Những thách thức đối với giáo dục STEM tại các trường trung học phổ thông Việt Nam

18/01/2022

Giáo dục STEM được nhiều quốc gia xem là nền tảng, động lực cốt lõi đối với sự phát triển kinh tế, và nhận được sự quan tâm của nhiều nền giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM trong thực tế đã gây ra một số vấn đề, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Bài viết của nhóm tác giả Lam Thi Bich Le và cộng sự tìm hiểu về những thách thức đối với giáo dục STEM tại các trường trung học phổ thông công lập tại Việt Nam.

Giáo dục STEM, viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, là một phương pháp giáo dục liên ngành nhằm kết nối các bộ môn độc lập để giúp học sinh giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống. Giáo dục STEM có tiềm năng thúc đẩy học sinh học tập và theo đuổi một nghề nghiệp có liên quan cho sự nghiệp tương lai của các em. Do đó, giáo dục STEM được coi là xu hướng tất yếu của hệ thống giáo dục hiện đại nhằm phát triển nguồn lao động toàn cầu trong tương lai. Giáo dục STEM đã là một phần của chương trình giảng dạy ở nhiều hệ thống giáo dục, và được triển khai thành công tại một số quốc gia phương Tây, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một số quốc gia đang phát triển, đặc biệt là tại châu Á, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các giáo viên gặp những khó khăn nhất định trong việc triển khai giáo dục STEM. Trong bối cảnh các quốc gia như Việt Nam, có rất ít thông tin về thực trạng triển khai giáo dục STEM và những giải pháp cần thực hiện để cải thiện tính hiệu quả của giáo dục STEM. Để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục STEM, cần hiểu rõ thực tế của việc tích hợp STEM từ tiếng nói của các bên liên quan. Nghiên cứu này được thiết kế để thu thập và đưa ra những hiểu biết sâu sắc về quá trình tích hợp giáo dục STEM ở Việt Nam thông qua tiếng nói của các giáo viên trung học phổ thông.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính tại 10 trường trung học phổ thông công lập (từ lớp 10 đến lớp 12, tương ứng với học sinh độ tuổi 15 – 17) tại một tỉnh miền Trung ở VIệt Nam. Những người tham gia trả lời phỏng vấn bao gồm 10 giáo viên (5 nam, 5 nữ) đến từ 10 trường công lập nói trên, trong đó, mỗi môn học Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Công nghệ có 2 giáo viên giảng dạy. Loại phỏng vấn được sử dụng trong nghiên cứu này là phỏng vấn bán cấu trúc. Các kết quả phỏng vấn sau đó được chuyển thành dạng văn bản và mã hoá.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các giáo viên cho rằng bản thân họ thiếu những kiến thức liên ngành và không được trang bị đầy đủ các phương pháp giảng dạy hiện đại. Một kết quả đáng chú ý khác được rút ra từ các phỏng vấn là sự thiếu hụt các tài liệu, tư liệu dạy học, các trang thiết bị và sự hỗ trợ cần thiết về công nghệ. Các giáo viên cũng phần nào cho rằng nguồn lực thời gian (số tiết dạy, thời lượng các tiết) và không gian (cơ sở vật chất nhà trường) hạn chế cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc tích hợp giáo dục STEM trong nhà trường.

Đáng chú ý hơn cả là những phát hiện mới liên quan đến thái độ, niềm tin của giáo viên về việc tích hợp giáo dục STEM. Sự căng thẳng giữa niềm tin của giáo viên về tầm quan trọng của việc giảng dạy các môn học STEM trong việc phát triển khả năng giải quyết các vấn đề thực tế của học sinh với các mục tiêu ngắn hạn của giáo dục trong bối cảnh thực tế địa phương của họ đã ảnh hưởng đến động lực, sự tham gia và sáng kiến của họ trong việc triển khai giáo dục STEM hiệu quả trong các tiết dạy. Một mặt, các giáo viên nhận thức được rằng giáo dục STEM rất hữu ích cho tương lai của học sinh, và họ muốn cố gắng giảng dạy các môn STEM một cách hiệu quả. Mặt khác, họ cho rằng điều quan trọng là học sinh phải đạt được các mục tiêu ngắn hạn, đó là đạt được điểm cao trong các kỳ thi quan trọng để thi đỗ vào các trường đại học mong muốn hoặc đạt được các giải thưởng cao trong các các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Cuối cùng, các giáo viên cũng bày tỏ lo ngại về cách thức đánh giá tính hiệu quả, năng lực giảng dạy của các giáo viên dạy những môn học này.

-tapchigiaoduc.edu.vn-