Nở rộ đào tiền ảo không mất gì trên điện thoại, có thật không mất gì?
Sau Pi Network nổi lên thời gian gần đây, hai đồng tiền ảo khác là Bee Network và Timestope cũng bắt đầu dụ dỗ người tham gia với cùng chiêu bài miễn phí, hệ phân quyền phi tập trung và đào không mất gì bằng điện thoại. Các coin này đều phát hành sách trắng nói về tầm nhìn, tham vọng thay đổi thế giới với hàng triệu người dùng đã tham gia, mà rất khó để kiểm chứng.
Những đồng tiền mới nổi này có đầy đủ hỗ trợ cho người Việt và bắt đầu xuất hiện dày đặc thời gian gần đây theo một chu kỳ đến hẹn lại lên, ăn theo sự tăng giá bất thường của Bitcoin hàng năm.
Thực tế, có ba bước rất cơ bản để một đồng tiền ảo ra mắt công chúng. Bước đầu là giới thiệu thuật toán để mời gọi người tham gia, bước hai cho phép đào đến số lượng coin nhất định và bước ba là lên sàn giao dịch.
Các bài đăng trên các hội nhóm về tiền ảo không trực tiếp dụ dỗ người tham gia, nhưng tạo ra tranh luận khiến nhiều người tò mò tìm hiểu
Chẳng hạn, vào ngày 22/5/2010, một nhà phát triển ứng dụng có tên Laszlo Hanyecz sống tại Florida (Mỹ) đã sử dụng 10.000 Bitcoin để mua 2 chiếc pizza, tức là đã có sự trao đổi hàng hóa tương đương ở thời điểm đó. Tất nhiên nếu giữ lại, số Bitcoin đó bây giờ có giá trị là hơn 375 triệu USD.
Tất nhiên, đảm bảo ba bước này không có nghĩa là một đồng tiền ảo sẽ chắc chắn thành công như Bitcoin. Thực tế, theo Coinmarketcap, có hơn 8.400 đồng tiền ảo trên thị trường, nhưng chiếm phần lớn là các đồng tiền ảo có giá trị chưa đến 0,1 USD do nguồn cung cầu chênh lệch nhau dẫn đến không thể tạo lập được giá trị thật sự.
Không như Bitcoin, nhiều coin cỏ (altcoin) khi mới lên sàn tăng vọt giá trị rất nhanh do các cá mập thao túng thị trường, sau đó xuống đáy và bị loại khỏi sàn. Gần đây, bốn đồng tiền ảo là Blockmason Credit Protocol, CyberMiles, Time New Bank và Vibe đã bị đẩy khỏi sàn theo cách đó.
Điều đó đồng nghĩa với việc, tiền ảo thế hệ mới hay tiền ảo đào trên điện thoại không phải một sự đảm bảo chắc chắn 100% thành công. Trước khi tham gia, người dùng cần đặt những câu hỏi hết sức cơ bản như liệu bản thân sẽ được gì và mất gì khi đào những đồng tiền này?
Sau đó những người quan tâm sẽ được mời gọi tham gia một cách hết sức bài bản, tinh vi trong đó nhấn mạnh yếu tố MIỄN PHÍ
Rõ ràng, với việc cài một ứng dụng bất kỳ lên điện thoại Android, người dùng đã mặc nhiên đồng ý cấp quyền truy cập vào smartphone và để ứng dụng đó thu thập thông tin gửi về máy chủ. Không phải ngẫu nhiên mà thỉnh thoảng Google vẫn gỡ bỏ nhiều ứng dụng khỏi Play Store vì lý do thu thập thông tin trái phép của người dùng hay chứa mã độc.
Việc người dùng mặc định trong đầu rằng bản thân không mất gì khi có người đã bỏ công sức sáng tạo ra đồng tiền ảo chính là một điểm bẫy trong suy nghĩ. Hàng triệu người dùng ứng dụng không rõ nguồn gốc chính là nguồn nuôi sống ứng dụng đó chứ không phải tiền ảo được tạo ra hay những giá trị được những người sáng tạo tiền ảo đó vẽ ra trong tương lai.
Một câu nói kinh điển có lẽ rất đúng trong hoàn cảnh này, đó là “cái gì trên đời miễn phí thì người dùng chính là sản phẩm”. Tuy nhiên, bởi không có gì ràng buộc ở thị trường cryptocurrency cho dù đó là đa cấp biến tướng, chỉ có thời gian mới cho người tham gia câu trả lời chính xác nhất liệu những đồng tiền ảo này sẽ ra sao.
Nguồn: Internet