Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Xuân Trường – Báo Nam Định điện tử
Trong không khí sôi nổi hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi tìm về Đền – Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản kiên trung như: Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Kỷ, Bùi Gia Sơ, Trần Gia Lũy, Nguyễn Trường Thúy… Nhiều năm qua, di tích lịch sử văn hóa Đền – Chùa Tự Lạc đã trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Di tích lịch sử Đền chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường.
Trò chuyện với các cán bộ lão thành của xã, chúng tôi càng thêm cảm phục sự hy sinh to lớn và ý chí kiên cường đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của người dân nơi đây. Theo lịch sử Đảng bộ xã Thọ Nghiệp ghi chép lại, Đền – Chùa Tự Lạc được xây dựng từ năm 1843, là di tích gắn liền với sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của 3 huyện phía nam tỉnh gồm: Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Tự Lạc được thành lập và lấy Chùa Tự Lạc làm nơi sinh hoạt. Ngày 19-6-1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Định, Tỉnh ủy lâm thời lúc đó do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương thành lập các tổ chức Cộng sản dựa trên tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cũng thời điểm này, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại Chùa Tự Lạc đã bám sát chủ trương của Tỉnh ủy và tuyển chọn hội viên chuyển sang tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng gồm 3 đồng chí: Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Trường Thúy và Phạm Ry (thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được kết nạp đầu năm 1929) do đồng chí Nguyễn Trường Thúy làm Bí thư. Ngày 3-2-1930, sau khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Tự Lạc, các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Chùa Tự Lạc trở thành trung tâm hoạt động của Đảng trên địa bàn các huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Các đồng chí: Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo, Đinh Thị Vân, Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ)… thường xuyên tới Chùa Tự Lạc để chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương. Tối 20-8-1945, tại Chùa Tự Lạc, các đồng chí: Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Kỷ (ở Tự Lạc), Bùi Gia Sơ, Trần Gia Lũy, Bùi Đắc Biên (ở Lạc Nghiệp), Phạm Cương (ở Hà Cát), Tô Quang Giáp (ở Hoành Nhị), Vũ Quý Huỳnh (ở Ngô Đồng), Đinh Thúc Dự (ở Đông An), Lê Thành (ở Hội Khê), Hoàng Thọ Tiễu (ở Xuân Bảng), Vũ Xứng, Vũ Đức Phương (ở Hoành Nha) đã họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Xuân Trường, Giao Thủy. Suốt đêm 20-8-1945, tổ Việt Minh ở Tự Lạc và Lạc Nghiệp phân công nhau may cờ đỏ sao vàng, chuẩn bị vũ khí, huy động lực lượng quần chúng để ngày hôm sau đứng lên giành chính quyền. Ngày 21-8-1945, trước khi đoàn khởi nghĩa xuất phát đã tổ chức lễ thượng cờ tại sân chùa với 51 đồng chí, rồi chia thành hai mũi đi cướp chính quyền tại Xuân Trường và Lạc Quần, sau đó hợp quân xuống chiếm đồn địch tại huyện Giao Thủy. Chính quyền ở hai huyện đã hoàn toàn về tay nhân dân. Ghi nhận những thành tích của cán bộ, đảng viên, nhân dân, xã Thọ Nghiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Nông thôn mới xã Thọ Nghiệp hôm nay.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Thọ Nghiệp đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đa dạng hóa ngành nghề. Xã đã xây dựng 1 vùng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tập trung trồng cây lâu năm, hiện đang trồng cây ăn quả và các loại cây đảm bảo hiệu quả, bền vững và có kế hoạch mở rộng vùng chuyển đổi diện tích 11ha. Ngoài ra, xã cũng có diện tích 36,6ha sản xuất lúa giống Bắc thơm số 7, áp dụng có hiệu quả việc sản xuất theo phương pháp đồng giống, đồng trà, đồng thời vụ gieo cấy, thời gian thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như làm đất, gieo cấy bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch… Việc tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật thâm canh của Ban nông nghiệp xã, hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn đã có diện tích lúa đạt năng suất, sản lượng cao, sản lượng ước đạt 450 tấn/năm. Sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Xuân Trường liên kết với các hộ nông dân thông qua hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong xã đứng ra làm cầu nối và là người đại diện cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ lúa chất lượng cao trong mô hình với giá cao hơn thị trường tại thời điểm thu mua là 10%. Trong xây dựng nông thôn mới, Thọ Nghiệp là xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện, về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020. Xã đã tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước kết hợp với đóng góp của nhân dân xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của trường học từ mầm non đến THCS được xây dựng khang trang, kiên cố, cả 3 cấp học đều đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn. Trạm y tế xã được xây dựng theo tiêu chí chuẩn quốc gia với nhiều phòng khám, chữa bệnh. Hệ thống đường giao thông trục chính nối liền trung tâm xã đến các thôn, xóm được “cứng hóa”. Đến nay đường trục xã, đường trục thôn, đường dong của tất cả 13 xóm trên địa bàn xã đã được trải nhựa và bê tông hóa và cơ bản được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên tất cả các tuyến đường. Nghĩa trang liệt sĩ xã được nâng cấp; khu chứa rác thải sinh hoạt được xây dựng. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,7%, tỷ lệ gia đình văn hóa 3 năm liên tục đạt 93,80%, 100% số xóm đạt danh hiệu văn hóa, 56% số xóm đạt danh hiệu văn hóa 5 năm liên tục, 7/13 xóm được UBND huyện công nhận xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Lịch sử vẻ vang của mảnh đất Thọ Nghiệp – “địa chỉ đỏ cách mạng” luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân xã trân trọng và kế thừa. Từ truyền thống hào hùng của thế hệ cha ông tạo động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh