Những thủ đoạn tinh vi của dân trồng ‘cỏ’

Những vườn cần sa lộ thiên…

Còn nhớ khoảng 3-4 năm trước, những “nông dân” trồng “cỏ” ở Hà Nội muốn canh tác luôn phải lén lén lút lút, dựng những cơ sở bí mật thì nay, đã xuất hiện những đối tượng ngang nhiên trồng cả vườn trên tầng thượng, hay thuê hàng ngàn m2 đất để thâm canh. Mới đây Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Long Biên phối hợp với Công an phường Ngọc Thụy triệt xóa một vườn “cỏ” được trồng trên địa bàn quận.

Trước đó, Cơ quan công an có thông tin từ quần chúng nhân dân về một khu vườn trồng hoa quả rộng hàng ngàn m2 có rất nhiều cây lạ mọc lên. Ban chỉ huy Công an quận Long Biên đã tiến hành xác minh, phát hiện tại khu vườn này có hàng trăm cây cần sa đang trong quá trình phát triển mạnh. Trưa 5-6-2021, tổ công tác của Công an quận đã thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34 kg và hơn 40 gram cần sa khô.


 Frederic khai trồng cần sa để sử dụng

Tại Cơ quan Công an, chủ vườn trồng cần sa được làm rõ là Tiberghien Frederic (SN 1966, là một doanh nhân quốc tịch Pháp). Frederic cho biết ông ta không nghiện ma túy mà chỉ trồng cần sa, phơi khô để sử dụng(!?). Cũng theo ông ta, khoảng 2 năm trước, hai vợ chồng đã thuê khu đất rộng khoảng 3.000 m2 ở bãi giữa sông Hồng để trồng cây ăn quả. Việc làm các thủ tục do do vợ ông ta – là người Việt Nam, đứng tên.

Cách đây khoảng vài tháng, ông này được một người bạn (chưa rõ lai lịch) ở Yên Bái cho vài hạt giống lạ. Frederic sau đó mang về gieo tại khu đất ở Bãi giữa sông Hồng rồi nhân giống. Ông ta không trồng thành cụm mà trồng rải rác khắp vườn, xen lẫn các cây ăn quả để tránh bị phát hiện.

Frederic vốn là một doanh nhân chuyên làm về du lịch. Khoảng hai mươi năm trước, ông ta đã đến Việt Nam và là một trong số những người đi tiên phong về du lịch sinh thái. Yêu thích cảnh vật, con người khu vực miền núi phía Bắc, Frederic đã thuê khu vườn của một gia đình người Dao cạnh hồ Thác Bà (thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) để xây khu du lịch. Cả khu vườn được trồng rất nhiều cây ăn quả. Sau đó ông ta dựng một căn nhà gỗ, lập bến cảng để khách du lịch có thể cập bến bằng thuyền. Trong nhiều năm, khu du lịch này được nhiều người nước ngoài biết đến và khá ăn nên làm ra.

Một số người quen của Frederic tỏ ra ngạc nhiên khi biết tin ông ta bị Cơ quan công an phát hiện, điều tra về hành vi trồng, tàng trữ cần sa. Gần 10 năm trước, vị doanh nhân này đã nổi tiếng với những việc làm vì cộng đồng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tại tỉnh Cao Bằng, Frederic đã thành lập một bảo tàng nhỏ, giới thiệu văn hóa bản địa. Tại tỉnh Lào Cai, Frederic tổ chức xây dựng cầu, giúp học sinh thuận lợi khi đến trường.

Tại Bắc Kạn, Frederic lập trang trại cá. Ở Yên Bái, Frederic đóng góp xây dựng trường mẫu giáo và nhà văn hóa cộng đồng… Tại khu trang trại sinh thái ở Yên Bình, Frederic cũng đã tạo việc làm cho người dân xung quanh và được mọi người yêu mến. Dù vậy, nếu Frederic vi phạm pháp luật Việt Nam thì vẫn cần phải bị xử lý nghiêm khắc.

