Những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính
Điều 134 Luật XLVPHC đưa ra các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù để áp dụng đối với vi phạm hành chính do NCTN, cụ thể là: Nguyên tắc việc xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm
Mục Lục
1. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với NCTN vi phạm pháp luật hành chính
Điều 134 Luật XLVPHC đưa ra các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù để áp dụng đối với vi phạm hành chính do NCTN, cụ thể là: Nguyên tắc việc xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCTN được áp dụng trong quá trình xử lý NCTN. Nguyên tắc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được thực hiện khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn. Việc áp dụng hình thức, quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của NCTN. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
2. Áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với NCTN ít hơn người thành niên
Trên cơ sở các nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với NCTN, khoản 1 Điều 135 Luật XLVPHC quy định 3 hình thức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với NCTN là cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong 5 hình thức xử phạt quy định chung áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức thực hiện quy định tại Điều 21 của Luật XLVPHC . Theo đó: Hình thức xử phạt cảnh cáo: Luật quy định áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện (Điều 22 Luật XLVPHC ). Hình thức xử phạt tiền: Luật quy định hình thức xử phạt này không được áp dụng đối với NCTN vi phạm hành chính ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đối với NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có thể áp dụng hình thức xử phạt này. Tuy nhiên, mức tiền phạt áp dụng đối với từng hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước do NCTN thực hiện không được áp dụng theo nguyên tắc chung như đối với người thành niên mà phải thực hiện theo nguyên tắc: “NCTN bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”. Trường hợp người chưa thành niên không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
3. Chỉ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với năng lực trách nhiệm hành chính của NCTN
Trên cơ sở cân nhắc về độ tuổi, mức độ trưởng thành và năng lực trách nhiệm hành chính của NCTN khi tham gia các quan hệ pháp luật, khoản 2 Điều 135 Luật đã quy định chỉ áp dụng 4 trong số 9 biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Điều 28 của Luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nâng cao trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của NCTN, khoản 3 Điều 134 của Luật quy định: trường hợp NCTN không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
4. Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Luật XLVPHC quy định 2 biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với NCTN là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (áp dụng chung cho cả NCTN và người thành niên) và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (chỉ áp dụng riêng đối với đối tượng là NCTN vi phạm pháp luật hành chính). Khoản 1 Điều 136 Luật XLVPHC quy định: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với NCTN vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 90. Theo quy định này, khi tiến hành xem xét áp dụng và thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với NCTN, người có thẩm quyền bên cạnh việc phải tuân theo quy định chung về xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn còn phải tuân theo các quy định về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cụ thể là tuân thủ các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính; tuân thủ quy định về trách nhiệm quản lý của cha mẹ hoặc người giám hộ đối với NCTN có nơi cư trú ổn định, trách nhiệm của cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em đối với NCTN không có nơi cư trú ổn định. Bên cạnh đó, Luật quy định NCTN được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác, tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng phù hợp với độ tuổi của các em.
5. Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Đây là biện pháp xử lý hành chính chỉ áp dụng riêng đối với NCTN. Do vậy, các quy định về biện pháp, đối tượng, thủ tục lập hồ sơ, chuyển hồ sơ, xem xét quyết định áp dụng biện pháp, thi hành quyết định áp dụng biện pháp tại khoản 2 Điều 136 được viện dẫn tới quy định tại Phần thứ ba của Luật để tiến hành áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Cụ thể, các quy định chung về nguyên tắc xử lý, đối tượng xử lý, thời hiệu xử lý được áp dụng theo Điều 3, 5 và 6 của Luật; các quy định về biện pháp và đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được thực hiện theo Điều 91 và Điều 92 của Luật; các quy định về thủ tục lập hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 99, 100 của Luật; các quy định về thẩm quyền, thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 106 của Luật; các quy định về thi hành quyết định áp dụng biện pháp được thực hiện theo Điều 107, 108, 110, 111, 112, 113, 114 của Luật và các quy định khác có liên quan đến áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được thực hiện theo Điều 115, 116, 117 của Luật XLVPHC …
6. Đối tượng áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính
Luật quy định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính (xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính) được chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở tính chất của từng biện pháp, cụ thể: Đối với biện pháp nhắc nhở : Luật quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với NCTN vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt cảnh cáo. Đối với biện pháp quản lý tại gia đình Luật quy định áp dụng biện pháp này đối với đối tượng là NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật XLVPHC.
7. Điều kiện áp dụng biện pháp thay thế xử lý xử lý vi phạm hành chính
Nhắc nhở và quản lý tại gia đình là 2 biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính mang tính xã hội, dựa vào chính đối tượng, cộng đồng và gia đình của NCTN vi phạm để thực hiện giáo dục, quản lý đối tượng. Luật XLVPHC quy định các điều kiện bắt buộc mang tính tự nguyện để một vụ việc bị xem xét xử lý vi phạm hành chính được chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính có thể thực hiện được như điều kiện NCTN phải thừa nhận về hành vi vi phạm là “tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình”. Luật quy định cụ thể như sau: Đối với biện pháp nhắc nhở, Luật quy định được thực hiện đối với NCTN vi phạm hành chính bị xử phạt khi có đủ các điều kiện như: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo. NCTN vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. Đối với biện pháp quản lý tại gia đình, Luật quy định được thực hiện với NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi có đủ các điều kiện như: NCTN vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. NCTN có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này. Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
8. Biện pháp quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam
Điều 130 Luật XLVPHC quy định biện pháp này chỉ được áp dụng khi có căn cứ cho rằng nếu không áp dụng thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất ra quyết định quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian làm thủ tục trục xuất bằng các biện pháp như: Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý, chỉ định chỗ ở của người bị quản lý, tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác thay hộ chiếu.
9. Biện pháp giao cho gia đình, tổ chức quản lý người đang được làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý
Biện pháp này được quy định áp dụng đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian người có thẩm quyền làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp này. Đối với đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý. Điều 131 của Luật quy định rõ hơn về thời hạn quản lý, nội dung quyết định giao cho gia định hoặc tổ chức xã hội quản lý, trách nhiệm của gia đình, tổ chức xã hội, trách nhiệm của người được quản lý và trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trên cơ sở các quy định này của Luật, Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc áp dụng biện pháp này.
10. Quy định về truy tìm đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục
Bên cạnh các quy định mới đã đề cập ở trên, về cơ bản quy định tại Điều 132 giữ nguyên trên cơ sở Pháp lệnh XLVPHC. Tuy nhiên, đối với người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, nếu khi truy tìm được mà người đó đã đủ 18 tuổi thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng sẽ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc nếu có đủ điều kiện thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Luật cũng quy định thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.