Nơi cư trú là gì? Nơi cư trú của cá nhân

Ở nước ta, tình trạng phân bố dân cư còn chưa đồng đều ở các vùng, các khu vực khác nhau. Hầu hết, mọi người đều có xu hướng chọn chỗ ở phù hợp với nhu cầu bản thân nhằm sinh sống ổn định để phục vụ cho công việc, học tập cũng như phát triển cá nhân. Tuy nhiên, không nhiều người nắm rõ về định nghĩa, thủ tục về cư trú. Đa phần mọi tập trung sinh sống theo gia đình, họ hàng, theo xu hướng phát triển kinh tế hoặc chỉ đơn giản là theo số đông. Vì vậy, bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ phân tích chi tiết về nơi cư trú là gì? Nơi cư trú của cá nhân.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật cư trú năm 2020.

1. Khái niệm nơi cư trú:

Căn cứ theo quy định tại điều 2 Luật Cư trú 2020 thì có thể hiểu: Nơi cư trú là nơi mà công dân lựa chọn sinh sống và nơi đó thuộc đơn vị hành chính cấp xã, nếu trong trường hợp nơi mà công dân sinh sống không có đơn vị hành chính cấp xã thì nơi sinh sống của công dân sẽ thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc làm các thủ tục, để thống nhất chung tên gọi nhằm tránh hiểu lầm sai sót không đáng có thì gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã.

Như vậy, công dân có quyền tự lựa chọn cho mình nơi sinh sống để phù hợp với từng nhu cầu của bản thân trong từng giai đoạn nhất định. Chẳng hạn như để phát triển kinh tế công dân có quyền đến những thành phố lớn, có nhiều cơ hội việc làm hay công dân cũng có thể đến những nơi có các điều kiện về tài nguyên, khí hậu để phát triển nông nghiệp,…Chung quy lại, nơi cư trú là sự lựa chọn của mỗi công dân, công dân chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú nếu vi phạm các tội nhất định về hình sự. Bên cạnh đó, việc cư trú sẽ chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Nhà nước tại nơi công dân chọn sinh sống.

2. Nơi cư trú của cá nhân:

2.1. Khái niệm về nơi cư trú của cá nhân:

Nếu như định nghĩa nơi cư trú chỉ nêu khái niệm chung là nơi sinh sống của công dân thì nơi cư trú của cá nhân đã cụ thể hóa thông qua việc phân thành các loại cư trú. Cụ thể quy định tại điều 11 của Luật cư trú 2020.

Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống trong đó bao gồm nơi cá nhân thường trú và nơi cá nhân tạm trú. Dù sinh sống thường trú hay tạm trú tại một đơn vị hành chính nào đó thì cá nhân cũng phải thực hiện việc đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phức tạp khác dẫn đến việc không xác định được nơi thường trú hay nơi tạm trú thì nơi mà cá nhân đó đang sinh sống hiện tại là nơi cư trú của cá nhân đó.

Trong đó, tại điều 2 của Luật cư trú 2020 cũng đã quy định rõ ràng về nơi thường trú là nơi cá nhân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú, còn nơi tạm trú là nơi cá nhân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Ví dụ, bạn Nguyễn Văn A từ khi sinh ra đã sống chung với gia đình tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cho đến năm 18 tuổi bạn A theo học đại học tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Như vậy, theo khái niệm trong trường hợp này thành phố Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam là nơi thường trú của A và quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là nơi tạm trú của A.

2.2. Cách xác định nơi cư trú của cá nhân:

Từ những quy định rõ ràng, phân loại cụ thể về nơi cư trú của cá nhân theo quy định pháp luật mà việc xác định nơi cư trú của cá nhân trở nên dễ dàng hơn. Nói cách khác, việc xác định nơi cư trú của cá nhân dựa trên khái niệm về nơi cư trú của cá nhân.

Thứ nhất, xác định theo nơi thường trú hoặc tạm trú

Về nơi thường trú, mỗi cá nhân chỉ được thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và và là nơi sinh sống ổn định, lâu dài. Trong đó theo Luật Cư trú 2020 thì chỗ ở hợp pháp được hiểu là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật. Cá nhân đó phải thực hiện đăng ký thường trú tại địa phương đó.

Bên cạnh đó, có thể xác định nơi cư trú của cá nhân dựa trên nơi tạm trú của cá nhân. Lúc này, cá nhân không có mặt tại nơi thường trú mà đang tạm trú ở một địa phương khác để học tập, làm việc,…Đương nhiên, cá nhân này cũng phải thực hiện đăng ký tạm trú để có thể tạm trú và dễ dàng trong việc xác định nơi cư trú.

