Nông dân thu tiền tỷ sau 10 năm trồng rừng gỗ lớn
Với giá trị 200 đến 300 triệu đồng mỗi ha, nhiều nông dân miền Trung có tiền tỷ sau 10 năm kiên trì trồng rừng gỗ lớn.
Ở tuổi 64, ông Lê Biên Hòa, trú thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, Gio Linh (Quảng Trị) bước đi nhanh nhẹn trong cánh rừng gỗ lớn của gia đình. Đây là khu rừng trồng cây keo với chu kỳ trên 10 năm và được chứng nhận đảm bảo tiêu chí về phát triển bền vững (FSC).
Gia đình ông Hòa hiện sở hữu 10 ha rừng FSC với giá trị khoảng 210 triệu đồng mỗi ha. Những năm 1990, ông Hòa trồng rừng keo tràm với mục tiêu phủ xanh đất trồng đồi trọc theo kêu gọi của Nhà nước. Lúc đó chu kỳ trồng rừng là 5 năm thu hoạch một lần, thu về khoảng 70 triệu đồng mỗi ha. Với mức thu nhập khiêm tốn này, đã có lúc ông Hòa nghĩ đến việc bỏ nghề trồng rừng.
Năm 2007, ông Hòa được một doanh nghiệp giới thiệu tham gia trồng rừng bền vững. Ông thấy hiệu quả kinh tế cao nên chuyển dần diện tích rừng của gia đình sang trồng theo tiêu chuẩn FSC. Lúc này Việt Nam chưa có rừng FSC nên các nhà xuất khẩu đồ gỗ phải mua gỗ nguyên liệu của nước ngoài. “Các công ty nói tôi cứ trồng đi, nếu đạt chứng chỉ sẽ thu mua cao hơn 20 USD mỗi m3, nên tôi thuyết phục thêm được 4 hộ dân khác cùng tham gia”, ông Hòa cho hay.
Một hộ dân trong khu rừng trồng theo chứng chỉ FSC ở Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo.
Trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi nông dân đầu tư 8 đến 10 năm mới thu hoạch, thời gian tăng gấp đôi so với trồng rừng bình thường, đi liền là hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi. Tuy nhiên ông Hòa cho hay người dân ở miền núi thường khó khăn về kinh tế, “chạy ăn từng bữa”, nên họ không đủ khả năng duy trì kinh tế gia đình trên dưới 10 năm. Đa số hộ dân trồng rừng muốn “ăn non”, nghĩa là trồng được 4 đến 5 năm là thu hoạch.
Ngoài ra, nhiều gia đình ngại thay đổi tập quán sản xuất, vì trồng rừng gỗ lớn theo mô hình FSC sẽ khó khăn, phức tạp hơn trồng rừng truyền thống.
Theo ông Hòa, muốn trồng rừng FSC, người nông dân phải có kế hoạch dài hạn, mỗi năm triển khai một bước chăm sóc rừng cụ thể và phải được nghiệm thu, đánh giá. Sau một năm, nông dân vào rừng vun gốc, năm thứ hai phát thực bì, các năm sau cắt dây leo, để thực bì phát triển tự nhiên tạo độ ẩm cho đất.
Sau 5 năm, rừng được tỉa thưa, chỉ để lại 1.000 cây mỗi ha. Số cây cắt đi bán sẽ giúp nông dân thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Với rừng chu kỳ 10 năm, đến năm thứ 7 cắt tiếp 200 cây nhỏ trong số 1.000 cây mỗi ha.
“Trồng rừng FSC không đốt thực bì, lá cây khô, không san ủi khi trồng mới, để thuận theo tự nhiên, giữ thảm thực bì, cân đối hệ sinh thái. Đến năm thứ 10, thực bì cao quá đầu người, phải thuê người phát sạch trước khi khai thác cây”, ông Hòa nói.
Khai thác rừng FSC ở Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, cho hay hiện tỉnh này có hơn 23.000 ha rừng FSC, trong đó 3.100 ha là của các nhóm hộ như ông Hòa, diện tích còn lại của 3 công ty lâm nghiệp trên địa bàn.
“Lợi ích của gỗ FSC là thị trường ổn định, giá cả cao hơn gỗ không có chứng chỉ, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tích trữ cácbon rừng”, bà Phương nói.
