Những vị Tiên nữ Việt thời Hùng Vương

Các vị Tiên nữ thời kỳ này là những hoàng phi, hoàng hậu của các đời vua Hùng và đều đã trở thành những bậc “Mẫu nghi thiên hạ” trong tín ngưỡng dân gian.

Vụ Tiên Thần nữ

Vụ Tiên là vị Tiên siêu cổ của người Việt. Bà là vợ của Thái tổ Hữu Hùng Đế Minh trong truyền thuyết họ Hồng Bàng. Đế Minh nhân đi Nam tuần gặp được bà Vụ Tiên Thần nữ, vô cùng vui mừng, đã kết duyên mà sinh ra Lộc Tục…

Dấu vết của bà Vụ Tiên lưu truyền tới nay là trong tục thờ Tây Thiên Quốc Mẫu ở núi Tam Đảo, nơi ngọc phả kể rằng có một người con gái là tiên từ Cửu thiên giáng hạ, nhan sắc chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, thông thạo văn ấn, nữ tắc nữ công, lại tài năng võ nghệ, binh thư thao lược, nữ lưu hào kiệt. Khi có giặc xâm lăng, bà đã chiêu mộ quân binh, kéo về chi viện cho Hùng Vương, dẫn quân ra trận diệt giặc. Thắng trận bà được vua Hùng phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu, đời đời thờ phụng.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 1.

Tây Thiên Quốc Mẫu ở đền Thượng Tây Thiên.

Bản thân chữ “Tây Thiên” khi đọc lướt sẽ cho chữ “Tiên”. “Vụ Tiên” chính thực nghĩa là “Vua Tiên”. Tây Thiên Quốc mẫu đã trở thành Mẫu Thượng Thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ, cai quản Thiên phủ, tức là đứng đầu quần Tiên trên Thượng giới.

Mẫu Thượng Thiên là bà Mẹ Trời của người Việt, ngự trị trên đỉnh Tam Nguy của núi Côn Lôn (tên khác của núi Tam Đảo). Đây cũng là nơi bắt nguồn của dòng suối Bát Nhã, chảy từ ngọn Phù Nghi (Nghĩa) xuống qua chín khúc hồi hoàn. Vua cha Đế Minh ở núi Thái Hùng Lĩnh và Mẹ trời Tây Thiên bên dòng suối Nghĩa đã đi vào câu ca dao bất hủ của người Việt:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu đối ở đền Thỏng, là chính đền thờ Tây Thiên Quốc Mẫu tại xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc:

Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh Tiên giáng

Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký lập Mẫu nghi.

Dịch:

Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế

Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi lập mẫu oai nghiêm.

Thủy Tiên Thần Long

Đẹp thay Tiên nữ!” là lời thốt lên của Kinh Dương Vương khi gặp mẫu Thần Long bên bờ Động Đình. Kinh Dương Vương là dòng Sơn thần từ bà Vụ Tiên trên núi Tam Đảo. Còn Mẫu Thần Long là Thủy Tinh công chúa Xích Lân Long Nữ, con của Động Đình Đế Quân. Cuộc hội ngộ giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đầu tiên này đã sinh ra đức vua Lạc Long Quân. Vị Tiên nữ Động Đình đã trở thành Mẫu Thoải trong tín ngưỡng Tứ phủ, vị mẫu cai quản Thủy phủ.

Chính đền thờ Xích Lân Long Nữ ở Việt Trì gọi là đền Tiên Cát, cho thấy rõ ràng rằng Mẫu Thoải là một vị Tiên. Thủy Tiên Thánh Mẫu còn được thờ ở nhiều nơi khác tại vùng đồng bằng ven sông Hồng, dưới những tên gọi và chuyện kể khác nhau. Điển hình là chuyện bà Phan Cù Nương ở làng La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) bên bãi Trường Sa của sông Đà. Hay chuyện Quý Nương sinh Hoàng Xà trong sự tích đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình… Tựu chung các sự tích về Thủy Tiên Thánh Mẫu đều kể bà Mẹ Rồng sinh một bọc, nở ra mấy người con dưới hình rắn – rồng, rồi trở thành các vị thủy quan ngự trị các lưu vực sông ngòi.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 2.

Ban thờ Mẫu Thần Long ở đền Tiên Cát.

