Nợ xấu và các biện pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng thương mại

TCDN –
Việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như ngân hàng, bởi nó mất nhiều thời gian và công sức, vì vậy việc xử lý nợ xấu cần có sự góp sức từ nhiều phía, của cả ngân hàng và các doanh nghiệp.

no-xau 2

Tóm tắt

Nợ xấu vốn là điều không tránh khỏi trong nền kinh tế và càng trở nên rủi ro hơn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, nếu mỗi ngân hàng có lộ trình rõ ràng và những bước đệm chuẩn bị chu đáo, rủi ro nợ xấu sẽ khó tác động mạnh đến an toàn của hệ thống ngân hàng, kênh dẫn vốn của nền kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như ngân hàng, bởi nó mất nhiều thời gian và công sức, vì vậy việc xử lý nợ xấu cần có sự góp sức từ nhiều phía, của cả ngân hàng và các doanh nghiệp.

Quan sát Báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết có thể thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến 30/6/2021 ở đa số các nhà băng đều giảm so với cuối năm 2020. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp Techcombank, MB, Vietcombank hay VIB. Đây đều là những ngân hàng được thị trường đánh giá cao về chất lượng tài sản trong vài năm trở lại đây.

Việc Techcombank và MB có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn cả Vietcombank là một tín hiệu mới, cho thấy nhóm ngân hàng thương mại tư nhân đã đặt chú trọng nhiều hơn vào quản trị rủi ro.

Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác như TPBank, HDB, Lienvietpostbank cũng có tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2021 khá thấp, chỉ từ 1,1-1,3%. Đáng chú ý, một số ngân hàng từng có tỷ lệ nợ xấu ở diện cảnh báo, vượt quy định của NHNN như Kienlongbank, NCB đều đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống khá thấp lần lượt là 1,08% và 1,4%. Điều này đến từ việc đẩy mạnh quá trình xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu của các nhà băng.

Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nửa đầu năm 2021 là ABBank (2,3%), PGBank (2,7%), Bản Việt (2,8%) hay VPBank (3,4%) dù mức tăng trưởng tín dụng của nhóm này đều khá cao như Bản Việt là 11,6%, VPBank là 6,8%, ABBank là 5,6%, PGBank là 2,4%.

2. Biện pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng thương mại

Để giảm và hạn chế nợ xấu phát sinh các ngân hàng nên xây dựng các chương trình xử lý nợ xấu với những biện pháp cụ thể.

– Nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng Ngân hàng thương mại

Trước hết việc tập trung vào nhân tố con người của Ngân hàng thương mại là biện pháp xử lý nợ xấu đảm bảo hiệu quả cao, bền vững và lâu dài nhất. Việc cán bộ tín dụng thiếu năng lực, thiếu trình độ chuyên môn và tư cách đạo đức kém sẽ dẫn tới những sai sót khi thẩm định, phân tích đánh giá khi đưa ra ra các quyết định cho vay, làm tăng khả năng mất vốn của ngân hàng.

Vì vậy, với đội ngũ nhân viên có năng lực, trình độ chuyên môn tốt thì họ sẽ xây dựng được chi tiêu về nợ xấu một cách sao cho phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong việc xử lý nợ xấu cho Ngân hàng thương mại.

– Hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro

Bản thân hoạt động cho vay của ngân hàng luôn chứa đựng rủi ro, vì vậy việc xây dựng chính sách quản lý rủi ro là kim chỉ nam cho hoạt động cho vay.

Nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động cho vay nói riêng phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong từng thời kỳ. Việc tăng cường hay nới lỏng quản lý, xử lý nợ xấu là theo định hướng và mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, tùy theo tỷ lệ nợ xấu đang ở mức bao nhiêu mà ngân hàng sẽ có những biện pháp điều chỉnh, hiệu quả nhằm kiểm soát và xử lý nợ xấu một cách tốt nhất.

– Xây dựng mô hình tổ chức và quản trị điều hành

Mô hình tổ chức có tác động trực tiếp đến lập kế hoạch và triển khai xử lý nợ xấu, với Ngân hàng thương mại có mô hình tổ chức rõ ràng, phân rõ cụ thể chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận sẽ giúp Ngân hàng thương mại vận hành một cách trôi chảy, và đạt hiệu quả tối ưu trong công tác xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, ban quản trị điều hành của Ngân hàng cũng là nhân tố quan trọng trong việc đưa ra những quyết định, định hướng rõ ràng cho cán bộ tín dụng, nhất quán trong việc thực hiện kiểm soát và xử lý nợ xấu theo đúng như quan điểm mà ban lãnh đạo đã đưa ra.

– Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động cho vay

Sự giám sát chặt chẽ, theo dõi sát sao các khoản vay sẽ giúp cho Ngân hàng giảm thiểu được rủi ro, đồng thời giúp Ngân hàng chủ động trong việc xác định nợ xấu chuẩn xác và đưa ra những biện pháp hợp lý để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ một cách chặt chẽ sẽ giúp Ngân hàng tránh được những rủi ro đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng, để từ đó cán bộ tín dụng thực hiện công tác xử lý nợ xấu một cách nghiêm túc nhất.

– Trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro

Dự phòng rủi ro là số tiền được trích lập và hoạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tốn thất có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự phòng rủi ro bao gồm: Dự phòng cụ thể và dự phòng chung.

Ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro trong những trường hợp khách hàng là tổ chức bị giải thế, phá sản theo quy định của pháp luật, cá nhân bị chết, mất tích, và đối với những khoản nợ được phân loại vào nhóm 5. Khi dự phòng cụ thể không đủ để xử lý khoản nợ, Ngân hàng thương mại phải tiến hành việc phát mại tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ, nếu dự phòng cụ thể và số tiền thu được từ phát mại tài sản không đủ bù đắp rủi ro của khoản nợ thì Ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng chung để xử lý.

Vì vậy ngân hàng thương mại cần thực hiện nghiêm túc việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo nguyên tắc tính đúng và tính đủ để xử lý những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết.

– Biện pháp đôn đốc

Là biện pháp thu hồi nợ bằng các hình thức, phương pháp phi tố tụng như nhắc nhớ, đôn đốc khách hàng trả nợ thông qua công văn, điện thoại, thư điện tử, tin nhắn, trao đổi trực tiếp để thỏa thuận với khách hàng về kế hoạch, thời gian và phương thức trả nợ.

Các Ngân hàng thương mại cần tiến hành phân tích, rà soát phân loại các khoản nợ xấu để từ đó đề ra biện pháp đôn đốc, thu hồi, xử lý phù hợp với từng khoản vay.

Ngoài ra, cần theo dõi tình hình tài chính của khách hàng có nợ xấu một cách chặt chẽ, trong từng giai đoạn, thực hiện biện pháp đôn đốc thu hồi chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm kết hợp với một số biện pháp khác để tránh trường hợp khoản nợ xấu trở nên nghiêm trọng hơn.

– Biện pháp tài chính

Biện pháp này được áp dụng đối với những khoản nợ có khả năng thu hồi. Sau khi Ngân hàng thương mại thương lượng với khách hàng về những giải pháp kinh doanh có tính khả thi, mang lại lợi nhuận cho khách hàng để thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi cho Ngân hàng, cũng như đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cam kết của khách hàng đối với Ngân hàng, khi đó Ngân hàng có thể lựa chọn áp dụng những biện pháp cụ thể như sau:

Gia hạn nợ: là việc khách hàng được phép kéo dài thêm thời hạn trả nợ cuối cùng trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn, dẫn đến không thể trả nợ vay đúng hạn. Đây là biện pháp giúp khách hàng giảm bớt được áp lực thanh toán nợ trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó có thể phục hồi hoạt động kinh doanh cũng như thu xếp vốn để trả nợ cho Ngân hàng.

Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: là việc khách hàng được thay đổi thời gian trả từng phần của khoản nợ hoặc thay đổi số tiền từng kỳ trả nợ đã thỏa thuận ban đầu nhưng không làm thay đổi tổng số tiền phải trả và thời hạn trả hết nợ cuối cùng.

Cấp thêm vốn cho khách hàng: Ngân hàng chỉ xem xét cấp thêm vốn khi khách hàng chứng minh được kế hoạch kinh doanh sẽ giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn và chắc chắn có hiệu quả. Việc áp dụng phương pháp này có tính mạo hiểm vì thế cần được cân nhắc và kiểm soát chặt chẽ.

Chứng khoản hóa các khoản nợ: Ngân hàng có thể chuyển các khoản nợ xấu thành vốn cổ phần đối với các doanh nghiệp cổ phần hoặc trái phiếu. Ngân hàng áp dụng biện pháp này các khách hàng gặp khó khăn nhưng được đánh giá là có triển vọng phục hồi. Trong trường hợp khách hàng là cổ đông của Ngân hàng thì Ngân hàng có thể tạo điều kiện để cổ đông đó bán cổ phiếu cho bên thứ ba để trả nợ Ngân hàng.

– Biện pháp xử lý tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm là tài sản của khách hàng, của bên bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng thương mại, điều này giúp Ngân hàng thiết lập cơ sở kinh tế và pháp lý tạo điều kiện cho ngân hàng thỏa mãn nhu cầu thu hồi tín dụng đã cấp, giảm bớt tổn thất cho ngân hàng trong trường hợp khách hàng vay vốn không thực hiện trả nợ theo quy định vì một lý do.

