Những vấn đề cần biết về nhãn hiệu hàng hóa
1. Nhãn hiệu hàng hóa là gì?
Nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa/dịch vụ của một cơ sở sản xuất/ kinh doanh với hàng hóa/dịch vụ cùng loại của các cơ sở khác. NHHH cho phép người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn để mua đúng hàng hóa/dịch vụ có chất lượng như họ chờ đợi, nhờ vào dấu hiệu phân biệt cho biết ai sản xuất/cung cấp hàng hóa/dịch vụ đó.
2. Để được bảo hộ, nhãn hiệu hàng hóa phải đáp ứng những điều kiện gì?
NHHH có thể là tên riêng, dấu hiệu, từ ngữ, hình ảnh… hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó. NHHH cũng có thể là hình ba chiều, bao bì, các tín hiệu âm thanh, thậm chí cả mầu sắc hoặc mùi. Nhìn chung, để được bảo hộ, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt và không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ. Ngoài ra, mỗi nước trên thế giới còn có một số yêu cầu riêng đối với các dấu hiệu có thể dùng làm NHHH.
3. Khi nào một nhãn hiệu hàng hóa không có khả năng phân biệt?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhãn hiệu không có khả năng phân biệt bao gồm các hình và hình hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, các chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ; chữ nước ngoài thuộc các ngôn ngữ không thông dụng. Tuy nhiên, những nhãn hiệu như thế có thể được bảo hộ nếu chúng được sử dụng và được biết đến một cách rộng rãi, có nghĩa là chúng mang ý nghĩa thứ hai, khác với ý nghĩa thông thường. Ngoài ra, những nhãn hiệu mang tính mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ cũng bị coi là không có khả năng phân biệt.
4. Có những loại nhãn hiệu hàng hóa nào được pháp luật bảo hộ?
Ngoài các nhãn hiệu cho phép xác định nguồn gốc sản xuất hoặc nguồn gốc thương mại của hàng hóa/dịch vụ, được gọi chung là NHHH, pháp luật còn bảo hộ Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu chứng nhận.
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu thuộc sở hữu của một hiệp hội ngành nghề hoặc một tổ chức khác. Tổ chức này đưa ra các yêu cầu nhất định về chất lượng hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu.
Nhãn hiệu chứng nhận được cấp dựa trên các tiêu chuẩn định trước về chất lượng, chứ không phải cho một tổ chức hoặc cá nhân cụ thể nào. Bất kỳ ai có khả năng chứng thực đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng như vậy đều có thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. ISO 9000 là một ví dụ về nhãn hiệu chứng nhận được công nhận rộng rãi trên thế giới.
5. Nhãn hiệu hàng hóa có những chức năng gì trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Chức năng chính của NHHH là phân biệt các nhà sản xuất và chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ. Ngoài ra, NHHH còn có một số chức năng phụ mà các doanh nghiệp cần quan tâm khai thác như chức năng chỉ dẫn chất lượng, chức năng quảng cáo và chức năng hỗ trợ kiểm soát và tổ chức thị trường.
6. Khi tạo nhãn hiệu hàng hóa mới, cần lưu ý những điều gì?
Một nhãn hiệu mới có thể được tạo ra một cách ngẫu nhiên, hoặc từ một ý tưởng bất ngờ. Thế nhưng điều này ngày càng ít xảy ra hơn. Số lượng nhãn hiệu hiện đang tồn tại trên thế giới là một con số khổng lồ. Việc tạo nhãn hiệu mới và bảo hộ chúng ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn, đòi hỏi trình độ chuyên môn ngày một cao hơn.
Tạo nhãn hiệu mới là một vấn đề lớn và phức tạp liên quan đến chính sách sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, khi tạo nhãn hiệu mới, doanh nghiệp cần phải chú ý để nhãn hiệu đó đáp ứng được hai mục tiêu chính là có giá trị thương mại và dễ bảo hộ.
Nhãn hiệu có giá trị thương mại phải là một dấu hiệu thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là nó phải hấp dẫn đối tượng khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp có ý định chinh phục. Để đạt mục tiêu này, nhãn hiệu phải dễ phát âm, dễ nhớ, đặc biệt phải kích thích và khêu gợi.
