‘Nông dân đô thị’ trồng gừng, riềng, nghệ trong chậu

Anh Huynh lưu ý gừng, riềng, nghệ ưa ẩm nhưng không được tưới quá nhiều nước, nên đặt ở vị trí có thời gian chiếu sáng 5-6 tiếng/ngày.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Huynh (doanh nhân) từng chia sẻ cách làm vườn, hồ sen trên sân thượng 300 m2 tại TP HCM với độc giả Ngoisao.net. Năm nay, anh trồng gừng, riềng, nghệ trong chậu và đã đạt thành công như mong muốn. Dưới đây là bài viết của anh về cách trồng, chăm sóc các loại cây gia vị trên.

Anh Huynh tận dụng khoảnh sân dưới gầm cầu thang để trồng các loại cây gia vị.

Anh Huynh tận dụng khoảnh sân dưới gầm cầu thang để trồng các loại cây gia vị.

Việc trồng các loại cây gia vị gừng, riềng, nghệ cần chuẩn bị các bước như tìm chậu, làm đất, chọn và ủ giống, cuối cùng là chăm sóc.

Chậu

Bạn nên chọn chậu nhựa hay chậu sành có kích thước cao khoảng 35-40 cm, rộng 30-35 cm.

Làm đất

Các cây gia vị trên thường ưa đất tơi xốp hoặc pha cát. Dù chọn loại đất nào, bạn cũng cần tránh đất có nấm, mốc và đất cần có đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây. Vì vậy, đất nên lấy từ đất bồi ven sông hoặc đất ruộng ngoại thành. Sau khi mang đất về cần phơi khô, bạn trộn đều với phân bò, gà đã ủ trấu.

Chọn giống và ủ trồng:

Các giống được trồng nhiều hiện nay là cây gừng trâu hay gừng dé. Với riềng và nghệ, việc chọn giống đơn giản hơn.

Trước khi trồng, cần phải ủ gừng, riềng, nghệ. Mục đích giúp cho gừng giống mọc mầm đồng đều, đó là cách trồng gừng hiệu quả. Dùng tay không tách nhánh thành từng miếng vừa độ khoảng 3 đốt tay. Thao tác nhẹ nhàng từ tốn, tách xong, nhúng qua nước ấm khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra, để ráo nước.

Tiến hành ủ gừng, trải một lớp tro trấu dày từ 10 – 20 cm, xếp gừng thành đống cao 20 – 30 cm, phủ một lớp rơm kín lên trên, tưới nước vừa đủ. Không được quá khô hay quá ướt. Nếu quá khô, gừng sẽ khó nảy mầm. Nếu quá ướt, gừng, riềng, nghệ dễ bị thối. Thời gian ủ gừng khoảng 15-20 ngày. Củ giống sau khi ủ lên mầm được đem trồng vào chậu.

Lấy đất sau khi trộn đều, cho vào 1/2 chậu nén đất vừa phải, rồi lấy 2 hom gừng giống (hom: đoạn thân cây dùng để giâm thành cành cây mới) vùi vào sâu cách mặt đất 2,5 – 3 cm. Tưới nước nhẹ nhàng 2 lần/ngày, tưới vừa đủ ẩm, tránh chôn sâu củ gừng giống sẽ bị úng nước thối củ, sau 20 ngày củ giống sẽ ra mầm. Khi cây ra nhiều lá, tưới nước mỗi ngày một lần.

Chăm sóc

Cây phát triển tốt trong chậu nhờ cách chăm sóc hợp lý, tưới vừa đủ ẩm.

Cây phát triển tốt trong chậu nhờ cách chăm sóc hợp lý, tưới vừa đủ ẩm.

Gừng, riềng, nghệ là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng nước. Do đó, cần phải cung cấp vừa đủ nước trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Khi mới trồng, mỗi ngày tưới 1 – 2 lần. Trời mưa không cần tưới để tránh cây bị thối, úng.

Cây gừng, riềng, nghệ có thể sinh trưởng tốt nơi có nhiều ánh sáng nhưng lá sẽ nhạt màu hơn. Nếu để gừng nơi không có nắng, củ sẽ nhỏ và ít, nên để cây ở nơi có thời gian chiếu sáng từ 5-6 tiếng đồng hồ để cây cho củ nhiều hơn.

Trong quá trình phát triển gừng củ có xu hướng trồi lên trên. Khi thấy củ trồi lên, bón một lớp đất hỗn hợp dày 3-4 cm. Khoảng 7 – 8 tháng gừng già, lá sẽ héo rụng đi. Lúc này ngưng tưới nước, củ gừng đủ thời gian thu hoạch sử dụng hay làm hom giống cho kỳ sau (củ gừng đã già).

Nếu muốn sử dụng củ gừng sớm hơn, bạn đợi cây phát triển được 5 – 6 tháng có thể đào lấy củ, khi đào phải nhẹ tay tránh làm đứt rễ hoặc làm trầy củ tạo ra vết thương khiến sâu bệnh dễ xâm nhập.

Trồng gừng tại nhà nên hạn chế dùng thuốc bằng cách thường xuyên nhổ sạch cỏ dại, bón thêm đất, phân trên mặt chậu kịp thời, nếu biết tưới nước đầy đủ, cây sẽ cho ra củ gừng to chất lượng.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Huynh