Những quy định mới về Luật Du lịch 2017 – Tư vấn pháp luật

Luật du lịch đầu tiên được ban hành vào năm 2005 là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực du lịch. Từ đó đến nay, hoạt động du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi về cả loại hình du lịch, xu hướng du lịch, lựa chọn tour du lịch. Do vậy, việc sửa đổi Luật Du lịch là việc làm cần thiết trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Luật Du lịch sẽ là khung pháp lý cho hoạt động du lịch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho du khách và tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ du lịch. Qua rất nhiều sửa đổi, bổ sung, Luật Du lịch 2017 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2017 được đánh giá là bước tạo đà cho sự đột phá của ngành du lịch nước ta theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị đã đưa ra, đó là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Bài viết sau đây sẽ đề cập tới một số điểm mới trong Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 giúp tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành du lịch nắm bắt được những quy định mới để có hướng thay đổi phù hợp.

Về điều kiện kinh doanh lữ hành

Đây là thay đổi lớn nhất mà các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm, cụ thể về các điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế. Nếu như Luật Du lịch 2005 quy định khá đơn giản về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa cần thực hiện thủ tục đăng ký xin hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa tại Sở Văn hoá thể thao và du lịch nơi đăng ký trụ sở chính mà không cần cấp giấy phép hay ký quỹ .Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc  tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và phải đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh trong đó là việc đặt cọc ký quỹ.

Như vậy có sự không công bằng giữa các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế, tạo ra lỗ hổng trong quản lý các doanh nghiệp lữ hành nội địa. Luật du lịch 2017 đã khắc phục hạn chế trên bằng việc bổ sung doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa cũng cần xin cấp giấy phép kinh doanh và thực hiện ký quỹ.

Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung điều kiện có nghiệp vụ chuyên môn đối với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, do tính chất khác nhau của kinh doanh lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa nên có sự khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Cụ thể người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.  Và Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Luật mới cũng quy định cụ thể việc Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch

Luật bổ sung thêm điều kiện đảm bảo quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú du lịch do Chính phủ quy định chi tiết. Quy chuẩn này sẽ quy định những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú phải bằng hoặc cao hơn mức độ tối thiểu nào đó.
Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không còn bắt buộc phải đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch trong thời hạn ba tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh như trước đây.

Bên cạnh các dịch vụ du lịch chính như lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch thì còn nhiều dịch vụ khác gắn liền với hoạt động du lịch như ăn uống, mua sắm, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe…trong quá trình đi du lịch. Việc phát triển các dịch vụ này không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách du lịch mà còn góp phần phát triển những ngành nghề kinh tế khác. Luật đã bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ khi phát triển các dịch vụ du lịch liên quan, đặc biệt là các dịch vụ khai thác các giá trị truyền thống như nghệ thuật biểu diễn, làng nghề, y học cổ truyền, các môn thể thao dân tộc… phục vụ khách du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch này khi được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch sẽ được gắn biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và sử dụng danh hiệu này để quảng cáo, thu hút khách du lịch.

Về hướng dẫn viên du lịch

Nếu Luật Du lịch 2005 quy định hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành thì Luật sửa đổi theo hướng quy định hướng dẫn viên  có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm xuống (từ cử nhân xuống trung cấp).

Luật mới cũng sử dụng khái niệm “hướng dẫn viên tại điểm” thay thế cho khái niệm “thuyết minh viên”, bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Luật sửa đổi cũng mở rộng điều kiện hành nghề hướng dẫn viên, theo đó, ngoài việc hành nghề trên cơ sở hợp đồng giao kết với doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có thể hành nghề theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tham gia tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Bên cạnh đó, một số quy định mới như nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mua bảo hiểm cho tất cả các khách thay vì mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài. bổ sung thêm nội dung quy định về Văn phòng xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tạo ra một cơ hội mới cho ngành du lịch giúp nâng cao chất lượng du lịch.
Trong bối cảnh ngành du lịch khu vực và thế giới phát triển mạnh thì yêu cầu thay đổi của du lịch Việt Nam là cần thiết bởi dù điều kiện ngành du lịch nước ta sở hữu nhiều tiềm năng du lịch nhưng vẫn chưa thực sự tận dụng được lợi thế này. Luật Du lịch 2017 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của hoạt động du lịch trong xu thế hội nhập đồng thời giúp công tác quản lý nhà nước về du lịch được hiệu quả đảm bảo quyền lợi của khách du lịch và góp phần phát triển kinh tế trong nước, tạo bước phát triển mới cho ngành du lịch.