Theo một lãnh đạo Công an quận Long Biên, khu vườn ở Bãi giữa chủ yếu vợ và con của Frederic thường xuyên cư trú. Ông ta vẫn ở Yên Bái là chính, chỉ thỉnh thoảng về đây. Vườn cần sa này đã thu hoạch được một vài lần và theo như lời Frederic phơi khô để sử dụng. Với hành vi trên, Cơ quan công an hiện đang hoàn thiện hồ sơ để xý lý ông ta về hành vi trồng, tàng trữ chất ma túy.

Tháng trước, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cũng phát hiện vườn cần sa được trồng trái phép trên nóc một căn nhà trên địa bàn quận. Ngày 13-5, tổ công tác Công an phường Yên Nghĩa phối hợp cùng chính quyền sở tại đã kiểm tra một căn nhà trên đường Quang Trung, quận Hà Đông. Lực lượng chức năng phát hiện trên mái của ngôi nhà trồng 26 cây cần sa có chiều cao từ 30 đến 40cm.

Chủ sở hữu số cây cần sa trên xác định là Lê Đình Tuấn (sinh năm 1998). Bước đầu, Tuấn khai nhận trồng cây cần sa từ tháng 3-2021 để ngâm rượu. Đáng chú ý, ngày 8-4-2021 Tuấn đã bị Cơ quan công an phát hiện, xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép ma túy. Cơ quan công an đã lập biên bản, tịch thu toàn bộ cây cần sa của đối tượng này và tiếp tục xử lý theo quy định.


Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây cần sa ở khu vườn của Frederic

…đến những căn phòng bí mật

Cách đây chưa lâu Công an TP Hà Nội phát hiện hàng loạt những cơ sở canh tác cần sa được trồng một cách tinh vi tại các khu chung cư, hay quán karaoke tại Hà Nội. Một trong số đó là vụ khám phá ổ nhóm trồng cần sa với quy mô lớn tại một chung cư trên địa bàn quận Tây Hồ.

Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin từ quần chúng nhân dân, các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Tây Hồ đã phát hiện tại một căn phòng trên tầng 8 thuộc chung cư CT14A2, khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng (Tây Hồ) có những biểu hiện đáng ngờ. Chủ nhà là đối tượng Hoàng Gia Phú (SN 1994, thường trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ). Tổ chức kiểm tra, các trinh sát đã phải sửng sốt khi phát hiện cả một vườn cần sa cùng nơi điều chế sản phẩm từ cây cần sa tại ngôi nhà mà Phú đang thuê.

Tại phòng ngủ số 1, tổ công tác phát hiện một chiếc bạt lớn được quây kín, bên trong trồng nhiều cây cần sa. Phòng ngủ số 2 có chứa 3 túi nilon cần sa khô, hộp giấy, lọ thủy tinh chứa cần sa, cân điện tử, 100 vỏ túi nilon chưa qua sử dụng… Ở phòng khách, tổ công tác thu giữ một hộp giấy bên trong chứa các mảnh vụn của thân cây cần sa khô được các đối tượng cắt nhỏ. Ngoài ra, ban công căn hộ thu được 5 cây cần sa tươi. Đặc biệt, Cơ quan công an cũng phát hiện hệ thống đèn chiếu sáng, lò ủ, máy sấy hiện đại… được đối tượng đầu tư khá công phu.

Cơ quan Công an đã làm rõ Phú và Trần Phan Hoàng Anh – bạn gái của Phú (SN 1990, trú tại phường 7, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thuê phòng tại chung cư  CT14A2 với giá khoảng 7 triệu đồng/tháng. Sau đó, một người bạn của Phú là Lê Thanh Tùng (SN 1991, trú tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đến căn hộ chơi với Phú. Do đều là những kẻ nghiện, lại không có tiền để mua ma túy dùng thường xuyên nên Phú và Tùng đã bàn bạc với nhau tận dụng căn hộ để trồng cây cần sa. Tùng đưa cho Phú khoảng 8 triệu đồng để góp vốn.

