Những vấn đề lý luận về pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ?
Trong tiếng Việt, thuật ngữ “hợp tác quốc tế” phản ánh bản chất của hoạt động hợp tác, phối hợp trong một lĩnh vực nhất định của đời sống chính trị, văn hoá, xã hội giữa các quốc gia. Một số nghiên cứu trong chuyên ngành quan hệ quốc tế, pháp luật quốc tế, pháp luật hình sự có …
Mục Lục
1. Khái niệm pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam
Để nghiên cứu về pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS, cần làm rõ khái niệm “hợp tác quốc tế”, TTHS để thống nhất khái niệm về các quan hệ pháp luật và ngành luật điều chỉnh quan hệ xã hội, xác định chủ thể, nguyên tắc, nội dung, hình thức và giới hạn trong quan hệ HTQT trong lĩnh vực TTHS. Theo tiếng Việt, “hợp tác là cùng chung sức, giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó nhằm một mục đích chung” ; thuật ngữ “quốc tế” được sử dụng khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa các nước trên thế giới với nhau. Từ “quốc tế” theo nghĩa rộng còn bao gồm cả cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế khu vực, toàn cầu hoặc tổ chức quốc tế đa phương và có thể là song phương. Như vậy, trong tiếng Việt, thuật ngữ “hợp tác quốc tế” phản ánh bản chất của hoạt động hợp tác, phối hợp trong một lĩnh vực nhất định của đời sống chính trị, văn hoá, xã hội giữa các quốc gia. Một số nghiên cứu trong chuyên ngành quan hệ quốc tế, pháp luật quốc tế, pháp luật hình sự có sử dụng cụm từ “xuyên quốc gia”, “xuyên biên giới” để đề cập vấn đề hợp tác xuyên quốc gia, hợp tác xuyên biên giới; tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm xuyên biên giới… Trong đó, quan hệ hợp tác xuyên quốc gia, xuyên biên giới để chỉ sự hợp tác giữa hai hoặc nhiều đối tác ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác nhau mà một trong các chủ thể của quan hệ đó không đại diện nhà nước. Đặc điểm để phân biệt giữa HTQT và hợp tác xuyên biên giới hoặc hợp tác xuyên quốc gia là, ở HTQT khẳng định tính chất liên chính phủ, liên quốc gia giữa các chủ thể quan hệ hợp tác mà các chủ thể này thực hiện hành vi đại diện cho chính phủ, cho nhà nước.
1.1 Về khái niệm TTHS, pháp luật TTHS:
Theo Từ điển Luật học, TTHS là trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được quy định trong BLTTHS theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đa số các nhà nghiên cứu pháp lý Việt Nam thống nhất quan điểm cho rằng, pháp luật TTHS điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án), những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký phiên tòa), những người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người bào chữa…) và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc giải quyết vụ án hình sự. TTHS bao gồm các giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Xem xét về trình tự thời gian, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên, bắt đầu của giai đoạn điều tra hình sự, trong đó, các cơ quan có thẩm quyền xác định có tội phạm xảy ra cần phải được điều tra thi phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để chứng minh tội phạm và người phạm tội. Trên cơ sở kết quả điều tra, Viện kiểm sát xem xét quyết định đưa hay không đưa vụ án ra tòa án xét xử. Trong giai đoạn xét xử, tòa án thực hiện chức năng xét xử, Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội, bị cáo và người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội. Giai đoạn thi hành án là giai đoạn các cơ quan có thẩm quyền đưa bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật vào thi hành.
Các giai đoạn TTHS đều có những hoạt động thực thi quyền lực nhà nước, dựa vào quyền lực nhà nước mà các cơ quan tiến hành tố tụng điều chỉnh và xử sự với các cá nhân liên quan đến quá trình giải quyết vụ án theo nguyên tắc quyền uy – phục tùng. Các giai đoạn TTHS đều có cơ cấu thống nhất, liên tục, kế tiếp nhau bằng các hành vi, quyết định tố tụng và tạo thành toàn bộ quá trình TTHS. Mỗi giai đoạn TTHS đều có những thủ tục đặc trưng và được kết thúc bằng một văn bản tố tụng (quyết định khởi tố, kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định thi hành án…). Thực hiện tốt các nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn sẽ tạo tiền đề cho việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm không để lọt tội phạm, không người phạm tội nào có thể tránh khỏi hình phạt, không để xảy ra trường hợp làm oan người vô tội. Mỗi giai đoạn TTHS đều có các mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của TTHS. Mỗi quyết định tố tụng trong từng giai đoạn TTHS đều thể hiện mối quan hệ với pháp luật hình sự.