Có nhiều phương thức để thực hiện biện pháp xử lý tài sản bảo đảm:

Bán tài sản bảo đảm thông qua các hình thức như khách hàng bán tài sản cho người mua, NHTM trực tiếp bán tài sản cho người mua, hoặc bán thông qua tổ chức đấu giá. NHTM nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của khách hàng. NHTM nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ. Hoặc các bên có thể thỏa thuận khác.

Tuy nhiên việc xử lý tài sản bảo đảm vẫn phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tài sản bảo đảm có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường (trừ quyền sử dụng đất) thì tài sản được bán theo giá thị trường mà không phải qua thủ tục bán đấu giá, đồng thời phải thông báo cho khách hàng và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có).

Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thỏa thuận của khách hàng và các bên cùng nhận bảo đảm, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện một cách khách quan, công khai minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, cá nhân, tổ chức có liên quan và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Như vậy, để có cơ sở chắc chắn đảm bảo thu hồi nợ và lãi trong quá trình cho vay tốt hơn, Ngân hàng thương mại cần lựa chọn, quyết định việc tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Khi đó các Ngân hàng thương mại sẽ xem xét những tài sản hiện hữu nhất đó là những tài sản hữu hình, chủ yếu là tài sản cố định dùng để đảm bảo cho các khoản nợ vay.

Việc cấp tín dụng sẽ yên tâm hơn nếu có được đảm bảo bằng tài sản, nhất là những loại tài sản có tính thanh khoản và giá trị cao. Việc xử lý các loại tài sản cũng dễ dàng hơn khi Ngân hàng thương mại nắm giữ tài sản hoặc giữ những giấy tờ sở hữu chúng và được nhà nước xác nhận. Đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao các Ngân hàng thương mại xem tài sản đảm bảo là yếu tố rất quan trọng trong quyết định cấp tín dụng của mình.

Khi tài sản được thế chấp, cầm cố tại các tổ chức tín dụng, nếu khoản vay của khách hàng đầu tư, hoạt động kinh doanh không mang lại lợi nhuận và xảy ra rủi ro thì NHTM có thể phát mãi tài sản để thu hồi nợ vay, bù đắp vào khoản nợ xấu.

– Biện pháp khởi kiện vụ án dân sự và yêu cầu thi hành án

Nếu khoản vay không thu hồi được bằng các biện pháp như đôn đốc, xử lý TSĐB…thì ngân hàng có thể dùng biện pháp thông qua các cơ quan pháp luật.

– Các biện pháp xử lý đặc biệt

Biện pháp bán nợ: Đây là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp ngân hàng thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và cơ hội kinh doanh mới. Theo đó, ngân hàng sẽ bán nợ một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ của ngân hàng đối với khoản nợ (bao gồm cả gốc và lãi) cho bên có chức năng mua-bán nợ chuyên nghiệp.

Biện pháp khoanh nợ: Khoanh nợ được hiểu là biện pháp tạm thời chưa thu nợ gốc trong một thời gian nhất định và không tính lãi trên số nợ gốc được khoanh trong thời gian đó.

Trường hợp khi khách hàng gặp rủi ro, gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, hay các trường hợp nợ do thiên tai, dịch họa và các trường hợp bất khả kháng đối với khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn được Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước chỉ đạo khoanh nợ.

Ngoài những biện pháp nêu trên thì ngân hàng có thể xử lý nợ xấu bằng cách chuyển nợ xấu thành vốn góp cổ phần. Khi đó, các ngân hàng sẽ chuyển từ chủ nợ sang cổ đông của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ giảm được áp lực thanh toán nợ, giảm được chi phí lãi vay, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể.

3. Kết luận

Thời gian vừa qua, các quy định của pháp luật đã có tác động tích cực trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn tồn tại những “điểm mù” và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán; dẫn đến quá trình thực thi các quy định về xử lý nợ xấu gặp không ít thách thức. Còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo. Khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo còn nhiều khó khăn.

Tham chiếu với giai đoạn làn sóng thứ nhất Việt Nam thực hiện mạnh giãn cách xã hội, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2021 sẽ chậm lại khi các ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tài sản.

Cùng đó, việc nhiều tỉnh, thành phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp sẽ khiến áp lực trích lập nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.

Thực tế, nợ xấu thường đi chậm hơn một bước và có độ trễ rất dài. Do đó, các phân tích gần đây cũng bày tỏ quan ngại về rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng trong và sau đại dịch Covid-19.

Mới đây, Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, chủ động nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Đây được đánh giá là bước đi phù hợp trong giai đoạn nền kinh tế gặp khủng hoảng bởi dịch bệnh đồng thời giảm áp lực nợ xấu cho ngành Ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo tài chính của các ngân hàng.

2. Giáo trình NHTM – NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS. TS Phan Thị Thu Hà (2013).

3. Quản trị Ngân hàng thương mại – NXB Tài chính, Peter S.Rose.

ThS. Nguyễn Đình Tuấn

Ngân hàng Quân đội – Chi nhánh Nghệ An