Nỗi vất vả của giáo viên hợp đồng – BaoHaiDuong
Thầy giáo T. ở Trường Tiểu học thị trấn Gia Lộc mong một ngày nào đó sẽ được vào biên chế để tự tin bước lên bục giảng
Bấp bênh
Nỗi khổ mang tên giáo viên hợp đồng không phải ai cũng thấu. Đa số những giáo viên chúng tôi gặp đều đã làm hợp đồng hàng chục năm nay. Đồng lương ít ỏi, bấp bênh nên họ phải làm thêm đủ các nghề để trang trải cuộc sống, lo cho gia đình nhưng vẫn luôn nơm nớp vì có thể bị chấm dứt hợp đồng. Tình cảnh của họ giống “đi trên dây” vậy!
Hằng tháng họ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, ba tháng hè họ không có lương. Tiền lương được hưởng của nhiều giáo viên hợp đồng tính trên số tiết dạy hằng tháng. Lương đã thấp nhưng có giáo viên hợp đồng cứ 6 tháng mới được nhận một lần.
Cơn mưa đầu đông khiến câu chuyện giữa chúng tôi với thầy giáo T. – giáo viên hợp đồng của Trường Tiểu học thị trấn Gia Lộc thêm buồn. Thầy giáo 37 tuổi này gắn bó với nghề đã được 12 năm. Thầy cho biết ngoài giờ lên lớp anh tranh thủ làm thêm việc sửa máy vi tính. Đặc biệt, 3 tháng hè không lương anh làm đủ thứ như phụ hồ, làm đá, thợ xây… Cứ công việc gì chân chính mà kiếm được tiền là anh làm.
Trước năm 2021, vợ chồng anh có 1 mẫu ao nuôi cá nhưng do dịch bệnh, vốn đầu tư ít và chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên thất bại. Thiệt hại đáng kể về kinh tế trong khi còn nợ ngân hàng vì vậy anh T. quyết định để vợ đi làm công nhân.
“Lương của tôi ba cọc ba đồng, vợ tôi làm công nhân thu nhập cũng thấp. Hai con, một cháu học lớp 5, một cháu lớp 7 nên chi phí sinh hoạt khá tốn kém”, thầy T. nói.
Cô giáo N.T.H. – giáo viên hợp đồng tại một trường THCS ở TP Hải Dương có thâm niên 10 năm giảng dạy. Hoàn cảnh của cô H. cũng khá khó khăn. Chồng làm công nhân xa quê, một mình chị nuôi hai con nhỏ. Chi phí nuôi con ăn học, thuê nhà, sinh hoạt trên thành phố cũng mất gần chục triệu đồng mỗi tháng. Lương làm không đủ chi tiêu nên gia đình chị cứ “giật gấu vá vai”. Hai bên bố mẹ cũng khó khăn không hỗ trợ được nhiều.
Chị H. cho biết, tiền lương của chị tính trên số tiết thực tế dạy trong tháng. Mỗi tháng bình quân 76 tiết, 55.000 đồng/tiết, thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng, trừ tiền đóng bảo hiểm, chị còn nhận về chưa đầy 3 triệu đồng, thấp hơn cả lương công nhân.
Ngoài tiền chồng gửi về hằng tháng, chị H. làm thêm để có chi phí trang trải cuộc sống. Thời gian rảnh, chị bán hàng trên mạng nhưng chưa có kinh nghiệm, không có duyên bán hàng nên cũng không được như ý.
Trên đây chỉ là câu chuyện của hai trong số nhiều giáo viên hợp đồng khác trong tỉnh cùng chung hoàn cảnh. Cuộc sống vốn đã khó khăn nhưng họ còn bị đè nén tâm lý và ám ảnh bởi cụm từ giáo viên hợp đồng suốt bao năm.
Vẫn yêu nghề
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều giáo viên hợp đồng buồn rầu vì vừa qua có đợt thi tuyển vào biên chế nhưng vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định mới nên họ không đủ điều kiện dự thi. Nhiều lúc nghĩ nản, muốn cắt “duyên nợ” nhưng vì quá yêu nghề nên lại không đành. Họ đều có một ước muốn là một ngày nào đó sẽ thoát khỏi “thân phận” giáo viên hợp đồng để tự tin bước lên bục giảng.
Cơm áo, gạo tiền mệt mỏi. Nhiều lúc hai vợ chồng chị H. định cho con về quê để chị đi làm công nhân. Thậm chí đã có lúc chị H. muốn bỏ nghề đi lao động nước ngoài. “Nghĩ mình ngày xưa học hành thuộc tốp đầu ở xã, bao công lao bố mẹ cho ăn học. Hơn nữa mình đã gắn bó khá lâu và rất yêu nghề nên không đủ dũng khí để từ bỏ”, chị H. nói.
Theo tìm hiểu ở nhiều địa phương, số lượng giáo viên hợp đồng còn khá nhiều. Tại Ninh Giang, cấp mầm non, tiểu học, THCS có khoảng 100 giáo viên hợp đồng. Huyện Kim Thành có khoảng 60 giáo viên hợp đồng… Đa số giáo viên hợp đồng dạy môn tin học, ngoại ngữ.
Thấu hiểu khó khăn và tâm lý của đồng nghiệp, nhiều lãnh đạo trường học đều quan tâm, chia sẻ “tiếp lửa” giúp họ gắn bó với nghề.
Trường Tiểu học thị trấn Gia Lộc hiện có 5 giáo viên hợp đồng. Người hợp đồng ít nhất được 2 năm, lâu nhất 12 năm. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Đại diện lãnh đạo nhà trường khẳng định tập thể nhà trường, công đoàn luôn quan tâm, chia sẻ với giáo viên hợp đồng để kịp thời hỗ trợ, động viên. Không có sự phân biệt giáo viên hợp đồng hay biên chế. Giáo viên hợp đồng chỉ thiệt thòi về lương và bảo hiểm, các chế độ còn lại đều giống như giáo viên biên chế. Trường cũng tạo điều kiện tạm ứng lương trước cho giáo viên hợp đồng dù chưa đến ngày lấy lương…
Hiện nhiều trường thiếu giáo viên nên lãnh đạo trường cũng tham gia giảng dạy hoặc phải hợp đồng cả giáo viên đã về hưu. Một số lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cho rằng để giáo viên hợp đồng yên tâm, gắn bó với nghề thì các cấp, ngành cần nghiên cứu, xem xét có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp. Có thể tăng tiền tiết dạy, hỗ trợ đóng bảo hiểm…
Tính đến hết tháng 3.2021, toàn tỉnh có khoảng 1.480 giáo viên hợp đồng. Kỳ tuyển dụng giáo viên, nhân viên kế toán các cơ sở giáo dục công lập năm 2021 có tổng 2.406 thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển, 1.955 thí sinh đủ điều kiện dự thi vòng 2. Trong số những người không đủ điều kiện dự tuyển vòng 2 có hàng trăm trường hợp bị loại vì không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc có nhưng không phù hợp với cấp học dự tuyển.
THẾ ANH