1.2 Khái niệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự
Theo tổng kết của hơn 40 nhà nghiên cứu pháp lý hình sự ở châu Âu sử dụng khái niệm: “International cooperation in criminal matters” (HTQT về các vấn đề hình sự). Ở đây, thuật ngữ “vấn đề hình sự” được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các vấn đề thuộc luật nội dung (luật hình sự) và luật hình thức (luật TTHS). HTQT về các vấn đề hình sự ở EU (nói chung gồm đa số các quốc gia châu Âu theo trường phái truyền thống luật lục địa) là hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thuộc EU vì mục đích phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Cơ sở pháp lý HTQT về hình sự ở EU gồm các công ước của EU và pháp luật quốc gia các nước thành viên EU quy định về các loại tội phạm, TTTPHS, dẫn độ, điều tra hình sự chung, thi hành án hình sự, chuyển giao phạm nhân [89, tr.15]. Quan niệm ở châu Âu như vậy có nhiều nội dung tương tự với quan niệm của nhiều nghiên cứu về HTQT trong TTHS ở Việt Nam đã công bố. Cụ thể, có tác giả nhận định rằng:
“Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự có thể được hiểu là sự trợ giúp qua lại lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước CHXHCN Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp và công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế ”.
Tuy quan điểm này không làm rõ nội hàm của khái niệm nhưng đã chỉ rõ nguyên tắc cơ bản, chủ thể, mục đích của HTQT trong lĩnh vực TTHS. Cùng đó, theo tác giả luận án, quan điểm này còn chưa hợp lý vì sự công nhận chủ thể HTQT trong TTHS bao gồm các cá nhân có thẩm quyền tiến hành TTHS. Thực tế, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hành quyền hạn của mình do pháp luật giao và nhân danh chức danh, cơ quan có thẩm quyền để tiến hành giao dịch hoặc hoạt động hợp tác chứ không nhân danh cá nhân. Ở điểm này, các công trình nghiên cứu dưới góc độ chuyên ngành PCTP ở Việt Nam thể hiện rõ ràng và thuyết phục hơn, theo đó, HTQT trong PCTP là sự thoả thuận giữa cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện chức năng PCTP (trong đó có lực lượng CAND, Viện kiểm sát, Tòa án…) của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong đấu tranh PCTP trên cơ sở các ĐƯQT đa phương, song phương; thoả thuận quốc tế hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết nhiệm vụ chung được đặt ra trong đấu tranh PCTP. Có thể thấy, về bản chất, HTQT trong lĩnh vực TTHS là quan hệ đối ngoại có tính pháp lý giữa các chủ thể là cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất để thực hiện các hoạt động điều tra, bắt, giữ, dẫn độ, chuyển giao người phạm tội… từ một quốc gia sang quốc gia đối tác.
Nghiên cứu pháp luật Việt Nam cho thấy, lần đầu tiên quy định về HTQT trong TTHS được quy định trong BLTTHS năm 203, gồm 02 chương (Chương 36. Những quy định chung về HTQT trong hoạt động TTHS và Chương 37. Dẫn độ và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án) với 07 điều (từ Điều 340 đến Điều 346). Kế thừa những nội dung hợp lý và đã được kiểm chứng bởi thực tiễn PCTP thời gian 15 năm qua, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế, quy định về HTQT trong BLTTHS năm 2015 tăng 11 điều. Trong đó, BLTTHS năm 2015 làm rõ nội hàm hoạt động HTQT trong TTHS; cụ thể là: “HTQT trong TTHS là việc các cơ quan có thẩm quyền của nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự” (khoản 1 Điều 491 BLTTHS năm 2015). Cùng đó, Điều 491 BLTTHS năm 2015 quy định hoạt động HTQT trong TTHS trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện theo quy định của ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của BLTTHS, pháp luật về TTTP và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan. Như vậy, hoạt động HTQT trong TTHS phải đáp ứng nguyên tắc “pháp luật kép”, nghĩa là vừa phải tuân thủ pháp luật quốc tế (ĐƯQT hoặc nguyên tắc có đi có lại) và pháp luật Việt Nam (BLTTHS, pháp luật về TTTP và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan); trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về cùng một vấn đề thì ưu tiên áp dụng quy định pháp luật quốc tế, trừ Hiến pháp.
