Nông dân thu về trên 6 triệu đồng/sào nhờ… làm bạn với cây đậu phộng
Về miền biển xã Cát Hải những ngày này, người nông dân rất phấn khởi thu hoạch đậu phộng (miền Bắc gọi là cây lạc). Sau đó sẽ cho đất “nghỉ ngơi” để chuẩn bị cho vụ đông xuân tiếp tục trồng 2 cây trồng chủ lực là cây hành và đậu phộng.
Theo UBND xã Cát Hải, vụ đậu phộng năm nay được mùa, giá cả cũng ổn định, năng suất bình quân đạt 4 tạ/sào (sào 500m2), năng suất đạt gần 40 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 774 tấn/vụ.
Trong khi đó, giá đậu phộng tươi đầu mùa là 15.000 – 16.000 đồng/kg, nông dân thu trên 6 triệu đồng/sào.
Người dân thôn Chánh Oai (xã Cát Hải) đang thu hoạch đậu phộng.
Ông Hà Minh Thảo (50 tuổi, thôn Chánh Oai, xã Cát Hải), phấn khởi: “Gia đình tôi trồng 4 sào đậu phộng, bình quân đạt trên 4 tạ/sào, với giá đậu tươi đầu mùa 16.000 đồng/kg, đạt trên 6 triệu đồng/sào, trừ tất cả các chi phí vẫn còn lãi gần 3 triệu đồng/sào. So với trồng lúa thì trồng đậu phộng ít vất vả hơn nhưng năng suất cao gấp 4-5 lần”.
Ông Thảo cho biết thêm, trước đây bà con chỉ canh tác được 1 vụ lúa nhưng năng suất thấp vì thiếu nước tưới. Song, những năm gần đây nhờ nguồn nước ngầm, đặc biệt có điện kéo ra tận ruộng nên bà con đóng giếng khoan, bơm nước tưới đầy đủ.
Hơn nữa, cây đậu và cây hành rất hợp với đất pha cát nên năng suất rất cao. Cá biệt, vụ này có hộ đạt năng suất trên 6 tạ/sào.
Cây đậu phộng là một trong những cây trồng chủ lực của xã Cát Hải.
Bà Hà Thị Trang, cùng trú thôn Chánh Oai cho biết, trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa, giá trị kinh tế không cao nên cái nghèo bao năm vẫn đeo bám. Thế nhưng, từ khi chuyển đổi sang trồng hành và đậu phộng cuộc sống gia đình bà ổn định hơn và có dư.
Theo ông Võ Kế Hùng, cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Cát Hải (huyện Phù Cát), đặc thù của Cát Hải có 4 thôn nhưng mỗi thôn cách một cái đèo nên hệ thống thủy lợi của thôn nào thì phục vụ thôn đó.
Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ, nếu đầu tư công trình thủy lợi lớn thì không hiệu quả. Xã có vài hồ chứa nước nhỏ nhưng có 1 hồ chứa nước tại thôn Tân Thắng là đủ nước tưới được khoảng 40ha, còn lại hàng trăm héc ta đất canh tác lúa đều “ăn” nước trời.
“Những năm 2001 trở về trước, bà con ở xã Cát Hải chỉ làm được 1 vụ lúa đông xuân nhưng năng suất rất thấp. Năng suất đạt không quá 35 tạ/ha, không đủ chi phí chứ nói đến lời lãi nên cái nghèo, cái đói bao năm cứ bám lấy người dân”, ông Hùng chia sẻ.
Đậu phộng ở Cát Hải chủ yếu bán tươi với giá đầu vụ là 15.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, những năm 2002 trở lại đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đậu phộng hiệu quả kinh tế tăng cao gấp 4-5 lần. Những diện tích từ trồng lúa sang trồng cây hành hiệu quả kinh tế còn tăng cao hơn, gấp 6 – 7 lần.
Hiện nay, người dân xã Cát Hải sản xuất cây màu quanh năm, mỗi năm làm đến 3 vụ: Vụ hè trồng đậu phộng, thu hoạch xong vụ đậu phộng hè họ tiếp tục trồng hành vụ thu và làm tiếp hành vụ mùa.
Vụ đông xuân, cây hành 3 tháng mới thu hoạch, nhưng hành vụ hè và vụ mùa thời gian chỉ từ 1 tháng 10 ngày là thu hoạch, vì người nông dân bán hành tươi củ và hành lá củ. Đậu phộng và hành người nông dân nhổ lên là thương lái tới tận ruộng để thu mua.
Người nông dân sáng kiến làm dù che nắng để thu hoạch đậu phộng.
Hiện tại, giá đậu phộng tươi dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, còn giá hành từ 15.000 – 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhờ luân canh trồng 3 vụ/năm, bình quân 1ha đất canh tác cho người nông dân thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng.
Nông dân nơi đây không những thoát nghèo đói mà còn có của ăn của để và phát triển thêm nghề đánh bắt thủy sản.
“Từ địa phương thuộc diện nghèo nhất huyện Phù Cát, nhưng từ khi bà con chuyển đổi từ cây lúa sang cây đậu phộng và hành đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nếu tính về thu nhập trên lĩnh vực nông nghiệp, Cát Hải giờ cũng là một xã đứng tốp đầu của huyện”, ông Hùng nói.