Đền Á Lữ, nơi thờ Kinh Dương Vương ở Thuận Thành, Bắc Ninh có đôi câu đối về mẫu Thần Long:

Tương truyền Lĩnh động Tiên sinh Thánh

Tòng thử Viêm phương quốc hữu quân.

Dịch:

Tương truyền chốn Lĩnh Tiên sinh Thánh

Từ đó phương Viêm nước có vua.

Tiên Dung Công chúa

Vị công chúa con vua Hùng thứ ba, có vẻ đẹp như trăng rằm, được Hùng Vương đặt tên là Tiên Dung và vô cùng yêu quý. Công chúa trên đường đi ngao du sơn thủy, xuôi dòng sông Hồng qua bãi Tự Nhiên ở đất Khoái Châu đã có cuộc kỳ ngộ với chàng trai Chử Đồng Tử. Hai vợ chồng cùng nhau học được Tiên đạo, một gậy một nón dựng nên cơ đồ bề thế, lâu đài cung điện ở vùng đầm nước bãi sông. Chử Đồng Tử được nhân dân theo về, lập thành nước riêng, nên Tiên Dung cũng đã trở thành Hoàng phi của một bậc Thiên tử.

Cùng với vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung còn có vị Tây Sa Công chúa, là con của Tây Vương Mẫu giáng phàm, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cứu dân. Kết cục Chử gia tam tiên một đêm đã bay lên trời hóa thành bất tử, nhập vào bóng trăng với sự tích chú Cuội, chị Hằng và thỏ ngọc.

Câu đối ở đền Đa Hòa, là nơi cung quách xưa của Chử Đạo Tổ và Tiên Dung Công chúa:

Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch

Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên.

Dịch:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ

Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Bạch Kê Ma Cô Tiên

Truyền thuyết về thành Cổ Loa kể rằng, các Tiên nữ đêm đêm đã xuống trần giúp An Dương Vương xây thành, nhưng bị yêu quỷ hóa thành con gà trắng gáy báo sáng, làm các Tiên nữ bỏ đất xây thành mà bay về trời. Thực ra, vị Tiên nữ ở Cổ Loa chính là Mẫu Bạch Kê, mà nay đền thờ còn sau núi Thất Diệu ở xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 6.

Nghi môn miếu Bạch Kê ở Yên Phong, Bắc Ninh.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 7.

Bia đá chùa Ma Cô Tiên ở Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Đôi câu đối ở nghi môn đền Mẫu Bạch Kê ghi:

Hồng Lạc di phong trang thể thế

Tiên Long dư duệ khải hồng cơ.

Dịch:

Phong tục Lạc Hồng hình thể đẹp

Rồng Tiên dòng dõi mở cơ đồ.

Mẫu Bạch Kê là dòng dõi Lạc Hồng của Hùng Vương đã cản trở An Dương Vương xây thành, bởi An Dương Vương là triều đại đã thế ngôi Hùng Vương trên đất này. Người đã chống lại vua nước Âu Lạc chính là nhà Ân Thương. Cầm đầu đội quân nhà Ân khi đó là các nữ tướng, mà tới nay vẫn còn được tái hiện trong vai 28 cô tướng của hội Dóng Phù Đổng.

Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương

Ân sai hai tám tướng cường nữ nhung

Xâm cương cậy thế khoe hùng

Kéo sang đóng chật một vùng Vũ Ninh.

Truyện Giếng Việt kể, trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương, vua Ân chết ở chân núi Vũ Ninh, trở thành vua của Địa phủ. Tới thời Tần Hán có người Thôi Vĩ đã lạc vào núi này, rơi xuống lòng đất gặp được Ân Hậu, rồi được một vị tiên nữ là Ma Cô Tiên đem cho ngọc báu, thuốc tiên. Thôi Vĩ trở nên giàu có, hạnh phúc và trường thọ. Ma Cô Tiên từ đó trở thành một vị phúc thần và thọ thần nổi tiếng trong văn hóa phương Đông.

Ma Cô Tiên là một hoàng phi của vua Ân, nên đây cũng chính là vị Mẫu Địa phủ trong quan niệm xưa. Bản thân chữ “Ma” có nghĩa là “má”, “mẹ” hay “mẫu”, là cách gọi xưng đối với vợ vua thời cổ. Nơi thờ vị Tiên mẫu này ở chân núi Vũ Ninh miền Châu Sơn là ngôi chùa cổ mang chính tên chùa Ma Cô Tiên, tại thôn Châu Cầu, xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Vua Tiên Âu Cơ

Nói đến Tiên nữ thời Hùng Vương ai cũng nghĩ ngay đến bà Âu Cơ, bà mẹ đã sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm trai Bách Việt. 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, tôn người con trưởng lên làm vua Hùng, lập nước Văn Lang, đóng đô ở Việt Trì… Tiên mẫu Âu Cơ đã về trời ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), nay còn di tích là ngôi đền mẫu nổi tiếng tại đây.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 4.