Khái niệm mang tính quy phạm của BLTTHS năm 2015 đã quy định chủ thể chỉ gồm các cơ quan có thẩm quyền; cơ sở pháp lý của HTQT trong TTHS là các ĐƯQT và tập quán quốc tế (nếu không có ĐƯQT điều chỉnh hoạt động cụ thể đó), pháp luật trong nước, gồm BLHS, BLTTHS, Luật TTTP và các quy định pháp luật khác có liên quan); mục đích của HTQT trong TTHS là tạo sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền của hai hoặc nhiều nước, cùng chung sức, phối hợp thực hiện các hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự mà các quốc gia cùng quan tâm. Phân tích tổng hợp từ những nội dung nêu trên, xét từ khía cạnh trong nước, chúng ta có thể đưa ra khái niệm: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam là việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự của Việt Nam căn cứ pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc nguyên tắc có đi có lại, phối hợp, giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác khác phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
1.3 Khái niệm pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam
Từ việc những phân tích nội dung các khái niệm có liên quan nêu trên, có thể thấy, pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS mang tính liên ngành; không chỉ mang đặc điểm của pháp luật nói chung, pháp luật TTHS nói riêng, mà còn liên quan chặt chẽ và mang những đặc trưng của các chuyên ngành pháp luật khác. Phân tích trên bình diện lý luận, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì xã hội trong một trật tự có lợi cho giai cấp thống trị. Pháp luật có những đặc tính cơ bản gồm tính quy phạm (hệ thống các quy tắc xử sự, làm khuôn mẫu cụ thể tạo khung khổ cho phép các chủ thể căn cứ lựa chọn hình thức xử sự); tính quyền lực (tính nhà nước, tính cưỡng chế thể hiện ở nguồn gốc hình thành, phát triển bởi nhà nước và được bảo đảm thực hiện bởi nhà nước); tính ý chí (pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền, thể hiện ở mục đích xây dựng pháp luật, nội dung pháp luật và mục đích điều chỉnh của pháp luật); tính xã hội (thể hiện ở đặc điểm pháp luật được ban hành phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định, phản ánh nhu cầu khách quan của xã hội, đồng thời, mô hình hóa những nhu cầu khách quan mang tính điển hình, phổ biến và thông qua đó, pháp luật tác động tới các quan hệ xã hội, hướng các quan hệ xã hội phát triển theo hướng nhà nước mong muốn, xác định) [38, tr. 336-338].
Từ khái niệm về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở trên, có thể thấy pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia và đại diện quyền lực, thẩm quyền tư pháp của quốc gia đó trong phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để phát hiện, giải quyết, xử lý vụ án hình sự có liên quan. Các hoạt động đó để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đối với tội phạm xuyên quốc gia; thi hành bản án hoặc quyết định của tòa án hình sự có thẩm quyền đối với đối tượng phạm tội hình sự. Cơ sở pháp lý cho các hoạt động HTQT trong lĩnh vực này được quy định ở nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh nhóm các quy phạm thuộc nhiều ngành luật khác nhau hoặc được Nhà nước ghi nhận, nội luật hóa các ĐƯQT song phương và đa phương mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Với những luận giải như vậy, có thể đưa ra khái niệm pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam như sau:
Pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện, điều chỉnh quan hệ phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để tiến hành các hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đối với tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài; phối hợp thi hành bản án hoặc quyết định của tòa án hình sự có thẩm quyền đối với đối tượng phạm tội hình sự.
2. Đặc điểm chung
Từ khái niệm của pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam như trên, có thể rút một số đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, mặc dù không phải là một ngành luật độc lập ở Việt Nam nhưng pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ghi nhận và quy định rõ việc ủy thác và đại diện cho quốc gia khác trong thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, một bên chủ thể của pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS đại diện cho Nhà nước, gồm Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu để thực hiện chức năng nhà nước trong TTHS đối với vụ việc có liên quan trên lãnh thổ của mình. Ở Việt Nam, khoản 1 Điều 34 và khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan có thẩm quyền gồm Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Tòa án; các cơ quan của Bộ đội biên phòng; các cơ quan của Hải quan; các cơ quan của Kiểm lâm; các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển; các cơ quan của Kiểm ngư; các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Các cơ quan cụ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định cụ thể tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015”.
