Nói lời yêu thương sao khó vậy!
Trên mạng xã hội, thi thoảng lại xuất hiện một câu chuyện hài hước có thật, đấy là những tấm ảnh chụp tin nhắn trên màn hình, thí nghiệm của mấy cô cậu học trò tinh nghịch nhắn tin cho bố mẹ: “Bố ơi, con nhớ bố lắm” – “Cần bao nhiêu tiền? Tháng vừa rồi bố đã cho con đến 2 triệu tiền tiêu vặt rồi đấy”. “Mẹ ơi, con rất yêu mẹ” – “Thôi chết, có chuyện gì thế? Có sao không con?”. Còn có cô vợ nhắn tin cho chồng “Em yêu anh!” thì nhận được tin phản hồi “Muốn gì nữa đây? Tiền lương tháng anh đã giao đủ rồi”, nhiều nhất là “Em nhắn cho thằng nào đấy?”.
Không quen bày tỏ sự âu yếm
Một cô bạn tôi kể lại rằng cuộc hôn nhân của cô chấm dứt chỉ vì rất nhiều những hạt sạn nhỏ cộng lại, khiến bát cơm tình yêu bỗng ngày một trở nên đắng ngắt. Ấy là 20 năm trước, chồng cô đi làm xa nhà vài chục cây số, mỗi tuần chỉ được về có một lần. Ở nhà buồn, cô vẫn viết thư tay cho chồng rồi nhờ xe đò chuyển lên. Nhưng mỗi dịp cuối tuần chẳng thấy chồng nhắc nhở gì đến những bức thư, cực chẳng đã cô đành hỏi xem anh có nhận được chúng không, chồng cô thản nhiên: “Em rỗi việc quá đấy! Ở nhà không có gì làm hay sao mà thư với từ”.
Đa phần trong chúng ta không có hoặc “quên” thói quen bày tỏ sự âu yếm và những lời nói ngọt ngào giữa vợ với chồng, giữa bố mẹ và con cái, đặc biệt là trước chốn đông người hay khi có sự xuất hiện của người khác.
Xem phim Tây, thấy vợ chồng con cái trước khi đi làm, đi học, thậm chí đi ngủ cũng phải chào nhau, thơm/hôn thắm thiết. Khi gọi điện cho nhau là không khi nào quên nói “I love you”. Có bận, nghe thấy cô bạn thân của tôi gọi điện cho ai đó cứ vâng vâng, dạ dạ rồi “Vâng ạ, em cảm ơn anh nhé”, đếm đến lần cảm ơn thứ bảy, tôi sốt ruột suýt nữa cắt ngang để hỏi một cách đầy nghi ngờ “Ai đấy?”. Nhưng rồi toàn bộ nội dung còn lại của câu chuyện khiến tôi cũng đoán được người ở đầu dây bên kia chính là chồng của nàng. Tôi nhăn mặt nhìn nàng lạ lùng: “Dở hơi đấy à? Gọi điện cho chồng mà cứ như chàng nào mới quen ba ngày ấy”. Từ thuở bé đến giờ, tôi chưa từng nghe thấy vợ phải cảm ơn chồng rối rít về việc rút hộ quần áo trên dây phơi bao giờ. Nàng ngạc nhiên bảo ngày nào nàng cũng nói chuyện với chồng đã cưới được 15 năm như thế. Bạn tôi sống ở châu Âu từ năm 19 tuổi, hơn chục năm sau mới về nước. Tôi nghĩ có lẽ nàng bị Tây hóa.
Minh họa: Hoàng Đặng
Thay đổi thói quen
Việc bày tỏ cảm xúc tích cực là phản xạ tự nhiên đối với người phương Tây, đến bạn bè thân sơ khi gặp gỡ còn hôn nhau lên má. Và họ không ngại chia sẻ những lời thương yêu hằng ngày. Những điều đó không chứng tỏ họ yêu nhau hơn chúng ta yêu nhau nhưng rõ ràng họ có phương tiện nặng ký hơn để sẻ chia tình cảm. Còn đa phần người Việt nói riêng, châu Á nói chung, vốn có văn hóa ngại ngùng khi tỏ bày cảm xúc tích cực (trong khi cảm xúc tiêu cực thì lại rất dễ bộc lộ ra ngoài), thậm chí cảm thấy xấu hổ khi phải “nói năng hoa mỹ” hay ứng xử thân mật. Trong cuốn “Cây xanh bắt nguồn từ mầm nhỏ” của Trần Hùng John, một người Mỹ gốc Việt, tác giả kể lại câu chuyện mỗi lần đến thăm bà ngoại ở quê nhà, anh đều hôn lên trán bà nhưng bà toàn giật nảy mình và theo phản xạ, hơi tránh ra một chút. Lần nào anh nói “I love you”, bà cũng ngượng nghịu. Anh hiểu, vì cả cuộc đời bà gần thế kỷ chưa bắt gặp hành động ấy bao giờ nhưng Hùng John cứ kiên nhẫn, mỗi ngày đều hôn lên trán bà và nói “I love you”, lâu dần bà quen, coi đó là việc tự nhiên không còn mắc cỡ nữa và kết quả là cũng đáp lại cậu cháu ngoại “I love you”.
Trong gia đình chẳng thấy ai bày tỏ tình cảm với nhau, xem ra nhà hàng xóm cũng vậy, xã hội đều như vậy, nên cái việc ôm hôn thắm thiết bỗng trở thành thứ sao sao, kỳ kỳ, là lạ. Rồi thì những lời “Mẹ ơi, con yêu mẹ”, “Con nhớ ba lắm” hay “Anh yêu em”, “Em nhớ anh”… sẽ hóa thành xa xỉ.
Cái trào lưu thí nghiệm gửi tin nhắn “Em yêu anh” cho chồng có lẽ đã khiến những người phụ nữ tham gia vừa “buồn” vừa “cười”. Nhưng thay đổi cả một thói quen sống, một văn hóa sống là chuyện không hề đơn giản chút nào. Nên nếu chị em muốn được chồng đối xử với mình như mong ước có lẽ cũng cần phải kiên nhẫn, phải tiên phong để “làm gương” cho chồng, như cách mà Trần Hùng John đã làm với bà ngoại của anh vậy. Thậm chí còn phải chuẩn bị tinh thần rằng ông xã sẽ giật nảy mình kinh ngạc mỗi khi thấy vợ bày tỏ cảm xúc trực tiếp hoặc qua tin nhắn. Cho đến chừng nào ông xã vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” và phải thốt ra lời “I love you” như hồi mới yêu thì thôi.
Gốc rễ của sự ngại ngùng này có lẽ do truyền thống lâu đời trong gia đình tại nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, khi người chồng, người cha luôn đóng vai trò “trụ cột”. Đối với cha mẹ mình, đứa trẻ chỉ có thể nhận thấy một cảm giác hòa lẫn giữa sợ hãi, giữ ý, tôn trọng. Thay vì nghe theo mệnh lệnh tự nhiên của con tim, cảm xúc này sẽ bị áp đặt bởi truyền thống, bởi lý lẽ, nó sẽ không còn là sự trìu mến tự nhiên lẽ ra phải được tự do phát triển mà là một nghĩa vụ bức thiết và tất yếu.