Nội soi gắp xương cho bé bị hóc xương cá đâm xuyên amidan
Đang ăn cháo, bé Bảo Khang bỗng khóc thét, nôn ói, được đưa vào Bệnh viện Tâm Anh phát hiện xương cá cắm sâu vào đáy amidan.
Bé Nguyễn Trần Bảo Khang (một tuổi, ngụ Quận 11) khám tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng nôn ói, khóc nhiều, tinh thần hoảng loạn. Khai thác thông tin từ người nhà và tiến hành nội soi, bác sĩ phát hiện dị vật, nghi xương cá cắm sâu vào đáy amidan.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết, bác sĩ nội soi qua đường miệng thấy một mảnh xương cá dài cắm sâu vào vùng đáy amidan(1) trái của bé. Bác sĩ tiến hành gắp xương qua nội soi, không gây mê ngay tại phòng khám.
Phụ huynh được bác sĩ hướng dẫn giữ bé ở tư thế ngồi yên trong khi thủ thuật diễn ra. Bác sĩ dùng kềm gắp nhỏ, khéo léo đưa vào họng bé qua đường nội soi và nhẹ nhàng lấy mảnh xương cá dài khoảng 4 cm ra khỏi họng bé. Bé hết đau, ngừng khóc, có thể ăn uống bình thường và được về nhà ngay sau thủ thuật.
Bác sĩ Hằng chia sẻ: “Thủ thuật này không khó, nhưng cần sự khéo léo của bác sĩ để việc lấy xương diễn ra nhanh chóng, dứt khoát. Điều này tránh cho bé bị đau lâu và hoảng loạn khi dụng cụ gắp xương đưa vào họng. Ngoài ra, sự hợp tác của phụ huynh khi giữ con, vỗ về, trấn an tinh thần cho bé cũng rất quan trọng. Bởi vì nếu bé hoảng loạn, giãy giụa, bác sĩ sẽ rất khó thao tác và nguy cơ làm gãy xương cá khi chưa lấy được xương ra khỏi họng của bé có thể xảy ra. Việc lấy đầu xương bị gãy cắm sâu trong họng sẽ khó khăn hơn và bác sĩ phải làm thêm một thủ thuật nữa. Thời gian thực hiện kéo dài khiến trẻ khó chịu nhiều hơn”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh – mẹ bé chia sẻ, như thường lệ, buổi sáng chị cho con ăn dặm. Mỗi tuần 2 bữa cháo cá lóc, được tách xương, xé nhỏ thịt cẩn thận và nấu với rau thái nhỏ. Các lần trước con ăn rất ngon lành, nhưng sáng nay không hiểu sao, sau vài miếng bỗng con khóc thét, bỏ ăn, nôn ói, dỗ thế nào cũng không nín.
Theo bác sĩ Hằng, bé được đưa đến bệnh viện kịp thời nên cổ họng chưa bị tổn thương nhiều. Tuy nhiên, nếu gia đình chủ quan không cho bé đi bệnh viện sớm, chiếc xương cá cắm sâu vào hầu họng có thể dẫn đến viêm mủ, loét và xuất huyết tại vị trí tổn thương. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn, ngủ, khiến sức khỏe của bé suy giảm.
Hóc dị vật như xương cá là tình trạng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi do kỹ năng nhai nuốt của bé chưa hoàn thiện và chưa tự nhặt hoặc nhằn xương. Trường hợp hóc xương nghiêm trọng gây đau đớn, có thể dẫn đến xuất huyết hoặc tắc đường thở, đe dọa tính mạng, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi.
Bác sĩ Thúy Hằng cho biết, tại bệnh viện Tâm Anh hàng ngày có nhiều khách thăm khám do nghi ngờ hóc xương hoặc hóc xương thật sự, trong đó trẻ em chiếm 90-95%. Những trường hợp nhẹ, bác sĩ Tai Mũi Họng có thể lấy xương cá bằng thủ thuật nội soi không gây mê, gây tê ngay tại phòng khám. Với trường hợp hóc xương ở vị trí sâu hoặc do trẻ em không hợp tác cần phải nhập viện để nội soi gắp xương dưới gây mê. Nếu phát hiện muộn khi đã hình thành ổ áp-xe ở vùng cổ, gây biến chứng nặng, việc lấy dị vật và điều trị các biến chứng khá phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Để phòng ngừa nguy cơ hóc xương cá ở trẻ, bác sĩ Hằng khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ ăn những loại cá lớn thịt nhiều, xương ít, hoặc loại cá có xương lớn dễ bóc như cá phi lê lóc thịt sẵn. Mặc dù cá đã được nhặt xương nhưng ba mẹ vẫn nên kiểm tra lại một lần nữa trước khi cho trẻ ăn. Với trẻ lớn, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ cách ăn uống chậm rãi, từ tốn phòng hóc xương và xử trí khi hóc xương. Với trẻ nhỏ, ba mẹ tuyệt đối không để trẻ tự ăn cơm với cá khi cá chưa được nhặt hết xương.
Nguyên Phương