Nông dân Đam B’ri nuôi lươn không bùn bán Tết
Áp dụng kỹ thuật nuôi lươn trong bể xây không bùn, 2 hộ dân trên địa bàn Thôn 13, xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc) đã xuất bán hơn 6 tấn lươn đúng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thu về hàng trăm triệu đồng.
Sau 1 năm, gia đình bà Hòa thí điểm nuôi lươn không bùn, trung bình mỗi cá thể lươn đạt trọng lượng từ 0,3 – 0,4 kg
• TIÊN PHONG NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN
Trong khi người dân địa phương đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi như chim cút, nuôi dê, chim trĩ và đào ao thả cá…, thì gia đình ông Đỗ Văn Quý và gia đình người cô là bà Trần Thị Hòa lại tiên phong xây bể phát triển mô hình nuôi lươn không bùn. Hai cô cháu bà Hòa và ông Quý cùng nhau liên kết tìm về một số tỉnh miền Tây và huyện Cát Tiên tham quan, học hỏi một số mô hình nuôi lươn không bùn. Nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi có mức đầu tư vừa phải, kỹ thuật không quá phức tạp và cho lợi nhuận cao nên họ quyết định đầu tư phát triển mô hình này. Ông Quý tâm sự: “Qua tìm hiểu thị trường, tôi nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ lươn hiện nay rất lớn. Trong khi lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm và giá cả lại cao, không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều mô hình nuôi lươn nuôi cho sản phẩm không thua kém lươn tự nhiên; lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi… nên tôi quyết định rủ thêm cô ruột của mình đầu tư nuôi cho bằng được”.
Cuối năm 2021, ông Quý cùng bà Hồng đã đầu tư xây dựng hệ thống bể xi măng nền lát gạch hoa, rồi liên hệ đặt giống lươn từ miền Tây về nuôi. “Thời điểm 2 gia đình chúng tôi xây dựng hệ thống bể (mỗi gia đình 9 bể xi măng) nuôi lươn, khiến bà con địa phương bán tín, bán nghi về sự thành công. Thế nhưng, chúng tôi nghĩ mình phải tiên phong và khi thành công bà con mới tin tưởng được. Thế là tôi đặt mua từ miền Tây 20.000 con lươn giống về nuôi. Còn gia đình nhà ông Quý thì mua hơn 10.000 con lươn giống”, bà Trần Thị Hòa chia sẻ.
Lươn giống mua về nuôi chỉ bé bằng chiếc tăm, thức ăn cho chúng chủ yếu là trùn quế, cá xay nhuyễn, cám cá chẽm với hàm lượng 45% trở lên. Cứ thế, mỗi ngày, bà con cho lươn ăn 2 lần, sáng và chiều; đồng thời, bố trí giá thể phù hợp trong bể để lươn chui rúc, trú ẩn. Hàng ngày, các hộ dân chỉ bỏ ra khoảng 1 giờ đồng hồ để cho lươn ăn, thay nước và kiểm tra sức khỏe của lươn. Nước nuôi cấp vào bể hàng ngày được các hộ dân lấy từ ao lắng đã qua xử lý sát trùng và kiểm tra độ pH để lươn có thể thích nghi và phát triển tốt.
• THU HOẠCH ĐÚNG DỊP TẾT
Ông Quý và bà Hòa cho hay, nuôi lươn không bùn chỉ sử dụng giá thể, khác hoàn toàn với tập tính và môi trường sống dưới bùn đất, ưa bóng tối của lươn. Do đó, phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng phao quây lưới, rồi cho vào bể chất chồng lên nhau. Với giá thể cố định trong bể, khi cho nước vào đến đâu thì dâng đến đó. Cứ thế, để lươn chui rúc, trú ẩn. Nhờ các lớp giá thể trong bể giúp lươn ít bơi lội, gây đuối sức để sinh trưởng và phát triển tốt.
Để phòng bệnh cho lươn, 2 hộ dân thường xuyên kiểm tra độ pH trong nước; đồng thời, bổ sung kháng sinh tránh tình trạng lươn bị ghẻ thân. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra sự phát triển của đàn lươn để điều chỉnh chế độ thức ăn đủ cho lươn, tránh bị dư thừa, lãng phí. Tại các mô hình nuôi lươn không bùn của ông Quý và bà Hòa còn có hệ thống xử lý chất thải khép kín tận dụng để nuôi cá trê và sử dụng nguồn nước tưới các loại rau.
Chính việc áp dụng tốt có hiệu quả kỹ thuật nuôi lươn không bùn từ chăm sóc đến phòng bệnh, nên đàn lươn của 2 hộ dân đạt tỷ lệ sống hơn 98% và sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 1 năm thả giống, trung bình mỗi cá thể lươn đạt từ 3 – 4 lạng; thậm chí có những con đạt tới trọng lượng hơn 0,5 kg.
Nhìn đàn lươn to đẹp, vàng óng đã được thương lái đặt cọc để bán Tết, bà Trần Thị Hòa, vui mừng: “Những ngày này, cứ mỗi lần thay nước là đàn lươn lúc nhúc dày đặc, con nào con nấy mập ú nhìn là mê mẩn. Lứa lươn này của gia đình tôi đạt tổng trọng lượng khoảng 4 tấn. Hiện tại, gia đình đã xuất bán 2 bể, khoảng 1 tấn với giá 160 ngàn đồng/kg. Hơn 3 tấn lươn còn lại, hiện đã có nhiều mối đặt mua để bán Tết. Dự tính lứa lươn này sẽ mang lại cho gia đình tôi hơn 400 triệu đồng, trừ các chí phí thì lãi khoảng hơn 200 triệu đồng”.Tương tự, lứa lươn này, gia đình ông Quý đạt khoảng 2 tấn để bán Tết và mang lại cho gia đình nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Theo 2 hộ dân, sau khi xuất bán lươn, họ sẽ vệ sinh lại bể để tiếp tục thả lươn giống chuẩn bị cho vụ thu hoạch lươn Tết năm sau.
Bà Mai Thị Phượng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri, cho biết: “ Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả được bà con nông dân đầu tư bài bản theo hướng công nghệ cao, với quy mô khép kín. Riêng nuôi lươn không bùn là mô hình còn khá mới tại địa phương. Chính sự thành công từ các mô hình nuôi lươn không bùn của ông Quý và bà Hòa, chúng tôi sẽ nghiên cứu để nhân rộng cho bà con trong xã đầu tư phát triển kinh tế. Hội sẽ thành lập tổ nghề nghiệp và từng bước tiến tới thành lập tổ hợp tác nuôi lươn không bùn để bà con trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật; đồng thời, có hướng đề xuất các nguồn vốn hỗ trợ và nguồn vốn vay cho người dân trong xã xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình”.