Lưu ý, cá nhân chỉ được đăng ký thường trú, tạm trú vào một thời điểm nhất định, không thể cùng một thời điểm mà cá nhân lại có 2 nơi thường trú hoặc 2 nơi tạm trú trở lên.

Thứ hai, xác định theo nơi đang sinh sống thực tế

Trong trường hợp, cá nhân vừa không có nơi thường trú, vừa không có nơi tạm trú do nhiều lý do khác nhau chưa thể đăng ký thường trú, tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi người đó đang sinh sống. Bên cạnh đó, để dễ dàng trong việc xác định nơi cư trú thì cá nhân đó phải đăng ký thông tin với cơ quan đăng ký thường trú.

Thứ ba, xác định theo chủ thể

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nơi cư trú của cá nhân còn xác định theo chủ thể, bởi vì có một số đối tượng có những nơi cư trú phụ thuộc theo độ tuổi, tính chất đặc thù của công việc. Chẳng hạn như một số chủ thể quy định tại Luật Cư trú 2020 sau đây:

Tại điều 12 Luật này, người chưa thành niên, nơi cư trú được xác định theo nơi cư trú của cha, mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp nơi cư trú của cha, mẹ khác nhau thì nơi cư trú của con chưa thành niên sẽ là nơi mà con chưa thành niên thường chung sống với cha hoặc mẹ.

Trong trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống với cha, mẹ thì cha, mẹ thỏa thuận để xác định nơi cư trú của con chưa thành niên, nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định.

Ngoài ra, nếu được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc theo quy định của pháp luật thì người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với cha, mẹ.

Tại điều 15, đối với người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang như các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường Quân đội nhân dân thì nơi cư trú là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng có nơi cư trú khác theo quy định của Luật này.

Hoặc sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thì nơi cư trú là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an có nơi cư trú khác theo quy định của Luật này.

Còn tại điều 16, cá nhân là người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển thì nơi cư trú của cá nhân đó được xác định theo nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật này. Nếu rơi vào trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ.

Ngoài ra còn một số trường hợp nơi cư trú của các chủ thể như người được giám hộ; người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp cũng được quy định tại Luật cư trú 2020.

3. Quyền cư trú của cá nhân:

Tuân thủ theo quyền tự do của con người được nêu trong Hiến pháp 2013, khi ban hành Luật cư trú 2020 các nhà làm luật đã bảo đảm những quyền lợi, lợi ích cho các cá nhân trong việc cư trú. Căn cứ tại điều 8 của Luật Cư trú 2020 có thể rút ra các quyền sau đây:

Một trong những lợi ích đầu tiên phải nói đến là sự tự do về nơi cư trú, cá nhân được lựa chọn, quyết định nơi cư trú của cho mình, được đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật cư trú 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về mặt thông tin cá nhân, cá nhân cư trú được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cá nhân đó còn được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, cá nhân còn được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.

Ngoài việc bảo vệ thông tin, cá nhân còn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú khi xảy ra các tranh chấp và khi xảy ra các tranh chấp thì cá nhân đó có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

4. Phân biệt thường trú và tạm trú:

Thực trạng hiện nay, vẫn còn một bộ phần lớn người dân vẫn chưa hiểu được thường trú và tạm trú, dưới đây là tóm tắt cơ bản để về cách phân biệt thường trú và tạm trú:

Tiêu chí

Nội dung

Thường trú

Tạm trú

Giống nhau

Nơi đăng ký cư trú

– Công an xã, phường, thị trấn;

– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã

Mức phạt khi vi phạm việc đăng ký

100.000 – 300.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

Khác nhau

Khái niệm

Là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú

Là nơi công dân sinh sống từ 30 ngày trở lên ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú

Căn cứ pháp lý

Khoản 8 điều 2 Luật Cư trú 2020

Khoản 9 điều 2 Luật Cư trú 2020

Bản chất

Sinh sống thường xuyên, lâu dài chủ yếu tại nơi ở thuộc sở hữu của bản thân, gia đình hoặc thuê, mượn, ở nhờ

Sinh sống thường xuyên nhưng có thời hạn nhất định chủ yếu là nhà thuê, mượn

Thời hạn cư trú

Không có thời hạn

Có thời hạn, tối đa 02 năm và được gia hạn nhiều lần

Thời hạn thực hiện

Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và đủ điều kiện đăng ký thường trú

Sinh sống trên 30 ngày phải đăng ký

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến nơi cư trú là gì và nơi cư trú của cá nhân. Luật Dương Gia hi vọng bài viết này đã giúp ích cũng như giải đáp những thắc mắc mà bạn đang gặp phải. Nếu trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan