Nông dân miền Tây bán một trái sầu riêng thu gần 1,5 triệu đồng
Nông dân miền Tây bán một trái sầu riêng thu gần 1,5 triệu đồng
Thứ Hai 27/02/2023 , 11:27 (GMT+7)
ĐBSCL Hiện nay, nông dân miền Tây hoạch sầu riêng đầu vụ với niềm vui được trúng mùa, trúng giá và có hộ bán một trái sầu riêng thu về gần 1,5 triệu đồng.
Trong vụ nghịch năm nay, nhà vườn ở ĐBSCL đã tập trung thâm canh, chăm sóc nên đạt năng suất cao, bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha. Thương lái đang đến tận vườn thu mua sầu riêng với giá từ 120.000 – 130.000 đồng/kg (tùy giống), cao hơn thời điểm đầu tháng 10/2022 có giá bình quân khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Nhờ vậy, mỗi ha sầu riêng thu hoạch đúng vào thời điểm hiện nay, nông dân đạt lợi nhuận ròng lên đến hàng tỷ đồng. Bà con vùng chuyên canh sầu riêng hết sức phấn khởi.
Nông dân Trần Thanh Dũng, ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) vừa thu hoạch bán đợt tuyển trái đầu tiên cho thương lái khoảng 2,5 tấn sầu riêng giống Monthong, với giá 120.000 đồng/kg, thu về 300 triệu đồng.
Anh Trần Thanh Dũng đánh giá, sầu riêng có giá nhờ thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu mạnh, đầu ra thuận lợi và đầu vụ thu hoạch sản lượng không nhiều, nguồn cung còn hạn chế. Gia đình anh có tổng cộng 2ha đất trồng chuyên canh giống sầu Monthong chất lượng cao.
Theo anh Dũng, đặc biệt năm nay là năm đầu tiên gia đình bắt đầu để cây sầu riêng ra trái khoảng 200 gốc, năng suất đạt trung bình mỗi cây từ 90-120 kg.
Đặc biệt, tại vườn trồng sầu riêng Monthong của anh Trần Thanh Dũng có nhiều cây cho trái nặng từ 10-12kg/trái nhưng số lượng không nhiều, và bán giá hiện tại thương lái thu mua tại vườn là 120.000 đồng/kg, có trái anh thu về gần 1,5 triệu đồng/trái.
Những ngày cận thu hoạch, không những thương lái mà ngành chức năng địa phương xuống tham quan vườn sầu riêng của anh Dũng đều khen ngợi, bởi cây cho trái sai và đạt năng suất như kỳ vọng. Theo dự kiến của gia đình anh Dũng, tuần sau thương lái xuống thu hoạch hết vườn ước sản lượng từ 10-12 tấn, với giá bán hiện tại sau khi trừ hết chi phí gia đình anh lãi trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, vườn của anh trồng sầu riêng cho trái vụ đầu lại trúng mùa, trúng giá, anh Dũng chia sẻ: nhờ sử dụng 100% phân thuốc hữu cơ sinh học và tuân thủ canh tác theo hướng VietGAP để cho ra sản phẩm an toàn. Khi thương lái đến vườn không chê chỗ nào, mà mua giá cao.
Để sầu riêng ổn định giá và thuận lợi xuất khẩu vào thị trường các nước trên thế giới nhưng trong đó phần lớn là thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ trái sầu riêng đặc sản cũng như dễ dàng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và HTX; đăng ký và thẩm định, cấp mã số vùng trồng cho vùng chuyên canh và các công việc cần thiết khác.
Còn tại tỉnh Tiền Giang là nơi “thủ phủ” sầu riêng. Trong vụ nghịch 2023, Tiền Giang có khoảng 8.000 ha cho thu hoạch với sản lượng từ 160.000 đến 180.000 tấn trái. Vụ sầu riêng nghịch bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và kéo dài cho đến sau Tết Nguyên đán, cho nông dân lợi nhuận cao gấp 2 lần vụ thuận nhờ bán được giá, tránh được tình trạng trúng mùa, dội chợ do thường cung vượt cầu trong vụ thuận.
Trước tình hình trên, để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ra công văn đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp, HTX, hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Vì cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt, là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng…
Theo cục Trồng trọt, bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ khâu canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.