Hoành phi “Bách Việt chi Tổ” ở đình Ngọc Trục, nơi thờ bà Âu Cơ ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đôi câu đối tại chính điện đền mẫu Hiền Lương nói tới bà Âu Cơ là tổ của dòng Tiên lên núi, lưu truyền vạn đại, cùng đất nước và nhân dân mãi trường tồn:

Tố hồng mang đế kết dĩ lai, Tiên chủng vĩnh truyền lưu quốc tổ

Lịch Tượng quận triệu tu nhi hậu, nhân quần miễn mộ bá Viêm bang.

Dịch:

Nhớ thủa hồng mang gắn kết tới nay, nòi tiên mãi lưu truyền là Quốc tổ

Trải đất Tượng quận dựng sửa sau về, bầy dân luôn ngưỡng mộ khắp Viêm bang.

Mẫu Âu Cơ còn gặp trong hình tượng bà mẹ đẻ của Tản Viên Sơn Thánh ở vùng đất Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ). Người Mường thờ bà là Quốc Mẫu Vua Bà, như một vị thủy tổ của dân tộc. Cũng bởi sự tích 50 người con lên núi lập quốc và là mẹ của Sơn Thánh mà bà Âu Cơ đã trở thành thánh Mẫu lâm cung Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ ngày nay. Hình tượng Tiên mẫu Âu Cơ gắn liền với hình chim Âu bay lượn trên mặt các trống đồng, hay chim Phượng hoàng gáy báo điềm lành mở nước trong Tứ linh vật.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 5.

Mẹ đẻ Tản Viên Sơn Thánh ở đền Lăng Sương.

Tiên nữ Tây Thiên Ngọc Tiêu

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 9.

Bà Ngọc Tiêu ở đền thờ Thanh Sơn Đại vương trên núi Tây Thiên.

Cũng là Tiên nữ núi Tam Đảo, nhưng bà Ngọc Tiêu được Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể tới không phải là vị Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu đánh giặc thời Đế Minh, mà là một tiên nữ yêu kiều, kết duyên cùng với Hùng Chiêu Vương.

Ngọc phả kể rằng vua Hùng thứ bảy là Chiêu Vương đã tâm thành hướng Phật, quyết chí cầu Tiên. Vua đến núi Tam Đảo, lập Vọng Tiên đàn hành lễ bảy ngày bảy đêm để mong gặp được Tiên nhân. Đêm đó, nhà vua đã được ứng mộng qua một bài thơ Tiên, dùng cách chiết tự (những chữ trong ngoặc kép) mách bảo nơi Tiên giáng:

Tây Thiên “sơn nhân thượng”

Bất kiến “tâm hạ tướng”.

Niệm Đông “túc các” nhân

“Doãn cư thượng khẩu” vượng.

Dịch:

Trên Tây Thiên tiên đó

Không thấy điều mong chờ

Gặp người nơi Đông Lộ

Vua sẽ được như mơ.

Vua theo lời trong mộng, quay xuống chân núi, đã gặp được tiên nữ Ngọc Tiêu ở làng Đông Lộ (Đại Đình, Tam Đảo), kết nên duyên lành, đón về Phong Châu sinh cư. Rồi cả 2 người học được tiên thuật, thọ sánh ngang tuế nguyệt, hóa sinh bất diệt.

Trong thời Hùng Vương, hình tượng các Tiên nữ đều là những vị hoàng phi, hoàng hậu, vợ của các vua Hùng. Các phi hậu này người có công giúp vua Hùng đánh giặc, oanh liệt tử chiến sa trường, người có công khai dân mở đất, sinh con nối dòng tiếp dõi họ Hùng. Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Tứ phủ đều có nguồn gốc sâu xa từ những Tiên Mẫu thời Hùng Vương.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 8.

Tam Tòa Thánh Mẫu ở chùa Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh, gồm bà Vụ Tiên, Âu Cơ và Thần Long.