Nông dân Thạch Hà “đội nắng” thu hoạch dưa lưới

Những ngày này, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, nhiều hộ nông dân ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tất bật thu hoạch dưa lưới phục vụ thị trường.

Anh Hồ Sỹ Lưu (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn) phấn khởi thu hoạch dưa lưới.

Ngay từ sáng sớm, anh Hồ Sỹ Lưu (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn) bước vào nhà màng rộng 1.000 m2 quan sát, bắt đầu thu hái lứa dưa lưới đang vào độ chín. Anh Lưu phấn khởi nói: “Sau hơn 3 tháng xuống giống, gần 2.000 gốc dưa lưới giống ML38 đã trĩu quả, tỏa mùi thơm. Dưa của nhà vườn khi thu hoạch đạt 1,8 – 2 kg/quả, có quả nặng 2,3 kg, đồng đều, màu đẹp, giòn và ngọt, bảo quản được hơn 1 tháng. Vụ này, gia đình thu về trên 1,1 tấn dưa với giá bán 30 – 35 ngàn đồng/kg. Tính ra vụ này chúng tôi thu về hơn 40 triệu đồng”.

Cách đó không xa, gia đình anh Trần Văn Đàn (thôn Xuân Sơn) cũng đang huy động các thành viên trong gia đình thu hoạch dưa để đóng gói chuyển cho đơn vị thu mua. Anh Đàn chia sẻ: “Mùa dưa bắt đầu từ đầu tháng 5 và hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ nhất. Tính từ lúc trồng tới thu hoạch khoảng 55 ngày, dưa chín tự nhiên, tôi cắt tới đâu bán hết tới đó. Năm nay nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên đầu ra khá thuận lợi, hầu hết các thương lái tìm đến thu mua tại vườn”.

Vườn dưa lưới của anh Trần Văn Đàn (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn) cho năng suất cao.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Thọ (thôn Xuân Sơn), nhờ chủ động xuống giống sớm, 500 gốc dưa lưới vụ đầu tiên đã thu hoạch xong với sản lượng đạt 1 tấn. Hiện nay, anh đang xuống giống vụ thứ hai. Anh Thọ cho biết: “Ông bà ta thường nói, nắng được dưa, mưa được cà. Ngoài kia nắng hạn nhưng trong nhà màng, dưa vẫn sinh trưởng tốt. Hiện nay, gia đình đang tập trung chăm bón 700 gốc dưa lưới TL3 để xuất bán vào dịp tết Trung thu”.

Theo nhiều hộ nông dân, mặc dù chi phí đầu tư nhà lưới, màng, giống, hệ thống tưới,… ban đầu khoảng 130 triệu đồng/500 m2 nhưng có thể sử dụng từ 8 – 10 năm. Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại). Điều quan trọng, dưa cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, bán được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh.

Song song với việc thu hoạch, các hộ cũng thực hiện việc trồng “cuốn chiếu” diện tích dưa lưới mới kể kịp xuất bán cho các đơn hàng sau.

Anh Trần Hậu Nhân – Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn cho biết: “Hiện nay, HTX có 27 thành viên tham gia tổ hợp tác với diện tích 1,5 ha. Mỗi năm, người dân sản xuất hai vụ chính từ tháng 2 – 5 (âm lịch) và tháng 5 – 8 (âm lịch).

Nhờ chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật, vụ dưa này, HTX đạt sản lượng 50 tấn. Chất lượng quả đồng đều, ngon ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Ngoài hướng cho người trồng đồng nhất giống, kỹ thuật, tổ hợp tác hướng dẫn thực hiện việc trồng “cuốn chiếu” để không bị “đứt mạch” cung ứng ra thị trường.

Dưa lưới Lưu Vĩnh Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Trong những năm qua, hướng tới xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh, các thành viên của Tổ hợp tác dưa lưới ở Lưu Vĩnh Sơn đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kĩ thuật, nỗ lực xây dựng thương hiệu, nhận diện sản phẩm bằng cách dán tem, quét mã QR.

Năm 2021, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận dưa lưới Lưu Vĩnh Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là bước đột phá, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho những phát triển sau này của sản phẩm dưa lưới Lưu Vĩnh Sơn. Điều này đã tạo sự tin tưởng, phấn khởi và động lực cho bà con vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình.

Sau khi thu hoạch, các chủ vườn phải bảo quản dưa vào hộp đảm bảo tươi ngon để vận chuyển theo đơn đặt hàng.

Ông Bùi Công Thư – Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn đánh giá: Trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao với sản lượng bình quân đạt khoảng 1,5 tấn/sào/vụ, doanh thu khoảng 45 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng còn có hiệu quả về mặt xã hội nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm an toàn có giá trị; hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con nhân dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch; vận động, khuyến khích, tuyên truyền cho bà con đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết và bao tiêu sản phẩm; tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng mô hình và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/nong-dan-thach-ha-doi-nang-thu-hoach-dua-luoi/233470.htm