Do TTHS gồm nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau, mỗi giai đoạn có đặc trưng, mục đích tương đối độc lập và có thời điểm mở đầu, kết thúc bằng các văn bản pháp lý tố tụng riêng, do vậy, ở mỗi giai đoạn tố tụng, thực tiễn và pháp luật Việt Nam giao nhiệm vụ chủ trì HTQT cho một cơ quan riêng. BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ cơ quan trung ương trong từng lĩnh vực cụ thể trong HTQT về TTHS, cụ thể: Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và VKSNDTC là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động TTTPHS và những hoạt động HTQT khác theo quy định của pháp luật (Điều 493). Quy định này thống nhất và phù hợp với quy định về trách nhiệm của Bộ Công an và VKSNDTC trong hoạt động TTTP tại Điều 64 và Điều 65 Luật TTTP năm 2007. Những hoạt động HTQT khác theo quy định của pháp luật TTHS như phối hợp điều tra chung, tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, xử lý, thu hồi tài sản do phạm tội mà có thì cơ quan có thẩm quyền được quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2015.
Thứ hai, pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS điều chỉnh các hoạt động HTQT với mục đích phục vụ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Các hoạt động này được tiến hành với các đối tượng là các vụ án hình sự, hành vi phạm tội có tính chất xuyên quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam, pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS đã tạo dựng khuôn khổ pháp lý để Việt Nam giải quyết một trong những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu là tình trạng tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
Theo khoản 2 Điều 3 UNTOC (Việt Nam là thành viên) quy định hành vi phạm tội có tính chất xuyên quốc gia là: Hành vi được thực hiện trên lãnh thổ từ hai quốc gia trở lên; Hành vi phạm tội được thực hiện ở một quốc gia nhưng việc chuẩn bị, lên kế hoạch, chỉ đạo hoặc điều khiển hành vi phạm tội đó diễn ra ở một quốc gia khác; liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức tham gia các hoạt động phạm tội ở nhiều quốc gia. Hành vi này thường được thực hiện bởi các thành viên hoặc những người có liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ở một quốc gia; Có ảnh hưởng lớn tới một quốc gia khác, các ảnh hưởng này có thể là xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của một quốc gia hoặc là những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của một cá nhân hay một pháp nhân.
Trên phương diện pháp lý, việc phân biệt các khái niệm liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế, tội có yếu tố nước ngoài có ý nghĩa quan trọng để xác định rõ đối tượng áp dụng các biện pháp và cơ sở pháp lý đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Tội phạm xuyên biên giới khác với tội phạm xuyên quốc gia ở hàm ý nhấn mạnh tội phạm xuyên quốc gia có thể liên quan đến hai quốc gia trở lên. Trong khi tội phạm xuyên biên giới chỉ liên quan đến phía bên kia biên giới của hai quốc gia láng giềng, tội phạm quốc tế bao gồm bốn nhóm tội phạm chính và có thể liên quan đến nhiều hơn hai quốc gia, gồm: Tội diệt chủng, tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội phạm phá hoại hoà bình. Tội phạm quốc tế có thể thuộc thẩm quyền điều tra, xét xử tại các toà án quốc tế như Toà hình sự quốc tế – ICC theo Quy chế Rôma năm 1998, các Toà án xét xử tội phạm chiến tranh tại Ru-an-đa, Nam Tư cũ và mới đây là Tòa án có sự trợ giúp của quốc tế trong xét xử hành vi phạm tội diệt chủng của Pôn Pốt và đồng phạm tại Campuchia.
Nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam còn đề cập đến tội phạm có yếu tố nước ngoài là khái niệm rộng hơn, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế, tội phạm xuyên biên giới. Đây là các loại hành vi nguy hiểm cho xã hội do các cá nhân, pháp nhân thực hiện, xâm phạm những lợi ích của các quốc gia hoặc của các cá nhân, tổ chức và có yếu tố nước ngoài do cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ một quốc gia hoặc hành vi phạm tội gây thiệt hại cho quốc gia, cá nhân, tổ chức nước ngoài… Tội phạm có yếu tố nước ngoài có thể được quy định trong các ĐƯQT hoặc trong pháp luật quốc gia. Tội phạm có yếu tố nước ngoài có thể thuộc thẩm quyền tài phán của các toà án quốc tế hoặc toà án quốc gia. Vì sự đa dạng về các khái niệm tội phạm xuyên quốc gia như nêu trên, việc UNTOC đưa ra được một định nghĩa thống nhất về nhóm tội phạm có tổ chức và khái niệm về xuyên quốc gia sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự phối hợp hành động giữa các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống loại tội phạm này.