Có tiền, cả hai đầu tư mua hạt giống, mua trang thiết bị, trả tiền điện cho việc chăm sóc, trồng cây. Tới lúc thu hoạch búp hoa cần sa thì Phú sẽ chia cho Tùng một nửa số đã thu hoạch được. Sau đó, Phú nhiều lần nhờ đối tượng Phùng Minh Hoàng bán cần sa cho các đối tượng nghiện với giá khoảng 300 nghìn đồng/gram cần sa.

Sau khi đã củng cố tài liệu, chứng cứ, cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Hoàng Gia Phú về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên một số diễn đàn trên mạng Internet, không ít đối tượng công khai bán hạt giống và quảng cáo về “lợi ích” của cây cần sa. Rất nhiều trang web cũng công khai bày bán loại hạt này và hướng dẫn cụ thể từ cách lựa chọn hạt giống, chọn địa điểm canh tác cho đến thu hoạch, phơi sấy; ngoài ra còn cung cấp cần sa khô, tươi và bán rượu ngâm cần sa khá rầm rộ.


 Vườn cần sa ở quận Hà Đông bị cơ quan công an phát hiện

Cuối năm 2019, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cũng phát hiện một cơ sở trồng cần được ngụy trang rất bí mật tại căn nhà trên địa bàn phường Trung Liệt. Ngày 29-11-2019 tổ công tác tiến hành kiểm tra hành chính ngôi nhà tại ngách 1 ngõ 155 Đặng Tiến Đông, phát hiện tại tầng 4, tầng 5 của căn nhà có nhiều cây cần sa đang được trồng trong bầu đất cùng cành, lá khô của cây cần sa được đựng trong túi nilon màu đen. Những bầu đất được cất giấu trong chiếc “tủ” bằng nhựa có tráng giấy bạc, được chiếu sáng 24/24h và thông gió… đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất!

Chủ nhân của vườn cần sa là Nguyễn Trường Giang (SN 1989, trú tại Mường La, Sơn La) – thuê trọ tại căn nhà này. Đối tượng khai nhận lên mạng Internet mua hạt giống để trồng số cần sa trên và đã thu hoạch nhiều lần. Tổng khối lượng cần sa thu giữ gồm 965,27 gam cần sa tươi và 43,26 gam cần sa khô. Cơ quan Công an sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giang để điều tra hành vi mua bán trái phép chất ma túy.


Hành vi trồng, tàng trữ cần sa có thể bị xử lý hình sự

Theo
luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP
Hà Nội), pháp luật Việt Nam từ trước đến nay luôn xử lý nghiêm minh các
hành vi vi phạm liên quan đến ma túy. Các hành vi như trồng cây cần sa,
tàng trữ cây cần sa đều có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự.

Về
hành vi trồng cây cần sa của doanh nhân người Pháp, luật sư Hoàng Tùng
cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ hơn số lượng thực tế cây cần sa
mà đối tượng trồng là bao nhiêu. Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ phát
hiện và thu giữ 115 cây cần sa tươi từ việc trồng cần sa của đối tượng
thì chưa đủ điều kiện để truy cứu tránh nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối
tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm hành chính theo quy
định tại khoản 3, Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2
triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện,
cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Với hành vi
tàng trữ cần sa khô, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm
có thể bị xử lý hình sự về “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Trong
vụ việc này, đối tượng vi phạm là người nước ngoài đang cư trú tại Việt
Nam thì theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về vấn
đề người nước ngoài phạm tội tại khoản 2, Điều 5 như sau: Đối với người
nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự
theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề
trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước
quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó
không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự
của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Trường hợp
người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc đối
tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như quy định nêu trên thì
người nước ngoài phạm tội vẫn phải chịu hình phạt giống như công dân
Việt Nam phạm tội theo pháp luật Việt Nam. “Các mức hình phạt đối với
người nước ngoài phạm tội tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả
của hành vi phạm tội. Trong đó, một trong những hình phạt đặc thù nhất
phải kể đến là trục xuất – hình phạt này có thể được áp dụng là hình
phạt bổ sung tùy từng trường hợp (quy định tại Điều 37, Bộ luật Hình sự
2015)” – luật sư Hoàng Tùng nói.