Nỗi buồn giấy khen tiểu học
Kết thúc năm học lớp 1, con tôi không hề có một tấm giấy khen nào chỉ vì không được xếp loại học sinh giỏi hay xuất sắc.
Có lẽ hôm nay là một ngày kết thúc năm học lớp 1 khá buồn với con trai tôi. Mặc dù vẫn có những trò vui của buổi lễ kết thúc nhưng điều con không bao giờ có thể cảm nhận được rằng, mình không hề có một tấm giấy khen nào trong suốt cả một năm học qua. Nỗi buồn này của con không chỉ có mình con mà nửa học sinh trong lớp và tương đương một lượng lớn cha mẹ đều có cảm giác tương tự. Chúng tôi hiểu không thể bệnh thành tích xảy ra trong giáo dục nhưng tại sao lại có thể vùi lấp những động lực cố gắng của con trẻ?
Thông tư 27 ban hành xuống, chỉ các cháu giỏi, xuất sắc mới được nhận giấy khen, còn lại không bạn nào được nhận. Sau nụ cười hồn nhiên của con trẻ, chắc chắn các con đều có sự so sánh rằng “tại sao bạn có mà con không có?”. Trước đây, học sinh tiên tiến cũng được nhận giấy khen, vậy mà giờ đây, đi học cả một năm trời, áp lực đủ thứ, nhưng đến một tờ giấy khen cũng không có. Liệu có phải là cách hay để khích lệ các con trong học tập?
Thực ra, một tờ giấy khen như: “Con có cố gắng trong học tập, con hoàn thành tốt trong môn học” không chỉ bao gồm nội hàm riêng của nó. Nó là sự khích lệ một đứa trẻ mà một năm qua chúng ít nhiều đã bỏ tâm tư, sự cố gắng vào đó. Có thể con không xuất sắc như nhiều bạn nhưng đó là một lời động viên, khích lệ con và gia đình.
>> Học sinh Việt ám ảnh phải giỏi toàn diện
Xin hỏi rằng, trong số bố mẹ ngày ngày, ai không mong rằng con mình sẽ đạt kết quả tốt? Ngày ngày, chúng ta dãi nắng dầm mưa ở cổng trường, cùng con học tối ngày, cùng con trải qua những kỳ thi, ai thấu hết được nỗi lòng của cha mẹ? Và nếu chỉ cần một tờ giấy khen, có lẽ những vất vả đó sẽ tan biến, để rồi bố mẹ cũng cảm thấy, những khó khăn, vất vả đó cũng được đền đáp.
Nếu con không đủ giỏi 12 năm học, lẽ nào cả quãng đời học sinh con đi học không nhận được một tấm giấy khen nào? Dẫu rằng ai cũng mong các con phải cố gắng hơn, nhưng liệu phải chăng con đường dẫn các con đến thành công ngày càng hẹp đi khi sự khích lệ từ chính nhà trường, giáo viên đều không dành cho những em không xuất sắc?
Đúng là khi bố mẹ không xuất sắc, thì không thể mong và kỳ vọng, thậm chí là ép con mình được vậy, nhưng chắc chắn rằng, điều con cần không chỉ là sự động viên từ phía gia đình mà còn là sự khích lệ của nhà trường và giáo viên. Tinh thần là một yếu tố quan trọng bởi nó quyết định đứa trẻ có thể bộc lộ tài năng của mình hay không? Và do đó, dù có hay không có giấy khen, tôi vẫn quyết định tự mình làm một chiếc giấy khen rất lớn để tặng con trai mình vì sự cố gắng suốt một năm qua.
Theo Điều 13 của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học, Hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen cho học sinh:
– Được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
– Được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
– Có thành tích đột xuất trong năm học.
Ngoài ra, học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.