồng, tương đương mức giá hơn 38.300 đồng/cp. Ngay sau động thái bán tháo cổ phiếu của bà cựu Chủ tịch Trung An, TAR đã sụt giảm mạnh về mức 31.500 đồng chốt phiên giao dịch ngày 19/1 và ngày 20/1 mới có dấu hiệu tăng trở lại ở mức 34.600 đồng/cp. TAR đã từng đạt đỉnh 44.800 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/12/2021 với khối lượng hơn 3,1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Trước đó, ngày 12/1, HĐQT Trung An thông báo phát hành thành công 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 6 nhà đầu tư tổ chức để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ của công ty sau khi tăng đạt mức gần 712 tỷ đồng.

Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đặt mục tiêu lãi năm 2022 cao kỷ lục ảnh 1

Về kết quả sản xuất kinh doanh, hiện Trung An chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, doanh thu thuần của Trung An từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 727 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Trung An đạt mức doanh thu thuần 1.957 tỷ đồng, xấp xỉ 9 tháng năm 2020 (2.101 tỷ đồng).

Do tình hình dịch bệnh phức tạp và giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong quý III/2021 khiến chi phí bán hàng tăng mạnh gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm nhẹ.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý III của doanh nghiệp đạt gần 37,4 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước (21,4 tỷ đồng). Trong khi đó, lũy kế 9 tháng chỉ đạt 57,4 tỷ đồng, giảm 27,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 ( 84,8 tỷ đồng).

Sau 9 tháng, tổng tài sản của Trung An tính đến ngày 30/9/2021 ghi nhận hơn 2.070 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ so với hồi đầu năm. Trong đó, tổng nợ phải trả hơn 1.426 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi con số đầu năm (787 tỷ đồng) và phần lớn là nợ vay ngắn hạn (xấp xỉ 1.390 tỷ đồng) trong khi nợ vay dài hạn chỉ chiếm 36 tỷ đồng (giảm hơn 3 tỷ so với đầu năm 2021).