Nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới
STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng.
Với tầm quan trọng đó, các chuyên gia Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể khẳng định: Giáo dục STEM cần được quan tâm thích đáng trong quá trình xây dựng CT GDPT mới.
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Giáo dục STEM trong chương trình GDPT mới”, do Ban Quản lý dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) tổ chức tại Hà Nội ngày 25/7.
Chú trọng giáo dục STEM
Theo PGS TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển CT GDPT Tổng thể, Chủ biên CT môn Công nghệ nhận định: Việc khuyến khích, thúc đẩy giáo dục STEM tại mỗi quốc gia đều hướng tới mục đích phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Theo ông Hoàng, ở cấp độ CT GDPT, giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Trong dự thảo CT GDPT Tổng thể, giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện: CT GDPT mới có đầy đủ các môn học STEM.
Đó là các môn Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học. Vị trí, vai trò của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ trong CT GDPT mới đã được nâng cao rõ rệt. Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của GDPT trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó cũng có các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở); Định hướng đổi mới phương pháp giáo dục nêu trong CT GDPT Tổng thể phù hợp với giáo dục STEM ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời cũng có các chuyên đề dạy học về giáo dục STEM ở lớp 11, 12; các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu STEM.
Tính mở của chương trình cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường; qua những chương trình, hoạt động STEM được triển khai, tổ chức thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục…
Phát huy điểm mạnh của giáo dục STEM
Cùng trao đổi về vấn đề này, GS TSKH Đỗ Đức Thái, thành viên Ban Phát triển CT GDPT Tổng thể, Chủ biên CT môn Toán lưu ý: Chúng ta cần phải khai thác những điểm mạnh của Giáo dục STEM trong dạy học ở nhà trường phổ thông, trong đó có tính đến hoàn cảnh thực tế của đất nước về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; năng lực, điều kiện sống và làm việc của giáo viên; cơ sở vật chất của các nhà trường…
Những điểm mạnh của giáo dục STEM có thể kể đến: Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng.
Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao với những công việc đòi hỏi trí óc của thế kỷ 21.
Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong CT GDPT mới. Vì thế, tư tưởng này của giáo dục STEM cần được khai thác và đưa vào mạnh mẽ trong CT GDPT mới.
Giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học.
Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Tư tưởng này cũng cần được khai thác, đưa vào mạnh mẽ trong CT GDPT mới.
Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.
Sự thẩm thấu kiến thức theo cách như vậy chính là một trong những định hướng mà giáo dục cần tiếp cận…
Tuy nhiên, theo ông Thái, để thực hiện được theo mục đích giáo dục trên trong điều kiện hiện nay không đơn giản. Việc cần làm là xem xét các yếu tố: Đã chuẩn bị các văn bản cần thiết chỉ đạo triển khai giáo dục STEM? Cán bộ quản lí, các nhà trường phổ thông có thực sự quan tâm đến giáo dục STEM hay không? Bởi nếu không thì có thể viện dẫn rất nhiều lí do để không áp dụng.
“Vấn đề tích hợp và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn là những vấn đề khó đối với giáo viên hiện nay. Tuy được nhấn mạnh nhiều trong những năm qua, nhưng thực tế diễn ra ở nhà trường thì chưa được như mong muốn.
Có thể nói giáo dục STEM mới chỉ thực hiện được tại một số nhà trường phổ thông dưới hình thức thu hút một số học sinh tham gia dự thi đề tài, điển hình là kì thi Intel ISEP được tổ chức hàng năm…
Kiểm tra đánh giá và thi cử cần tương thích với những tư tưởng cơ bản của giáo dục STEM. Tuy nhiên nếp nghĩ “thi gì học nấy” là một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông…”- ông Thái nói.