Nhãn hiệu dễ bảo hộ phải là dấu hiệu có tính phân biệt mạnh, tức là tính phân biệt đó phải rõ ràng và không gây tranh cãi, không gây nhấm lẫn, không gây hiểu nhầm về nguồn gốc và bản chất sản phẩm/dịch vụ.
Ngoài ra, cần phải lựa chọn dấu hiệu không giống và không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đang được bảo hộ. Đây là công việc không mấy dễ dàng, đòi hỏi được các chuyên gia về nhãn hiệu tư vấn.
7. Tại sao cần phân loại hàng hóa/dịch vụ cho nhãn hiệu hàng hóa?
Thông thường, phạm vi bảo hộ NHHH bị pháp luật giới hạn cho một số loại hàng hóa/dịch vụ nhất định. Vì vậy khi nộp đơn đăng ký NHHH, người nộp đơn phải xác định rõ ràng đang và sẽ sử dụng nhãn hiệu đó cho những loại hàng hóa/dịch vụ cụ thể nào. Để đơn giản hóa thủ tục phân loại không mấy dễ dàng này, ngày 15/06/1957 một số nước trên thế giới đã cùng nhau ký kết Thỏa ước Nice về phân loại hàng hóa/dịch vụ liên quan đến bảo hộ NHHH. Theo đó, hàng hóa/dịch vụ được xếp thành 42 nhóm (34 nhóm hàng hóa và 8 nhóm dịch vụ).
Mặc dù chưa phải là thành viên của Thỏa ước Nice, Việt Nam vẫn áp dụng việc phân loại theo thỏa ước này. Tại Việt Nam danh mục hàng hóa/dịch vụ yêu cầu bảo hộ còn phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh được đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
8. Tại sao nên tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa?
Mặc dù không bắt buộc, doanh nghiệp nên tiến hành tra cứu khả năng bảo hộ NHHH trước khi nộp đơn để tiết kiệm thời gian và chi phí. Nếu bỏ qua giai đoạn tra cứu, thì trong vòng hơn 1 năm sau khi nộp đơn đăng ký, doanh nghiệp có thể sẽ nhận được quyết định từ chối đăng ký vì lý do nhãn hiệu không có khả năng phân biệt, trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu có trước. Như vậy doanh nghiệp không những phải chịu mất chi phí đăng ký mà còn tiêu tốn thời gian một cách vô ích.
9. Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng?
Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng khi nó được sử dụng liên tục cho hàng hóa/dịch vụ có uy tín và do vậy được biết đến một cách rộng rãi. Theo Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN, nhãn hiệu nổi tiếng nghiễm nhiên được hưởng chế độ bảo hộ đặc biệt tại tất cả các nước thành viên mà không cần qua bất kỳ thủ tục đăng ký nào.
Việt nam tham gia Công ước Paris, nên có nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, dù nhãn hiệu đó có đăng ký hay không. Tuy nhiên, quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng chỉ phát sinh trên cơ sở quyết định công nhận của Cục Sở hữu Trí tuệ. Có nghĩa là nhãn hiệu phải được Cục SHTT công nhận là nổi tiếng.
10. Thế nào là nhãn hiệu ba chiều?
Nhãn hiệu ba chiều là hình dáng bề ngoài của sản phẩm được thể hiện dưới dạng không gian ba chiều. Trên thế giới, nhãn hiệu ba chiều được bảo hộ và sử dụng khá phổ biến. Việt nam hiện nay chưa có văn bản cụ thể nào qui định về việc bảo hộ nhãn hiệu ba chiều. Tuy nhiên, trên thực tế, Cục Sở hữu Trí tuệ vẫn chấp nhận đăng ký nhãn hiệu ba chiều. Các tiêu chuẩn và quy trình xét nghiệm nhãn hiệu ba chiều cũng giống như đối với các nhãn hiệu bình thường khác.
