Những sự cố hài hước khi tự cắt tóc ở nhà mùa giãn cách
Trong những ngày salon đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chàng trai đồng ý cho bạn gái, người thân cắt tóc giúp. Từ đó, nhiều sự cố hài hước xuất hiện.
Lần đầu cắt tóc cho người khác, Quỳnh Như (sinh năm 1996, quận Tân Bình, TP.HCM) đã có kỷ niệm “để đời”.
Nhà có 2 em trai, Như được cậu em lớn đồng ý cho cắt tóc giúp vì salon đóng cửa trong đợt giãn cách xã hội.
“Trước đó, em mình hay cắt kiểu tông đơ cao lên. Mình cắt theo nhưng do tông đơ bén quá, lên thẳng một đường hơi cao nên đành ngậm ngùi tiếp tục. 5 phút sau, nhìn thành quả, mình với mẹ không nhịn được cười. Em trai thì giận mình suốt 2 ngày”, cô kể với Zing.
Em trai Như giận chị 2 ngày vì bị cắt tóc hỏng.
Sau đó, nhờ người quen sửa lại, em trai Như mới nguôi ngoai, nói chuyện với chị. Từ đó, không ai trong nhà dám nhờ Như cắt tóc.
Cô gái 25 tuổi không biết về dịch vụ cắt tóc tại nhà được một số thợ áp dụng trong mùa dịch. Tuy nhiên, ngay cả khi biết, cô và người thân cũng không dám sử dụng vì dịch đang căng thẳng.
Về phần Như, cô cho biết với con gái, chuyện tóc tai không gặp bất tiện như nam giới. Song khi móng tay, chân dài ra, cô phải tự cắt vì tiệm nail không mở.
Những câu chuyện hài hước khi salon đóng cửa cũng xảy ra nhiều trong mùa dịch. Nhiều người chọn cách mặc kệ cho tóc dài ra, số khác tìm đường “tự xử” đầu tóc.
Tranh thủ cắt tóc trước lệnh đóng cửa
Ngay khi nghe tin Hà Nội tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu, từ 0h ngày 13/7, Trần Hùng (sinh năm 1993) tranh thủ ra salon cắt tóc.
Vì đi vào buổi trưa, Hùng chỉ phải đợi 10 phút. Ngay sau anh là hàng dài chờ tới lượt.
“Mình nghĩ khi nghe tin hàng quán đóng cửa, đi cắt tóc là một trong những điều các bạn nam thấy cần làm trước tiên. Tóc con trai nhanh dài, khoảng 1 tháng không cắt là thấy như ‘người rừng’ nên phải tranh thủ đi”, anh nói với Zing.
Trước khi tới salon, Hùng được bạn gái Bảo Yến (sinh năm 1996) năn nỉ cho lấy kéo cắt tóc vì “đằng nào cũng sẽ ra hàng sửa lại”.
Chiều người yêu, Hùng đồng ý dù không tin tưởng “tay nghề” của cô. Đây là lần thứ 3, anh để cho bạn gái mặc sức “xử” kiểu đầu của mình.
Những lần Trần Hùng được bạn gái dùng kéo cắt tóc cho.
“Trước khi cắt, bạn trai mình càu nhàu nhưng vẫn chịu ngồi xuống ghế. Anh ấy dặn đi dặn lại mình là đừng cắt ngắn quá kẻo lát thợ không sửa được. Cắt xong, xem ảnh thì lăn ra cười và mắng mình. Cuối cùng, anh ấy cũng tự đi quét nhà, dọn tóc”, Yến cười nói.
Không chỉ cắt tóc cho người yêu, Yến cũng dùng bát tô để “xử” kiểu đầu mới cho cháu trai vì salon đóng cửa.
Hoàng Nam (sinh năm 1994) vội vàng đi cắt tóc khi nghe tin salon ở Hà Nội tiếp tục phải đóng cửa phòng dịch. Sợ cảnh xếp hàng dài ở tiệm lớn, anh chọn quán vỉa hè nhưng cũng không tránh được tình trạng đông đúc.
“Cuối tháng 5, mình không kịp đi cắt tóc trước lệnh đóng cửa. Hơn 1 tháng kể từ đó, mình không động vào tóc tai và thử nuôi râu xem thay đổi thế nào. Kết quả, nhìn già đi mấy tuổi, tóc thì phai hết màu nhuộm xong dài ra cũng phải khoảng 4-5 cm, gần buộc lên được như mấy ca sĩ hát rock”, Nam bật cười nhớ lại.
