Ninh Bình: Không tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành kết cấu hạ tầng

DIỆU ANH

  –  

Thứ hai, 25/04/2022 07:58 (GMT+7)

Ninh Bình – Thời gian qua, tình trạng đấu giá đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra ồ ạt và tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt một số dự án chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng, dẫn đến tình trạng người trúng đấu giá xây dựng nhà ở thì chưa có hệ thống điện, nước và hạ tầng giao thông gây bức xúc người dân.

Ninh Bình: Không tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành kết cấu hạ tầng
Khu đất tại địa bàn xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình đã đấu giá thành công từ nhiều năm những vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ảnh: NT

Hệ luỵ từ việc chưa xong hạ tầng đã đấu giá

Trong giai đoạn 2016 – 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện gần 200 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 500ha, tổng số tiền thu trên trên 20 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, tình trạng đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Người dân trúng đấu giá muốn làm nhà nhưng không có điện nước, cơ sở hạ tầng. Ảnh: NTNgười dân trúng đấu giá muốn làm nhà ở nhưng không có điện nước, cơ sở hạ tầng. Ảnh: NT

Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình, tổng số lô đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất là gần 30 nghìn lô, tổng số lô đấu giá thành công là trên 27 nghìn lô. Tuy nhiên, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc điều tra đất đai, rà soát các khu đất, xác định nhu cầu sử dụng để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất của UBND các huyện, thành phố chưa mang tính khoa học, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, dẫn đến tình trạng số lượng các dự án đấu giá đất nhiều, tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất còn thấp, người tham gia đấu giá mang tính đầu cơ đất đai, nhu cầu về đất ở thực sự rất ít.

Tỉ lệ phủ lấp của các dự án sau khi đấu giá chỉ đạt dưới 30%. Ảnh: NTTỉ lệ phủ lấp của các dự án sau khi đấu giá chỉ đạt dưới 30%. Ảnh: NT

Đặc biệt, nhiều dự án chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng, nhưng đã triển khai cho đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến tình trạng khi người trúng đấu giá xây dựng nhà ở thì chưa có hệ thống điện, nước và hạ tầng giao thông gây bức xúc người người dân. Điều này đã dẫn đến tình trạng tỉ lệ lấp đầy các khu đất sau khi đấu giá thành công còn thấp, có nơi chỉ đạt dưới 30%.

Chỉ đấu giá khi đủ hạ tầng

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các các đơn vị liên quan, tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát huy tốt nguồn lực đất đai theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn phát triển bền vững.

UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các địa phương không tổ chức đấu giá nếu chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Ảnh: NTUBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các địa phương không tổ chức đấu giá nếu chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Ảnh: NT

Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải được xem xét kỹ lưỡng trên tinh thần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp ở địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tránh gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và nhân dân.

Đồng thời, rà soát, đánh giá lại tỷ lệ lấp đầy các khu đất được đấu giá trên địa bàn từng huyện. “Kiên quyết chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện sớm các dự án đã đấu giá đất, chỉ được tổ chức đấu giá đất khi các dự án đã hoàn thành kết cấu hạ tầng” – ông Sơn khẳng định.