Quảng Trị đang huy động các tổ chức, hộ gia đình và cộng động phát triển rừng theo hướng bền vững; mỗi năm có thêm 500 đến 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, theo bà Phương, mục tiêu này không dễ đạt được do tài chính người trồng rừng còn hạn chế, người dân muốn nhanh thu hồi vốn; nhiều người chưa quan tâm đến lâm nghiệp bền vững; thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều khiến người trồng rừng do dự, sợ rủi ro…
Tại Thừa Thiên Huế, ba năm trước ngành lâm nghiệp bắt đầu triển khai trồng rừng gỗ lớn với kế hoạch đạt 9.000 ha rừng FSC vào năm 2020, song đến nay chỉ trồng được hơn 7.000 ha.
Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội chủ rừng Thừa Thiên Huế, cho hay cũng như các địa phương khác, rừng gỗ lớn Thừa Thiên Huế trồng 10 đến 12 năm có thể đạt 200 đến 220 m3 mỗi ha, doanh thu ước đạt 250 triệu đồng, tăng hơn 2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều hộ chủ rừng chưa thiết tha tham gia hiệp hội trồng rừng FSC, do chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích kinh tế mang lại. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có hơn 1.000 hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Những cánh rừng trồng keo ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh.
Ông Dự phân tích, những năm gần đây Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên và đang ngày càng siết chặt việc bảo vệ rừng nên sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên cung cấp trên thị trường không có, trong khi nhu cầu gỗ ngày càng tăng. Vì vậy, trồng rừng gỗ lớn để cho sản phẩm gỗ chất lượng thay thế gỗ rừng tự nhiên, phục vụ nhu của ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu là hướng đi phù hợp.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Đông – Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Lâm nghiệp, cho hay công ty đầu tư một nhà máy chế biến gỗ nhưng nhiều năm nay không có nguyên liệu để chế biến. “Dù Quảng Nam có diện tích rừng thuộc nhóm lớn nhất nước, nhưng nhà máy phải nhập gỗ từ Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum về sản xuất”, ông Đông nói.
Để tháo gỡ khó khăn, năm 2019, Công ty ký hợp đồng với 330 hộ dân ở các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước trồng mới 860 ha gỗ keo và 1.500 ha rừng chuyển hóa thành gỗ lớn.
“Chúng tôi hỗ trợ giống chất lượng với mức 5 đến 7 triệu đồng mỗi ha, làm chứng chỉ rừng FSC cho người dân và cam kết tiêu thụ sản phẩm theo giá thị trường”, ông Đông cho hay.
Ông Lê Ngọc Ân, thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức) là một trong những hộ dân liên kết với doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn nhằm thay đổi phương thức “ăn non” trước đây. Qua tìm hiểu, ông Ân được biết trồng rừng gỗ lớn cho lợi nhuận cao, tuy nhiên ông vẫn lo ngại bởi thời gian trồng rừng kéo dài đến 10 năm. “Chỉ một cơn bão thì bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển hết nên trước mắt tôi ký hợp đồng trồng 3 ha rừng gỗ lớn để thử nghiệm”, ông Ân nói.
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Lâm nghiệp Quảng Nam đang chế biến nguyên liệu từ gỗ trồng. Ảnh: Đắc Thành.
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đầu năm 2019 tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại 12 huyện với diện tích dự kiến 10.000 ha.
Với kế hoạch này, người dân các xã trong khu vực biên giới sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi ha nếu trồng rừng gỗ lớn; các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng mỗi ha. Ngoài ra nhà nước còn hỗ trợ công tác khuyến lâm; chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng; chi phí quản lý nghiệm thu…
Tuy nhiên đến nay số hộ dân trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh còn khiếm tốn, chỉ đạt hơn 30% so với kế hoạch. Lý do chủ yếu là người dân vẫn giữ thói quen trồng rừng chu kỳ khai thác 5 – 6 năm. “Đa số người dân chưa nhận thức được trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả, họ phải mắt thấy tai nghe”, ông Hưng nói và cho hay tỉnh đã tổ chức một số đoàn nông dân đi tham quan ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, những nơi trồng rừng gỗ lớn hiệu quả.
“Hy vọng sau khi trực tiếp gặp gỡ, hỏi chuyện các nông dân ở tỉnh bạn, chứng kiến việc trồng một ha rừng khoảng 8-10 năm bán với giá trên dưới 300 triệu đồng, sẽ có thêm nhiều người dân Quảng Nam tham gia trồng rừng gỗ lớn”, ông Hưng nói.
Hoàng Táo – Võ Thạnh – Đắc Thành