Thứ ba, nguồn của pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên và tập quán quốc tế (thể hiện bằng ghi nhận áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong pháp luật quốc tế trong từng vụ việc cụ thể) chứa đựng các quy định về quá trình phối hợp, giúp đỡ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ để phục vụ mục đích điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Các quy định cụ thể sẽ được phân tích tại Chương 3 của luận án.
3. Đặc điểm của pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam
Là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam và liên quan đến các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên nên pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS trước hết thể hiện những đặc điểm của pháp luật TTHS Việt Nam, vừa có đặc điểm riêng nhằm tạo nên các dấu hiệu đặc thù dễ nhận thấy để phân biệt với các quy phạm pháp luật khác. Xem xét về thời gian và giai đoạn lịch sử hình thành, pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam hình thành sau khi pháp luật về TTHS đã ở giai đoạn tương đối phát triển và hoàn thiện điều chỉnh những vấn đề của HTQT trong PCTP nói chung, trong lĩnh vực TTHS nói riêng; phù hợp với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa và tích cực, chủ động hội nhập với thế giới, khu vực. Ngoài những đặc trưng như nêu ở phần 2.1.1.2., pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam có những đặc điểm sau đây:
3.1 Tính thống nhất nội tại trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh quan hệ pháp luật.
Pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam thể hiện tính thống nhất giữa bộ phận pháp luật trong nước bảo đảm tính tương thích với ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Nội dung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, các chủ thể và đối tượng có liên quan trong các hoạt động HTQT như TTTPHS, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù được tiến hành với từng giai đoạn nhất định của vụ án hình sự, trên cơ sở điều kiện phát sinh (có hành vi tố tụng, có văn bản yêu cầu theo quy định của ĐƯQT hay trên cơ sở thực hiện nguyên tắc có đi có lại, thỏa mãn các điều kiện luật định đối với từng hoạt động, như: Thỏa mãn nguyên tắc tội phạm kép, bảo đảm tôn trọng chủ quyền quốc gia, không ảnh hưởng đến vụ án hình sự đang hoặc đã được giải quyết ở Việt Nam…).
3.2 Tính quy phạm là đặc trưng vốn có của pháp luật nói chung,
pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS ở Việt Nam nói riêng
bởi pháp luật là hệ thống các quy tắc mang tính chất mẫu mực, khuôn thước cho mọi chủ thể trong xử sự, thực hiện. Các quy định của pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS có tính bắt buộc với các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể có thẩm quyền, có trách nhiệm phải chấp hành một cách triệt để, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi thực hiện các hành vi tiếp nhận yêu cầu, xem xét tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp, xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc, thẩm quyền xét xử, các trình tự, thủ tục và thời hạn chặt chẽ có liên quan đến hoạt động giải quyết vụ việc có yêu cầu HTQT.
3.3 Tính quyền lực, pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS do Nhà nước ban hành hoặc ghi nhận.
Điều này thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc trao cho các chủ thể có thẩm quyền tiến hành các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước nhằm bảo đảm mục đích của TTHS được thực thi nghiêm minh, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, bảo đảm các quyền và tự do hiến định của những người tham gia tố tụng, bảo đảm tính khách quan, công minh cho việc giải quyết vụ án hình sự.
3.4 Tính bắt buộc trong việc tuân thủ quy định của pháp luật TTHS nói chung
pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS quy định các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật TTHS, cùng đó, quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền để tiến hành các hoạt động HTQT cụ thể. Việc không tuân thủ các quy định của pháp luật TTHS có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, tác động đến chất lượng, hiệu quả của việc giải quyết vụ án hình sự, gây tác động không mong muốn trong quan hệ ngoại giao và pháp luật quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, vị thế và uy tín đối ngoại của Nhà nước, về tính nghiêm minh, hiệu quả của hệ thống pháp luật.
3.5 Tính bảo đảm thực hiện
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong đấu tranh PCTP. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh PCTP; nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành nhiệm vụ luật định. Đây là những quy định tại Điều 5 BLTTHS, đồng thời, là những nội dung yêu cầu để bảo đảm pháp luật về TTHS nói chung hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, pháp luật còn được bảo đảm thực hiện bởi hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền, quy định chặt chẽ về tổ chức, hoạt động, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền (CAND, TAND, VKSND…) trong quá trình thực thi nhiệm vụ trong hoạt động TTHS cũng như phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật Minh Khuê