Vốn là người khá chăm chút tóc tai, chàng trai 27 tuổi từng để nhiều kiểu đầu như uốn xoăn, nhuộm, undercut, cạo trọc lính thủy. Lần đầu để tóc dài vì dịch khiến anh có trải nghiệm mới mẻ.
Sự thay đổi của Hoàng Nam sau hơn một tháng không cắt tóc vì dịch.
Tạm nghỉ vì sợ dịch
Trong khi nhiều tiệm cắt tóc tại Hà Nội chuyển sang phục vụ tại nhà theo yêu cầu của khách hàng để ứng phó với dịch bệnh, Phạm Thành (sinh năm 1995), chủ salon ở quận Hai Bà Trưng, quyết định tạm nghỉ.
“Tình hình dịch đang căng thẳng, mình lại sống với bố mẹ nên không muốn mạo hiểm. Chờ ổn định lại, quán được mở mình mới làm tiếp”, Thành lý giải.
Chàng trai 26 tuổi cho biết để không mất hẳn thu nhập, anh hiện kinh doanh một số sản phẩm về tóc.
Cũng vì lệnh đóng cửa, mô hình cắt tóc tiện lợi sidewalk của Thành cùng với 2 người bạn vừa khai trương 1 ngày đã phải tạm dừng.
“Mất nguồn thu chính, mình bứt rứt khi phải ngồi yên một chỗ nhưng dịch dã thì phải chịu. Để không lãng phí thời gian, mình học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng chờ ngày được mở quán trở lại”, anh nói.
Vì dịch, Thành quyết định tạm dừng công việc để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Năm ngoái, trong đợt salon phải đóng cửa, Thành từng nhận cắt tóc tận nhà cho khách hàng có nhu cầu. Anh không phục vụ khách lạ vì lo lắng mất an toàn.
“Mình không muốn tiếp xúc nhiều nên chỉ cắt tóc cho 3-4 người/ngày. Do mất thời gian đi lại và xăng xe, mình nâng giá lên một chút so với bình thường để bù vào”.
Theo Thành, thời điểm đi cắt tóc tại nhà vừa hay, vừa dở.
Chàng trai nói điểm cộng là anh được mở mang thế giới quan, thay đổi view cắt tóc, có cảm giác thân thiết hơn với khách hàng khi chủ động giao tiếp, quan sát, học hỏi phong cách sống của mỗi người.
Về điểm bất tiện, Thành nói nhiều khi anh phải cắt tóc trong điều kiện không đủ ánh sáng, nắng, nóng và ghế không đủ cao khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Không ít khi anh phải cúi nhiều dẫn đến cơ thể khá nhức và mỏi.
“Mình nhớ có lần đi cắt tóc cho khách ở khu chung cư. Khi sắp xong, một bác lớn tuổi nhờ cắt hộ. Dù có hẹn một khách khác sau đó, mình vẫn nán lại cắt cho bác ấy miễn phí. Sau đó, mình bị khách trách móc vì đến muộn, nhưng sau khi biết chuyện, người đó thông cảm và trở thành bạn thân của mình đến giờ”, Thành kể.
Dịch vụ cắt tóc tại nhà được nhiều thợ tóc áp dụng như biện pháp “chữa cháy” trong những ngày giãn cách. Ảnh: Nhật Sinh.
Một số thợ tóc ở TP.HCM cho biết trong đợt dịch bùng phát mạnh, mất hẳn thu nhập nhưng họ không dám nhận làm đầu cho khách vì sợ bị phạt.
“Mình được biết là trong thời điểm này, cắt tóc tại nhà có thu tiền là hoạt động kinh doanh tại chỗ, đi ngược với tinh thần của các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng và Chỉ thị số 10 của Chủ tịch TP.HCM. Do đó, người thuê và thợ cắt tóc đều có thể bị xử phạt. Dù lao đao vì mất thu nhập, mình cố gắng trang trải bằng khoản tiền tiết kiệm được trước đó. Mong Sài Gòn sớm hết dịch để cuộc sống, công việc trở lại bình thường”, Phong, thợ tóc ở huyện Bình Chánh, chia sẻ.