11. Cá nhân, doanh nghiệp Việt nam có thể nộp đơn trực tiếp vào Cục Sở hữu trí tuệ không?
Bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có quyền nộp đơn trực tiếp vào Cục SHTT yêu cầu cấp giấy chứng nhận NHHH. Tuy nhiên, do đây là một công việc đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, doanh nghiệp nên tư vấn trước tại các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ để đảm bảo tiến hành thủ tục một cách tốt nhất.
12. Để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cần những tài liệu gì?
– Tờ khai đăng ký NHHH;
– 12 Mẫu nhãn.
13. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa kéo dài bao lâu?
Thông thường, nếu không gặp trở ngại (chẳng hạn bị người khác phản đối…), giấy chứng nhận đăng ký NHHH sẽ được cấp trong khoảng thời gian từ 12 đến 15 tháng kể từ khi nộp đơn, và trải qua ba giai đoạn, bao gồm: giai đoạn xét nghiệm hình thức (3 tháng); giai đoạn xét nghiệm nội dung (9 đến 12 tháng); và giai đoạn cấp và công bố Văn bằng bảo hộ (1 tháng).
14. Có thể sửa đổi nhãn hiệu hàng hóa đang trong giai đoạn xét nghiệm không?
Có. Người nộp đơn có thể sửa đổi nhãn hiệu và/hoặc các sản phẩm/dịch vụ đăng ký trong giai đoạn xét nghiệm với điều kiện là việc sửa đổi đó không làm thay đổi bản chất của nhãn hiệu so với khi nộp và/hoặc không mở rộng phạm vi bảo hộ của các sản phẩm/dịch vụ xin đăng ký.
15. Có thể ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tương tự hoặc trùng với nhãn hiệu hàng hóa đang trong giai đoạn xét nghiệm không?
Không. Ở Việt Nam, quyền đối với NHHH chỉ phát sinh trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký NHHH do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp.Vì vậy, khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NHHH, khó có khả năng ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự hay hoàn toàn giống với nhãn hiệu đang được xét nghiệm.
16. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là bao lâu?
Giấy chứng nhận đăng ký NHHH có hiệu lực trong 10 năm, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp.
17. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được gia hạn như thế nào?
Đơn gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký NHHH phải được nộp cho Cục Sở hữu Trí tuệ trong vòng 6 tháng trước ngày hết hiệu lực. Thời hạn trên có thể được kéo dài, nhưng không quá 6 tháng. Trong trường hợp này, người nộp đơn phải trả thêm khoản lệ phí nộp muộn được quy định ở mức 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn. Để biết khi nộp đơn gia hạn NHHH, cần những giấy tờ gi, xem Hướng dẫn nộp đơn.
18. Nhãn hiệu hàng hóa có thể được sửa đổi sau khi đăng ký không?
NHHH và danh mục hàng hóa/dịch vụ không thể được sửa đổi sau khi đăng ký, trừ trường hợp sửa đổi để giới hạn danh mục hàng hóa/dịch vụ.
19. Nếu không được sử dụng, nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký có thể bị hủy bỏ không?
Giấy chứng nhận đăng ký NHHH có thể bị hủy hiệu lực nếu chủ Giấy chứng nhận đăng ký NHHH không sử dụng NHHH đăng ký trong vòng 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu đình chỉ hiệu lực, mà không có lí do chính đáng. Trong trường hợp này, hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký NHHH bị đình chỉ kể từ ngày đầu tiên sau thời hạn 5 năm nói trên.
Tư vấn về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cũng là một hạng mục công việc trong gói dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên của chúng tôi, hay còn gọi là gói dịch vụ luật sư nội bộ doanh nghiệp, dịch vụ luật sư riêng cho doanh nghiệp. Với chi phí vừa phải, bạn sẽ có được tư vấn và dịch vụ pháp lý hiệu quả nhất!
Hãy liên hệ ngay với Luật Thái An để được tư vấn kịp thời!
dịch vụ luật sư nội bộ doanh nghiệp, dịch vụ luật sư riêng cho doanh nghiệp. Với chi phí vừa phải, bạn sẽ có được tư vấn và dịch vụ pháp lý hiệu quả nhất!
Hãy liên hệ ngay với Luật Thái An để được tư vấn kịp thời!
CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy